Năm 2007 DN Việt khởi động lên sàn nước ngoài
Bên lề Hội thảo niêm yết tại TTCK Malaysia, ông Vũ Dương Hiền, Chủ tịch Công ty Hapaco cho biết, những điều kiện niêm yết tại TTCK Malaysia - như phần giới thiệu của đại diện Sở Giao dịch Bursa Malaysia - không quá khác biệt so với TTCK Việt Nam nên Hapaco sẽ nghĩ đến việc đưa một số DN thành viên lên thị trường này.
Hiện nay, Hapaco có 4 DN thành viên đang niêm yết tại TTCK Việt Nam và 2 DN đầu tiên mà ông Hiền nghĩ đến việc đưa ra nước ngoài niêm yết là Hapaco và Haseco. Một trong những điều sàn Malaysia tạo nên sức hấp dẫn với DN là việc sàn này sẽ miễn phí cho 10 DN Việt Nam đầu tiên sang niêm yết, theo khẳng định của Giám đốc điều hành Bursa Malaysia, ông Yusli Mohamed Yusoff.
Thực tế, Hapaco là một DN tầm trung trên TTCK Việt Nam với vốn điều lệ 60 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ khoảng 30%/năm. Với một DN như Hapaco, việc niêm yết tại TTCK nước ngoài là câu chuyện có thể tính đến thì với nhiều DN lớn khác của Việt Nam, việc này có thể coi là rất khả thi. Xu hướng DN Việt quan tâm tìm hiểu về con đường sang nước ngoài niêm yết đang ngày càng rõ, nhất là khi nhiều sở giao dịch chứng khoán như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, sắp tới là Hồng Kông, Ấn Độ, NYSE, Indonesia… đã và sẽ mở rộng việc tiếp thị niêm yết đối với DN Việt Nam.
Theo dự báo của ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC) thì năm 2007 là năm phát triển tốt của TTCK Việt Nam với việc nhiều DN lớn sẽ cổ phần hoá và lên sàn kể từ quý II trở đi (quý I là thời gian DN phải tiến hành đại hội đồng cổ đông, thực hiện kiểm toán, nâng cấp chất lượng quản trị…). Cùng với việc mở rộng cơ số DN mới, nhiều DN niêm yết đã bày tỏ ý định niêm yết tại TTCK nước ngoài như FPT, Vinamilk, SSI… và đang lựa chọn một thị trường phù hợp. Về chủ trương, HASTC ủng hộ DN vươn ra TTCK quốc tế, nhưng hiện thực hoá như thế nào lại phụ thuộc vào khả năng thực tế của DN. Năm 2007 có thể coi là năm khởi động lên sàn nước ngoài của DN Việt với dự báo 1-2 DN đầu tiên sẽ thực hiện thành công công việc này. Hiện nay, trong số 87 DN đang giao dịch trên sàn Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài mới nắm giữ khoảng 6-7% vốn, nên cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của DN trên sàn Hà Nội còn rất nhiều.
Khi nói đến việc niêm yết tại TTCK nước ngoài, ông Dũng cho biết, DN cần phải hiểu theo nhiều cấp độ. Cấp độ thông thường là DN tiến hành phát hành một phần cổ phiếu tại TTCK nước ngoài và niêm yết luôn số cổ phiếu này. Như vậy, 1 DN sẽ có 2 thị trường niêm yết và cổ phiếu của cùng DN sẽ được giao dịch bằng 2 loại tiền ở 2 thị trường khác nhau. Nếu chọn hình thức này, 2 thị trường niêm yết có thể vận hành một cách độc lập, nhưng cần có một chuẩn mực chung trong công bố thông tin và một sự phối hợp khi cần thiết của các cơ quan quản lý khi DN gặp những vướng mắc cần phân xử. Cấp độ cao hơn là niêm yết song song, đòi hỏi sự liên kết tốt hơn giữa 2 thị trường và hệ thống giao dịch phải được chuẩn hoá theo một tiêu chuẩn chung. Ở cấp độ này, TTCK Việt Nam hiện chưa đủ nội lực để kết nối. Cũng theo ông Dũng, từ nay đến cuối năm, HASTC sẽ tổ chức một số đoàn sang tìm hiểu về TTCK các nước trong khu vực để hoàn thiện việc hợp tác, nhằm hỗ trợ DN lên niêm yết tại TTCK nước ngoài.
ĐTCK
|