1.000 điểm: ngưỡng an toàn của quá khứ hay hiện tại?
Trong thời gian vừa qua, TTCK điều chỉnh giảm liên tục, thậm chí một vài phiên, giá cổ phiếu rơi vào tình trạng rớt sâu và toàn diện. Khoảng 1 tuần trở về trước, nhiều nhà đầu tư cũng như giới phân tích từng nhận định, 1.000 điểm là “ngưỡng an toàn” cho VN-Index.
Minh chứng cho nhận định này là trước đó, thị trường đã từng có 2 phiên điều chỉnh đến dưới 1.000 điểm, nhưng sau đó, như gặp lực cản lớn, đã lập tức “quay đầu trở lại”. Chính vì vậy, hiện nay, tâm lý chờ đợi sự hồi phục tạm thời khi VN-Index chạm mốc 1.000 điểm của nhiều nhà đầu tư là kháù rõ ràng. Tuy nhiên, hai phiên giao dịch đầu tuần qua, chỉ số VN-Index đã rơi khỏi “đập chắn” 1.000 điểm, rớt xuống còn 965,72 điểm vào ngày 17/4. Một số ý kiến nhận định mới tiếp tục đưa ra: 900 điểm mới thực sự là “ngưỡng” của thị trường.
Theo ghi nhận của ĐTCK, lần này, nhà đầu tư tỏ ra không mấy bi quan khi thị trường giảm mạnh. Nhiều người còn cho rằng, đây là cơ hội tốt để mua vào. Một số đang tiếc rẻ vì đã vội vàng mua những ngày trước đó, nên so với bây giờ, họ bị mua đắt từ 10 đến 15% giá. Ông Th, nhà đầu tư tại sàn Thăng Long, vốn là giảng viên dạy chuyên ngành tài chính - ngân hàng, tâm sự, tính đến thời điểm này, ông đã bị lỗ 500 triệu đồng và ông nghĩ là thị trường có thể tiếp tục giảm, nhưng đây là cơ sở của sự phát triển bền vững trong tương lai. “Đầu tư phải chấp nhận mạo hiểm, rủi ro và phải biết lạc quan”, ông Th. nói thêm.
Tại sàn chứng khoán Kim Long, ĐTCK cảm nhận được sự thưa thớt hẳn so với những ngày giao dịch sôi động trước kia. Một số nhà đầu tư quyết tâm chờ đợi đến khi thị trường tăng trở lại và hoà vốn, nếu không nói là có lãi, mới chịu bán ra, vì theo họ, giá hiện nay là rẻ. Một số người khác lại cho rằng, thị trường sẽ giảm mạnh, vì vậy bán ra để cắt giảm thua lỗ và chưa vội mua vào là hợp lý hơn cả.
Nhận định về “ngưỡng 1.000 điểm”, nhiều nhà phân tích nói đây không phải là mức an toàn, mà phải là 900 điểm. Giải thích cho nhận định này, phái theo quan điểm “đi xuống” đưa ra 2 nguyên nhân. Thứ nhất, lúc này mới bắt đầu của chu kỳ giảm sâu trên TTCK Việt Nam (năm ngoái là từ cuối tháng 4). Việc suy giảm này là điều kiện cần thiết để TTCK có sự thăng hoa trong giai đoạn tiếp theo, dự đoán cuối năm 2007 như đã thấy trong năm 2006. Nguyên nhân thứ hai là với việc bán đấu giá phần vốn Nhà nước, khoảng 3 tỷ USD sẽ bị rút ra khỏi thị trường, nên lượng cung tăng, nhưng khả năng đầu tư bị thu hẹp. Ngoài ra, tâm lý e ngại và mang tính chờ đợi cũng làm cho khối lượng giao dịch giảm, khiến khả năng tăng giá mạnh trở lại sẽ rất khó khăn. Với suy luận như trên, phái này chủ trương tạm “rút” khỏi thị trường, chờ đến khi thị trường điều chỉnh đến “ngưỡng an toàn” này thì mới vào cuộc.
Ngược lại với quan điểm trên, phái lạc quan cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục phát triển và có khả năng duy trì trên mức 1.000 điểm. Có 3 lý do chính. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ phát triển cao và đa số DN niêm yết kinh doanh hiệu quả. Hiện nay, lượng vốn đổ vào thị trường khá lớn và có xu hướng ngày một tăng. Với việc tăng mạnh nguồn cung cũng như sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam thời gian qua, dự kiến sẽ tiếp tục mang lại thành công cho nhà đầu tư mới. Thứ hai, việc cổ phần hoá hàng loạt “đại gia” trong giới tài chính như VCB, BIDV… trong thời gian tới cũng sẽ tác động tích cực đến tâm lý chung của thị trường. Nguyên nhân cuối cùng là giá nhiều mã cổ phiếu khá rẻ, cùng với việc DN đưa ra thông tin chia cổ tức, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông…, dù chưa có tác dụng kích giá ngay, nhưng trong thời gian tới, khi các thông tin này được triển khai sẽ giúp kích thị trường lên cao hơn.
Chính vì những quan điểm trái chiều như trên nên những ngày này, dù chỉ số VN-Index có xu hướng giảm nhưng khối lượng giao dịch đã bắt đầu tăng lên và khả năng tăng nhẹ trở lại trong ngắn hạn là hoàn toàn có thể xảy ra. 1.000 hay 900 điểm mới thực sự là “ngưỡng an toàn” là câu hỏi chờ sự giải đáp của thời gian. Nhưng dù như thế nào, khi quyết định mua hay bán, nhà đầu tư cần thận trọng hơn để tránh tổn thất.
ĐTCK
|