Thứ Sáu, 13/04/2007 17:06

IMF: Kinh tế thế giới tiếp tục đà tăng trưởng năm 2007 và 2008

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo công bố ngày 11/4 đã đánh giá lạc quan triển vọng kinh tế thế giới với nhịp độ tăng trưởng được dự báo ở mức 4,9% trong cả năm 2007 và năm 2008. Như vậy, nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn tăng trưởng dài nhất kể từ đầu thập kỷ 1970, cho dù thị trường bất động sản Mỹ sụt giảm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ và những bất ổn trên thị trường tài chính thế giới.

Nhà kinh tế hàng đầu Simon Johnson của IMF nhận định thị trường nhà đất của Mỹ sụt giảm mạnh nhưng không lan rộng ra các lĩnh vực khác, nên tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này chỉ chậm lại chứ không rơi vào suy thoái trong năm nay. Kinh tế Mỹ sẽ đạt các mức tăng trưởng tương ứng 2,2% và 2,8% trong năm 2007 và 2008, thấp hơn so với 3,3% năm 2006.

IMF cũng đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) trong cả năm 2007 và 2008 lên 2,3%, phản ánh mức tăng trưởng ngoài dự đoán ở Đức, Italia và Tây Ban Nha. Thị trường lao động được cải thiện với tỷ lệ thất nghiệp trong Eurozone tính đến cuối năm 2006 là 7,6% - mức thấp nhất trong 15 năm qua.

Kinh tế Nga được dự đoán sẽ tăng trưởng 6,4% năm 2007 và 5,9% năm 2008, so với 6,7% năm 2006.

Sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản vẫn vững mạnh được thúc đẩy nhờ đầu tư của các công ty, mức tăng xuất khẩu và tỷ lệ cho vay của các ngân hàng. IMF dự đoán mức tăng trưởng năm 2007 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vào khoảng 2,3%, tăng hơn so với 2,2% năm 2006.

Các nền kinh tế mới nổi Châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan cho dù chậm hơn trong năm nay, trong khi mức độ ảnh hưởng của Mỹ giảm xuống.

Trung Quốc -nền kinh tế lớn thứ tư thế giới- dự kiến sẽ tăng 10% năm 2007 và 9,5% năm 2008, giảm nhẹ so với mức tăng 10,7% năm 2006. Trong khi đó, Ấn Độ được dự đoán tăng 8,4% năm 2007 và 7,8% năm 2008, so với mức tăng 9,2% năm 2006. Tuy nhiên, IMF cho rằng các cường quốc Châu Á này có thể đạt tăng trưởng cao hơn dự đoán.

Kinh tế Mỹ -động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế thế gíơi và các nền kinh tế khu vực-hiện có tác động giảm hơn so với trước đây đối với Châu Á. Điều này chủ yếu là do các quan hệ kinh tế gia tăng giữa các nền kinh tế Châu Á và nhu cầu gia tăng của Trung Quốc. Từ năm 2000 đến 2005, xuất khẩu của tất cả các nước Châu Á sang Trung Quốc đều gia tăng cùng với vai trò thương mại trong khu vực. Chính vì vậy, các nền kinh tế khu vực ít phụ thuộc vào Mỹ hơn so với giai đoạn đầu thập kỷ này.

Inđônêxia, nước đông dân thứ ba trong khu vực, sẽ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh đã thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất. Còn các nền kinh tế khác ở khu vực Đông Nam Á nhìn chung đều đạt mức tăng trưởng khá trong năm nay, trong đó GDP của Thái Lan ước đạt 4,5%, Xingapo là 5,5%, Hàn Quốc là 4,6%.

Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á 1997/98, các thị trường tài chính trong khu vực vẫn dễ bị tổn thương trước những rủi ro ngoài dự đoán trên thế giới. IMF đã cảnh báo nguy cơ về dịch cúm gia cầm hiện đã cướp đi sinh mạng của 170 người trên thế giới, chủ yếu ở Châu Á, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.

IMF cũng đã nâng mức dự đoán tăng trưởng của Châu Phi trong năm 2007 từ 5,9% lên 6,2% năm 2007. Trong những năm gần đây, GDP của Châu Phi tăng trưởng nhanh nhờ thu nhập từ khai thác dầu mỏ, các nước giàu cắt giảm nợ và mức độ các xung đột tại châu lục này cũng đã giảm so với thập kỷ trước. Ngoài ra, chính sách kinh tế hợp lý, sự phát triển kinh tế thế giới cũng đã góp phần để kinh tế Châu Phi tiếp tục tăng trưởng ổn định, thậm chí còn cao hơn mức tăng trung bình toàn cầu trong năm 2007.

Trong khi đó, mức tăng trưởng ở khu vực Mỹ Latinh chậm lại đôi chút từ 5,5% năm 2006 xuống 4,9% năm 2007. Những nước có quan hệ gần gũi với Mỹ như Mêhicô, các nước xuất khẩu dầu mỏ và kim loại trong khu vực như Vênêxuêla và Chilê sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất.

Mặc dù giá dầu chỉ ở mức vừa phải, song các nền kinh tế Trung Đông nhìn chung vẫn thuận lợi với mức tăng trưởng ước khoảng 5,5% năm 2007 và năm 2008. Tuy nhiên, các nước sản xuất dầu mỏ khu vực này cần phải tìm cách tăng đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực phi năng lượng.

Giám đốc điều hành IMF, Rodrigo Rato, nhận định những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đã giảm bớt so với 6 tháng trước đây nhưng bản chất thì đã thay đổi, đồng thời cũng còn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn và nghịch lý đằng sau sự thịnh vượng kinh tế hiện tại.

Ông Rato nhấn mạnh một thực tế là tăng trưởng kinh tế thế giới đã đạt 5% năm ngoái nhưng các thị trường tài chính thay đổi khó lường lại giảm tới 4% giá trị chỉ trong 1 ngày hồi tháng 2 vừa qua do những lo ngại về giá trị cổ phiếu Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Nhìn chung, các quan chức IMF đều lạc quan cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tránh được khủng hoảng và sớm thoát khỏi tình trạng ế ẩm của thị trường nhà ở, trong khi phần còn lại của nền kinh tế thế giới có triển vọng tăng trưởng ổn định.

TTXVN

Các tin tức khác

>   EC buộc tội các công ty vận tải biển khống chế giá cả (13/04/2007)

>   Luật chống gian lận giá nhiên liệu có thể tác động xấu đến kinh tế Mỹ (13/04/2007)

>   Tập đoàn dầu khí Mỹ rút khỏi Iran (13/04/2007)

>   Hàn Quốc giữ nguyên lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (13/04/2007)

>   IMF: Triển vọng kinh tế toàn cầu khả quan hơn (13/04/2007)

>   Nga và Hy Lạp sẽ gia hạn hợp đồng mua bán khí đốt đến năm 2040 (13/04/2007)

>   GECF nhất trí thành lập ủy ban đánh giá thị trường khí đốt (13/04/2007)

>   Các ngân hàng trung ương Châu Á nỗ lực ngăn chặn sự tăng giá của đồng nội tệ (13/04/2007)

>   Tin vắn kinh tế (13/04/2007)

>   Google xin lỗi về việc sử dụng công nghệ của công ty Trung Quốc (13/04/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật