Thứ Ba, 10/04/2007 23:10

Chứng khoán phát triển, ngân hàng được lợi nhiều hơn

Sự phát triển bùng nổ của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua đã và đang đặt các ngân hàng, một chủ thể vốn dĩ chiếm thế độc quyền trên thị trường vốn lâu nay, vào một bối cảnh mới, với cả thuận lợi và thách thức.

Cho đến thời điểm này, đa phần các chuyên gia tài chính nhận định rằng, ngành ngân hàng được hưởng lợi nhiều hơn là “chịu thiệt thòi” từ sự phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán. Bằng chứng là năm 2006 và quý 1 năm nay được coi là “thời gian đại thắng” của các ngân hàng thương mại Việt Nam, mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của khối ngân hàng đã dẫn đầu trong số các ngành kinh tế.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) công bố lợi nhuận năm 2006 ở mức ấn tượng với 544 tỷ đồng, cao nhất trong 15 năm hoạt động. Con số này trong quý 1 năm nay là 302 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế (VIB Bank) cũng đạt mức lợi nhuận 200 tỷ đồng trong năm 2006, cao gấp hơn 2 lần năm trước đó; 64 tỷ đồng trong quý 1 năm nay, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại Á Châu (ACB) công bố mức lãi quý 1 lên tới 413 tỷ đồng, tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiền lãi của ngân hàng đã không còn chỉ phụ thuộc vào chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động vốn như lâu nay vẫn thấy, mà còn phụ thuộc vào nhiều loại dịch vụ sinh lời khác, đặc biệt là từ hoạt động đầu tư.

Sự sôi động của thị trường chứng khoán đã khiến các dịch vụ thẻ, mở tài khoản của cá nhân và tổ chức nhộn nhịp hơn. Điều này cùng với một số dịch vụ khác về quản lý tài chính doanh nghiệp và cá nhân đã mang lại những nguồn thu đáng kể cho các ngân hàng.

Một tác động tích cực khác từ thị trường chứng khoán là thị trường này đã khiến việc huy động vốn của các ngân hàng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết quý I/2007, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều đã đạt mức vốn điều lệ từ 1000 tỷ đồng trở lên, vượt trước thời hạn so với lộ trình tăng vốn điều lệ được quy định tại Nghị định 146 của Chính phủ ban hành năm 2006.

Sức nóng của thị trường chứng khoán, tỷ lệ chia cổ tức được các ngân hàng công bố ở mức cao, cùng với sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào lợi nhuận dài hạn của các ngân hàng đã khiến việc phát hành cổ phiếu tăng vốn trở nên quá thuận lợi. Cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường luôn ở hàng “VIP” với giá cực kỳ nóng, nhất là trên thị trường phi tập trung (OTC).

Tuy nhiên, các chuyên gia và các nhà quản lý cũng đã cảnh báo nhiều tác động bất lợi từ việc tăng vốn điều lệ quá “nóng” như hiện nay. Một quan chức của Vụ Tín dụng (thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, tăng vốn nhanh sẽ làm gia tăng áp lực lên quá trình phát triển kinh doanh của các ngân hàng, đặc biệt là đòi hỏi phải tăng lợi nhuận tương ứng và phải mở rộng quy mô mạng lưới nhanh.

Cũng đồng quan điểm này, ông Võ Văn Châu, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông còn nhận định việc dòng vốn nhàn rỗi trong dân đang ngày càng đổ dồn vào thị trường chứng khoán, thay thế thói quen gửi tiết kiệm tại ngân hàng, đặt ngành này trước sức ép cạnh tranh mới.

Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Phó Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Quang Trung cũng cho rằng: “Các doanh nghiệp lâu nay chỉ quen đến ngân hàng vay vốn, nay có thêm một kênh huy động vốn trung và dài hạn khá hữu hiệu là phát hành cổ phiếu qua thị trường chứng khoán”. Vì vậy, “sức hút của thị trường chứng khoán đối với các tổ chức, cá nhân đang gây một ảnh hưởng không nhỏ đối với thị trường nguồn ngắn hạn và cả trung-dài hạn tại các ngân hàng”, ông Trung nói.

Thực tế này cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thuý đề cập với báo giới bên hành lang kỳ họp Quốc hội mới đây khi ông dẫn ra con số tiền gửi huy động của dân cư thời điểm này tuy vẫn tăng nhưng chỉ bằng nửa mức tăng của cùng kỳ năm 2006.

Sức ép cạnh tranh đã khiến các ngân hàng gần như đồng loạt công bố tăng lãi suất huy động vốn. Giới chuyên môn bắt đầu tỏ ra lo ngại trước tình trạng lãi suất đang chạm sát với giới hạn sinh lãi, khả năng an toàn các các ngân hàng và tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, người đứng đầu ngân hàng trung ương còn cảnh báo về việc đã có không ít khách hàng kê khai vay vốn ngân hàng để kinh doanh nhưng thực tế là để đổ vào chứng khoán. Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá những tác nhân vĩ mô tới hoạt động tài chính ngân hàng và đặt hệ thống này trước những tác động bất lợi khi thị trường chứng khoán gặp rủi ro.

Không những thế, lợi nhuận hấp dẫn trong “thời chứng khoán” đã làm xuất hiện một “phong trào” thành lập ngân hàng mới. Số hồ sơ gửi đến Ngân hàng Nhà nước xin phép thành lập ngân hàng mới đang tăng theo cấp số nhân trong thời gian gần đây. Các ngân hàng đang hoạt động cũng đua nhau thành lập thêm chi nhánh, phòng giao dịch. Hiện trạng này khiến nhu cầu về nhân lực ngày càng gắt gao và ẩn chứa những nhân tố thiếu an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để hạn chế nguồn tiền ngân hàng chảy sang chứng khoán như quy định hạn chế ngân hàng cho các công ty chứng khoán thành viên vay vốn, chấm dứt nghiệp vụ mua – bán cổ phiếu có kỳ hạn được một số công ty chứng khoán áp dụng đối với nhà đầu tư (nghiệp vụ Repo), thắt chặt việc quản lý cho vay thế chấp bằng chứng khoán.

Một văn bản pháp luật mới về điều kiện thành lập ngân hàng mới cũng đang gấp rút được hoàn thiện với những yêu cầu chặt chẽ về nghiệp vụ, nhân lực, nhằm đảm bảo sự an toàn bền vững cho hệ thống này./.

TTXVN

Các tin tức khác

>   LBM Thông báo thời gian, địa điểm họp ĐHCĐ (10/04/2007)

>   AGF Thành lập công ty Delta AGF (10/04/2007)

>   TS4: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn (10/04/2007)

>   STB: Giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan với thành viên HĐQT (10/04/2007)

>   ITA: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (10/04/2007)

>   Công văn về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của ACB (10/04/2007)

>   Cổ phiếu ngân hàng có thật sự hấp dẫn? (10/04/2007)

>   Lại "cầu cứu" Thủ tướng về vụ thép TQ thương hiệu Việt (10/04/2007)

>   Bê tông 620 đầu tư mạnh vào tài chính và chứng khoán (10/04/2007)

>   Khớp lệnh liên tục tại TTGDCK TP.HCM: Không nắm vững là... mất tiền (10/04/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật