Cổ phiếu ngân hàng có thật sự hấp dẫn?
Cổ phiếu các ngân hàng (NH) thương mại cổ phần bắt đầu xuống giá theo đà rớt giá chung trên thị trường chính thức. Từ khi sốt giá đến nay, giới đầu tư chuyên nghiệp luôn cho rằng giá cổ phiếu các NH VN là khá cao và có độ rủi ro lớn.
Giá cao hơn nhiều lĩnh vực khác
Ngay trong thời điểm quý IV/2006, khi giá cổ phiếu của nhiều NH còn dao động trong khoảng từ 6x – 8x, nhiều chuyên gia tài chính đã cho rằng giá cổ phiếu của các NH ở VN đã là cao. Theo đánh giá của Credit Suisse trong báo cáo chiến lược đầu tư vào châu Á – Thái Bình Dương thì hiện nay các chỉ số P/E, P/BV của các chứng khoán, nhất là cổ phiếu của các NH VN đang cao hơn nhiều so với thị trường của các nước trong khu vực. Chẳng hạn 2 cổ phiếu NH được xếp vào bậc nhất, nhì ở VN hiện nay là ACB và Sacombank. Tính đến ngày 27-3, chỉ số P/E của ACB là 53.4 (EPS là 4.5) của Sacombank là 69,42 (EPS là 2.13). Tuy nhiên, nhiều người còn cho rằng, giá cổ phiếu 2 NH đang niêm yết trên sàn này còn thấp hơn giá cổ phiếu nhiều NH đang giao dịch trên thị trường OTC nếu tính theo giá trị thực của doanh nghiệp.
Theo cách đánh giá của công ty tư vấn chứng khoán, khi tính giá trị cổ phiếu NH phải tính thêm chỉ số P/E/S, tức là tính yếu tố tăng trưởng trong giá cổ phiếu thì mới có thể phản ánh được chính xác. Nhưng gắn liền với yếu tố tăng trưởng, NH phải liên tục tăng vốn điều lệ để tăng vốn huy động và lợi nhuận của NH phải tăng tỉ lệ thuận với vốn điều lệ để giữ mức thu nhập ổn định trên cổ phần (EPS). Trong khi đó, tại VN tính đến thời điểm 8-2006, đã có 5 NH thương mại Nhà nước (chiếm đến 70% – 80% thị phần), 37 NH thương mại cổ phần, 5 NH liên doanh, 29 chi nhánh NH nước ngoài, 900 quỹ tín dụng... Theo đánh giá của giới chuyên môn, số lượng như vậy đã là khá nhiều so với quy mô của nền kinh tế VN hiện nay. Đó là chưa kể bắt đầu từ ngày 1- 4- 2007, NH nước ngoài có thể thành lập NH con với 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO của VN. Điều đó cũng có nghĩa là thị phần trên thị trường VN đã phân chia xong, muốn giữ được tốc độ tăng trưởng 22% - 25% (trung bình ngành), các NH phải liên kết, phải cạnh tranh với nhau để phát triển. Chính điều này sẽ tạo sự rủi ro lớn cho cổ phiếu của không ít NH.
Loại nào dễ gặp rủi ro ?
Theo ông Fiachra Mac Cana, chuyên gia phân tích tài chính Vina Capital, hiện nay lĩnh vực tài chính, NH ở VN được đánh giá là yếu nhất so với các ngành nghề khác. Do vậy sau khi VN gia nhập WTO, khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này là rất cao do sự đổ bộ của các NH nước ngoài vào. Lúc đầu có thể là sự liên doanh, liên kết hợp tác để tồn tại. Sau đó, khả năng sẽ có nhiều NH bị sáp nhập và phá sản trước sự cạnh tranh. Do đó, việc đầu tư vào các cổ phiếu NH phải hết sức thận trọng, nhất là những NH có thị phần thấp.
Đứng trước cuộc cạnh tranh sắp tới, Chính phủ ban hành nghị định yêu cầu các NH thương mại cổ phần đến năm 2008 phải có vốn điều lệ tối thiểu là 1.000 tỉ đồng và năm 2010 có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng nhằm thanh lọc những NH yếu kém, sức cạnh tranh thấp.
NLĐ
|