ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính
Bộ trưởng Tài chính Inđônêxia Sri Mulyani cho hay, các nước ASEAN đã nhất trí thành lập nhóm chuyên trách để xem xét khả năng thành lập Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN, nhờ các nước thành viên hiệp hội có dòng vốn lớn và mức tiết kiệm cao.
Trong khuôn khổ kế hoạch này, các nước thành viên sẽ đóng góp khoản vốn ban đầu tuỳ theo khả năng của mỗi nước, nhằm đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của Quỹ để huy động nguồn vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong phạm vi các nước ASEAN. Với cơ chế này, vốn của bên thứ ba sẽ không bị đọng tại các ngân hàng mà có thể được đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Sáng kiến này nằm trong nỗ lực của các nước ASEAN nhằm khai thông nguồn vốn từ các thể chế tài chính ngân hàng và phi ngân hàng dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh nhu cầu vốn dành cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN là rất lớn.
Bà Sri Mulyani cho biết, ngoài Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN, Hội nghị bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 11, vừa được tổ chức tại Chiềng Mai (Thái Lan) còn nhất trí ưu tiên thúc đẩy sự hợp nhất thị trường vốn của các nước ASEAN, thông qua việc tăng cường hỗ trợ sự liên kết hoạt động của các tổ chức tài chính ở các nước này nhằm cải thiện luồng hàng hoá và đầu tư; cũng như tăng cường hợp tác để tránh đánh thuế hai lần.
ASEAN cũng thống nhất mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính với 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nước ASEAN+3 đã nhất trí tiếp tục thực hiện Sáng kiến Chiềng Mai bằng việc ký kết hiệp định song phương liên quan đến việc cung cấp các khoản quỹ ngắn hạn, nếu một quốc gia thành viên gặp khó khăn về tiền mặt trong cán cân thanh toán. Hội nghị trên cũng đã đưa ra đề xuất chuyển đổi cơ cấu tài chính song phương hiện nay sang cơ chế đa phương với tên gọi "Quỹ Tiền tệ ASEAN", có chức năng giống như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn chưa được tiến hành thảo luận chi tiết.
Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng cần đề phòng những nguy cơ mà các dòng vốn tại các thị trường đang nổi có thể gây ra đối với việc quản lý chính sách vĩ mô của khu vực. Bà Sri Mulyani nói: Dòng vốn lớn có thể khiến giá của đồng nội tệ tăng mạnh và đe doạ đến cán cân thương mại quốc gia, đặc biệt là xuất khẩu.
Giacácta
|