Chủ Nhật, 18/03/2007 23:40

Cáp treo Vinpearl lấn cảng Nha Trang - Kỳ 2: Không đánh giá tác động cảnh quan, môi trường!

Dự án cáp treo Vinpearl đã được cho phép xây dựng ngay trong vùng nước cảng Nha Trang và “trong lòng” danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang lại không tuân thủ các qui định pháp luật về bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Môi trường: chủ đầu tư không đả động đến

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Khánh Hòa, ngày 12-1-2005, UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo (số 12/TB-UB) cho phép Công ty TNHH du lịch và thương mại Hòn Tre (nay đã đổi tên là Công ty cổ phần du lịch và thương mại Vinpearl, gọi tắt là Công ty Vinpearl) lập dự án đầu tư hệ thống cáp treo Vinpearl. Ngày 2-11-2005, UBND tỉnh đã họp tất cả sở ngành liên quan cùng chủ đầu tư và công ty tư vấn của doanh nghiệp để nghe báo cáo thiết kế cơ sở về dự án cáp treo.

Chủ trì cuộc họp này, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi kết luận: “UBND tỉnh ủng hộ việc đầu tư của dự án”, giao cho Sở GTVT thẩm định thiết kế cơ sở với yêu cầu “trong quá trình thẩm định lưu ý về độ an toàn tuyến cáp, trụ cáp và địa chất công trình tại vị trí lắp đặt các trụ cáp”.

Cho đến ngày 14-1-2006, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có “Thỏa thuận dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến cáp treo Vinpearl”. Công trình dài tới 3.310m, gồm bảy trụ trên biển và hai trụ trên bờ, hai nhà ga, chiếm tổng diện tích 6.532m2 (có 4.032m2 mặt đất và 2.500m2 mặt nước biển) nằm ngay trong vùng nước cảng Nha Trang.

Thế nhưng, cho đến khi có thỏa thuận này, và ngay trong quá trình báo cáo đầu tư xây dựng công trình cũng như xin phép đầu tư, không hề thấy chủ đầu tư “đả động” gì đến báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, dự án cáp treo Vinpearl nằm ngay “trong lòng” vịnh Nha Trang - danh thắng cấp quốc gia, được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận từ tháng 3-2005 - nhưng vấn đề này hình như cũng không được quan tâm.

Khó hiểu hơn, việc chủ đầu tư dự án cáp treo Vinpearl không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được các cơ quan chức năng của tỉnh biết rất rõ và từng nhắc nhở, cảnh báo. Chẳng hạn, ngày 17-1-2006, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu “chủ đầu tư dự án phải khẩn trương lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi về sở để thẩm định trước khi thiết kế xây dựng”.

Sau đó, đến tháng 11-2006, Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng đã có báo cáo kết quả giám sát hiện trạng và công tác quản lý nhà nước về môi trường và nêu rõ: “Một số dự án lớn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn triển khai thi công, điển hình là các dự án xung quanh đảo Hòn Tre do Công ty TNHH Du lịch và thương mại Hòn Tre làm chủ đầu tư, như: công viên văn hóa Vinpearl, dự án cáp treo Vinpearl, làng du lịch sinh thái và thế giới nước Vinpearl...”.

Theo cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa cho Tuổi Trẻ biết chiều 9-3, tức là khi dự án đã hoàn thành và chuẩn bị khai trương hoạt động kinh doanh (ngày 10-3-2007), dự án cáp treo Vinpearl vẫn chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên - môi trường theo đúng luật định.

“Xin” gì “cho” nấy

Liên quan đến việc thỏa thuận về độ cao tĩnh không của tuyến cáp treo Vinpearl, Bộ Quốc phòng có văn bản vào ngày 13-5-2005 cho rằng “độ cao tuyến cáp treo chỉ được xây dựng trong khoảng từ 35m đến tối đa là 64m so với mực nước biển trung bình”.

Ngày 17-11-2004, Cục Hàng hải VN đã có báo cáo cho biết: ngày 3-11-2004, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn số 2605 đề cập việc Công ty Vinpearl “có đề nghị tĩnh không thông thuyền của tuyến cáp treo nối đất liền và đảo Hòn Tre tại điểm thấp nhất là 35m; đồng thời giới hạn trọng tải tàu dưới 15.000 DWT ra vào cảng Nha Trang từ phía nam và xây dựng vũng quay tàu mới ở phía bắc để cho các tàu lớn ra vào cảng từ phía bắc”. Báo cáo của Cục Hàng hải nêu rất rõ “độ cao tĩnh không cáp treo 35m như đề nghị của chủ đầu tư chỉ cho phép tàu trọng tải 5.000 DWT đến dưới 10.000 DWT ra vào là không phù hợp với qui hoạch, thiết kế của luồng và cảng Nha Trang”.

Ngày 5-5-2005, Bộ GTVT có công văn gửi UBND tỉnh Khánh Hòa và “yêu cầu đảm bảo chiều cao 60m tính từ mực nước chạy tàu đến bộ phận thấp nhất của hệ vận hành cáp treo”. Sau đó, ngày 25-7-2005, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn “đề nghị xem xét lại độ cao của dự án cáp treo...”. Chỉ chín ngày sau, ngày 4-8-2005, Cục Hàng hải đã có ngay công văn trình Bộ GTVT và đề nghị “để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hành hải trên luồng cảng biển Nha Trang nên chọn tĩnh không cao 54m ứng với chiều rộng 400m của luồng...”.

Độ tĩnh không mà Cục Hàng hải đề nghị (54m) chỉ cao hơn tĩnh không dành cho tàu hàng 20.000 DWT và tàu khách 30.000 GRT vào luồng cảng Nha Trang là 0,46m, đó là chưa kể “khoảng cách dự trữ an toàn”. Dù vậy, ngày 16-8-2005, Bộ GTVT đã có văn bản thỏa thuận và “hạ độ cao” cho tuyến cáp treo Vinpearl từ 60m xuống chỉ còn 54m, “tính từ mực nước chạy tàu cao nhất đến bộ phận thấp nhất của hệ vận hành cáp treo”.

Ngày 10-11-2005, Công ty Vinpearl lại có công văn “xin đề nghị hai độ cao tối thiểu” - tức ngoài độ cao 54m đã được thỏa thuận còn có độ cao 45m trong đoạn tuyến cáp treo giao nhau với luồng tàu ra vào cảng Nha Trang (khu vực giữa hai cột trụ T2 và T3). “Chiếu theo” mong muốn đó, ngày 24-11-2005, UBND tỉnh Khánh Hòa lại có công văn gửi Bộ GTVT và Cục Hàng hải đề nghị “thỏa luận lại độ cao của dự án cáp treo”, với “nguyên xi” các mức mà Vinpearl đã đưa ra.

Theo đó, “độ cao tĩnh không tối thiểu trong điều kiện bình thường là 45m, tính từ đáy cabin so với mức 0 hải đồ”; còn độ cao tĩnh không 54m mà Bộ GTVT đã cho chỉ đạt được khi chủ cáp treo cho căng cáp với hệ thống thủy lực và dồn cabin vào ga. Lại một lần nữa, yêu cầu của Vinpearl, thông qua công văn đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, được Bộ GTVT chấp thuận ngày 27-12-2005 với ý kiến “thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa”.

Tuy nhiên, sau đó (ngày 4-1-2006) Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Khánh Hòa để “thỏa thuận lại” độ cao tĩnh không cho cáp treo Vinpearl “khi có tàu lớn ra vào cảng, độ cao tối thiểu đạt 54m, trên mức nước cao nhất chạy tàu”, tức bộ đã “chỉnh lại” không còn tính theo mức 0 của hải đồ.

Lợi nhà đầu tư hưởng, hại thì ngân sách chịu!

Ngày 16-3, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thiết Hùng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và hiện là chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển tỉnh Khánh Hòa. Ông Hùng nói:

“Đối với vịnh Nha Trang, nếu đã được công nhận là di tích danh thắng quốc gia rồi mà khi thực hiện dự án lại không xem xét đến các qui định của Luật di sản văn hóa, Luật bảo vệ môi trường là sai. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cũng có những vấn đề nó chưa chết ngay, mãi sau này chúng ta mới thấy hậu quả của nó.

Bản thân tôi không phản đối gì đối với nhà đầu tư, nhưng có một ý chúng tôi hay thảo luận với nhau: đảo Hòn Tre coi như là một “hòn ngọc quí”, bây giờ anh đến khai thác hòn ngọc ấy tức là anh có lợi. Tuy nhiên, nếu anh không tôn trọng môi trường, không bảo vệ môi trường thì cái lợi là của anh, còn cái hại thì nhân dân Khánh Hòa phải “hưởng”. Để khắc phục hậu quả xấu về môi trường thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra gấp nhiều lần, chứ không phải là nhà đầu tư bỏ ra.

Ban quản lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang nhiều lần phản ảnh, than phiền với Hội Khoa học kỹ thuật biển tỉnh Khánh Hòa về việc khu bảo tồn biển này được sự tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế trong hai năm trời mới trồng lại hơn 2ha cỏ biển, vậy mà người ta lại phá đi 20ha cả san hô và cỏ biển để làm chỗ thi hoa hậu, chỗ vui chơi trên đảo Hòn Tre hiện nay”.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Thủy điện Thác Mơ bán cổ phần: Thuận lợi và rủi ro (18/03/2007)

>   Ông David Fernandez, Giám đốc điều hành JP Morgan: “Đáng lo ngại nhất là thị trường OTC” (17/03/2007)

>   Thông tin đăng ký đại lý tham gia đấu giá cổ phần Cty CP XNK Petrolimex (16/03/2007)

>   Kết quả đấu giá bán cổ phần của Cty Nhiệt điện Bà Rịa (16/03/2007)

>   ACB nâng vốn, tăng tốc đầu tư (16/03/2007)

>   “Cơn điên” OTC: Cần sự điều chỉnh của luật (16/03/2007)

>   Những chiêu kích giá của “cò” cổ phiếu (16/03/2007)

>   Thành lập công ty mua bán doanh nghiệp (16/03/2007)

>   Khôi phục Ngân hàng Việt Hoa lại gặp khó (15/03/2007)

>   TCty Caosu Việt Nam trở thành tập đoàn (15/03/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật