“Cơn điên” OTC: Cần sự điều chỉnh của luật
Độ nóng của thị trường cổ phiếu không chính thức đang ẩn chứa những rủi ro chờ ngày bùng phát khi mà người mua đang lờ đi những phân tích lý trí.
Hiếm có một thị trường chứng khoán mới ra ràng nào trên thế giới lại có một thị trường cổ phiếu không chính thức (Over The Counter - OTC) hoạt động thoải mái và thiếu kiểm soát như ở Việt Nam. Các công ty cổ phần thoải mái phát hành cổ phiếu vô tội vạ ra công chúng, cho hàng ngàn nhà đầu tư cá nhân không có một khái niệm lờ mờ về công ty mà mình mua.
Cơn say OTC
Nhưng đây là chuyện đang diễn ra hàng ngày trên thị trường chứng khoán không chính thức của Việt Nam, khi nguồn vốn trong dân đang tiếp tục ồ ạt đổ vào những cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết và chưa biết bao giờ sẽ niêm yết.
Song song với việc người giữ cổ phiếu bán cổ phiếu ra ngoài là việc tung các tin có lợi về công ty qua các kênh truyền thông chính thức hoặc truyền miệng khiến cho giá cổ phiếu tăng mạnh.
Với cách này, nhiều người đang thu về mức lời trên vốn hàng chục lần, một mức lợi nhuận không tưởng nếu dựa trên hoạt động kinh doanh đơn thuần. Nhiều chuyên gia trên thị trường chứng khoán trong vài ngày qua đã cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo của những “công ty vớ vẩn”, theo cách nói của ông Dominic Scriven, giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital.
Thực chất hoạt động kinh doanh của các công ty này ra sao? Tình hình tài chính và chiến lược phát triển của họ như thế nào? Rất ít người nắm được thực chất, nhưng trong không khí phấn khích chung của thị trường đang tăng giá hiện nay, nhà đầu tư đang lờ đi những phân tích có lý trí. Những nhà đầu tư đang lao vào cuộc có ý thức hết được những rủi ro này không?
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước nhận xét rằng trong cơn say chứng khoán hiện nay, những người bỏ tiền đầu tư đều ý thức được mức rủi ro, và sự thiệt hại khi những cổ phiếu không thực chất sụt giá hoặc những công ty mà họ mua sập tiệm là chi phí kỳ vọng mà họ sẽ phải trả. Hầu hết những người mua bán OTC đang làm cái chuyện giống như truyền lửa qua tay nhau, và ai cũng hy vọng rằng mình sẽ không phải là người cuối cùng cầm lửa trong tay.
Vai trò của Nhà nước trong việc điều chỉnh những hoạt động bất bình thường trên thị trường OTC như thế nào? Cho đến nay, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước tiếp tục tỏ ra thận trọng trong việc đưa ra bất kỳ phát biểu nào về thị trường chứng khoán. Phản ứng của các quan chức tại Uỷ ban Chứng khoán với những câu hỏi từ giới báo chí xung quanh vấn đề này là lảng tránh.
Ngay cả các nhà đầu tư lớn, chuyên gia được coi là có uy tín trong giới đầu tư chứng khoán Việt Nam cũng tránh bình luận đến những vấn đề trên thị trường OTC. Lý do dễ giải thích nhất là vì “tính nhạy cảm” của bất kỳ phát biểu nào trong thời điểm hiện nay, nhưng còn một lý do khác cũng dễ giải thích nhưng khó chứng minh hơn, (không tính đến các cơ quan có thẩm quyền) là việc hầu hết các “đại gia” chứng khoán đều đang có phần trong sự sôi sục của thị trường OTC hiện nay.
Có luật không xài
Xung quanh vấn đề thị trường OTC, Uỷ ban Chứng khoán chưa phát huy được công cụ hành pháp mạnh nhất mà cơ quan này đang có trong tay, Luật Chứng khoán vốn có hiệu lực từ đầu năm 2007. Theo quy định của Luật Chứng khoán, những công ty có trên 100 cổ đông được coi là công ty đại chúng. Những công ty đại chúng bắt buộc phải công bố bản cáo bạch và phải đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán trước khi phát hành cổ phiếu, huy động vốn.
“Phải có sự kết hợp với Ủy ban chứng khoán nhà nước và các địa phương trong việc kiểm soát tình hình phát hành cổ phiếu vô tội vạ của các công ty cổ phần”, ông Tô Hải, giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận xét. “Công ty đại chúng phải phát hành theo luật. Luật Chứng khoán đã có hiệu lực từ năm 2007, nếu đảm bảo thi hành đúng luật thì tình trạng đó sẽ khó tái diễn được”.
Sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán đang kéo rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vào cuộc. Với hiểu biết hạn chế về kinh doanh cổ phiếu và cùng với việc thiếu thông tin đáng tin cậy, những nhà đầu tư này sẽ là những nạn nhân không tránh khỏi của những cổ phiếu dỏm.
Việc mua bán trao tay trên thị trường OTC không có sự bảo trợ của pháp luật càng làm cho khả năng này lớn hơn, và có thể dẫn đến những hậu quả xã hội chưa lường trước được. Sự giám sát, điều chỉnh của các cơ quan có chức năng như Uỷ ban Chứng khoán và Bộ Tài chính trong lúc này là hết sức cấp thiết.
SGTT
|