Thứ Tư, 21/03/2007 07:05

Bùng nổ Cổ phiếu OTC: Khó quản

Mặc dù thừa nhận rất khó quản lý chứng khoán (CK) trên thị trường OTC nhưng ông VŨ BẰNG - chủ tịch Ủy ban CK nhà nước - cho biết đang có những bước đi để đưa thị trường này vào nề nếp. Ông nói:

- Quản lý thị trường OTC rất khó. Các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường OTC không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật CK. Luật chỉ qui định quản lý các công ty đại chúng - công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; công ty có cổ phiếu được niêm yết tại sở giao dịch CK hoặc trung tâm giao dịch CK; công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu.

Vì thế, Ủy ban CK nhà nước chỉ quản lý chào bán cổ phiếu ra công chúng của các công ty đại chúng chứ không quản lý các công ty riêng lẻ, không phải công ty đại chúng. Tuy nhiên, khi chào bán cổ phiếu ra công chúng, các doanh nghiệp lách luật bằng cách coi việc chào bán của mình là chào bán riêng lẻ nên họ không báo cáo với ủy ban. Khi đó, họ có thể đưa tin ký hợp đồng với “ông” tây này, “ông” tây kia để đẩy giá cổ phiếu mà không bị ai kiểm soát. Nếu chúng tôi chịu khó đọc báo thì biết nhưng cũng không xử lý được.

Trước đây khi xây dựng Luật CK, các chuyên gia Mỹ đã khuyên ngay cả hình thức chào bán riêng lẻ cũng phải báo cáo Ủy ban CK nhà nước để ủy ban biết tất cả các hoạt động chào bán cổ phiếu ra ngoài và theo dõi họ làm đúng hay sai luật, tránh sự thiệt thòi cho nhà đầu tư. Ý kiến chung của dư luận khi đó là phản đối qui định này nên luật chỉ qui định ủy ban quản lý các công ty đại chúng.

* Tới đây ủy ban có biện pháp gì để bảo vệ các nhà đầu tư trên sàn OTC?

- Thứ nhất, tới đây các công ty đại chúng theo định nghĩa có 100 cổ đông trở lên đều phải đăng ký với Ủy ban CK nhà nước. Các công ty này sẽ phải đăng ký, phải thực hiện kiểm toán khi chào bán cổ phiếu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai, các giao dịch trên thị trường OTC vẫn được tiến hành nhưng kết quả giao dịch phải chuyển qua trung tâm lưu ký để tránh xảy ra tình trạng lừa đảo.

Để thực hiện các giải pháp đó, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty đăng ký lại xem công ty nào là công ty đại chúng để trên cơ sở đó chúng tôi theo dõi được hoạt động phát hành CK của các công ty, cũng như theo dõi được thông tin họ công bố. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đáng bàn vì họ không muốn “chui” vào sự giám sát của ủy ban trong khi không phải lúc nào ủy ban cũng giơ “kiếm” chém được.

Tôi nghĩ phải đến cuối năm tình hình mới vào khuôn khổ. Riêng đối với các công ty CK có chào bán cổ phiếu thuộc sự quản lý của ủy ban, chúng tôi đã yêu cầu khi chào bán cổ phiếu phải thực hiện đúng luật, nếu chào bán rộng rãi cho mọi người thì phải công khai thông tin, phải đăng ký với ủy ban.

Đối với những doanh nghiệp đang chào bán riêng lẻ thuộc các bộ, ngành, địa phương thì các bộ, ngành, địa phương hay Chính phủ phải chỉ đạo các doanh nghiệp minh bạch hơn, phải thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với tất cả doanh nghiệp. Ngoài ra phải ban hành qui chế công bố thông tin ở mức độ nhất định đối với doanh nghiệp. Tất nhiên không ai kiểm duyệt các công ty riêng lẻ nhưng ít nhất phải có qui chế công khai thông tin để nhà đầu tư đánh giá.

* Ông có lo sợ sẽ có những công ty lợi dụng sự nhộn nhạo trên sàn OTC để làm chuyện tiêu cực?

- Vấn đề này cũng khó đánh giá, ngoài tầm của tôi.

* Ông có lời khuyên gì với những người đem nhà, đất đi thế chấp để chơi CK?

- Quyết định cuối cùng là của nhà đầu tư. Nhưng những chuyện như vậy kể ra cũng mạo hiểm. Đầu tư CK cần có kiến thức, cần phân tích kỹ trước khi đầu tư, không nên chạy đua quá mức. Thế chấp cả nhà cửa để chơi CK là một rủi ro.

Ông PHẠM KHÁNH LYNH - phó tổng giám đốc Công ty đầu tư và quản lý quĩ VFM:

Mua cổ phiếu OTC, tránh rủi ro bằng cách nào?

Ngoài những rủi ro về phía tổ chức phát hành (như tình hình tài chính, kết quả kinh doanh…), còn có rủi ro trong quá trình giao dịch giữa các nhà đầu tư. Phần lớn những giao dịch loại này cũng chỉ là... cam kết lẫn nhau, nên khi xảy ra sự cố sẽ có nhiều nhà đầu tư bị thiệt vì chẳng ai đứng ra phân xử, cùng lắm là xử về mặt dân sự.

Nếu không tìm hiểu kỹ, nhà đầu tư có thể bị thiệt trong quá trình sang tên. Có một thực tế là cùng một đơn vị phát hành cổ phiếu nhưng nhiều khi quyền được hưởng của mỗi loại cổ phiếu lại rất khác nhau. Có đơn vị phát hành cổ phiếu A nhưng nếu là thời điểm phát hành vào năm 2005 thì được hưởng trọn quyền, cổ phiếu phát hành trong năm 2006 chỉ được hưởng 30% quyền, ngoài ra chỉ được chuyển đổi chủ sở hữu trong năm 2007...

Để chọn mua một loại cổ phiếu OTC nào đó, trước hết nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ hoạt động của đơn vị phát hành, tình hình tài chính, chỉ số P/E… Ngoài ra, nhà đầu tư cũng phải rất thận trọng tìm hiểu, chú ý thông tin về phân tích giao dịch, quá trình chuyển đổi chủ sở hữu... Trong thời điểm hiện nay, khi thông tin về các tổ chức phát hành đối với các loại cổ phiếu OTC trên thị trường phần lớn là... tin đồn, chưa được minh bạch rõ ràng, nhà đầu tư nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đầu tư, tránh trường hợp đổ tiền vào mua một loại cổ phiếu mà mình chỉ biết thông qua những lời rỉ tai...

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   SCIC sẽ quản lý vốn nhà nước tại Vinconex (20/03/2007)

>   SCIC bán bớt vốn tại 55 công ty (20/03/2007)

>   Cuối tháng 4, VCB trình phương án cổ phần hóa chi tiết (20/03/2007)

>   Vinpearl xây cáp treo thông qua một đầu mối: UBND tỉnh (?) (20/03/2007)

>   Cổ phần hóa nhanh như... điện (20/03/2007)

>   Bùng nổ cổ phiếu OTC: Bài 1: Coi chừng... bạo phát bạo tàn (20/03/2007)

>   Phát triển mạnh thị trường vốn và dịch vụ tài chính (20/03/2007)

>   Cienco 1 sẽ CPH toàn TCT ngay trong năm 2007 (20/03/2007)

>   Hapro cổ phần hoá 5 Doanh nghiệp (20/03/2007)

>   CMID thông báo họp ĐHCĐ năm 2006 (19/03/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật