Thứ Ba, 20/03/2007 07:03

Bùng nổ cổ phiếu OTC: Bài 1: Coi chừng... bạo phát bạo tàn

Nhiều người đang lao vào mua cổ phiếu (CP) chưa niêm yết (còn gọi là CP OTC) nhưng theo các chuyên gia, thị trường này đầy rủi ro, nhất là với những công ty “mới nghe tên”.

“Buôn vịt trời”

Giữa tháng 3-2007, trên một trang web chuyên về CP OTC, nhiều người vẫn rao bán CP Công ty dầu khí A (thành viên của một tập đoàn dầu khí có trụ sở chính tại Mỹ ), với giá khá cao (220.000-260.000 đồng/cp) kèm theo những thông tin rất hấp dẫn.

Ngày 17-3, một người tên H. rao bán 10.000 CP công ty này, kèm theo thông tin về việc CP này sẽ “lên sàn chứng khoán Euronext-NYSE vào đầu tuần tới”. Ngoài ra, giá dự kiến của CP A được mô tả trong lời rao bán là sẽ đạt được 10 euro/CP!

Trước đó, vào cuối tháng 1-2007, một lãnh đạo của công ty này đã công bố kế hoạch phát hành 1.000.000 CP nhằm huy động 500 triệu USD mở rộng các dự án tại VN, đồng thời cho biết khoảng 30% lượng CP này sẽ được phát hành tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán châu Âu - Euronext vào cuối tháng 2-2007 với giá 7 USD/CP (!?).

Tuy nhiên, đến đầu tháng 3-2007, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có thông báo khuyến cáo nhà đầu tư “hết sức thận trọng” trong việc mua bán CP này. Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cơ quan này chẳng nhận được hồ sơ xin phép phát hành, kể cả báo cáo của công ty A!

Khi CP các ngân hàng đang là những món hàng “hot”, nhiều người đã rao bán “CP” và “quyền mua CP” của những ngân hàng còn đang... nằm trên hồ sơ xin phép thành lập, với mức giá trên trời. Trên một website về CP OTC, một người đang rao bán 14 năm... quyền mua CP của một ngân hàng ngành dầu khí “sẽ được thành lập”. Theo đó, cứ mỗi năm công tác trong ngành của anh được qui tương đương với một năm quyền mua CP và anh này rao bán với giá... 9 triệu đồng/năm.

Chưa hết, “CP” của bốn ngân hàng “thuộc diện kiểm soát đặc biệt” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện ngừng hoạt động là Việt Hoa, Nam Đô, Vũng Tàu và Châu Á - Thái Bình Dương cũng được nhiều người rao bán.

Có thời điểm giá bán “CP” của những ngân hàng này đã tăng lên 2-3 lần mệnh giá, sau khi xuất hiện tin đồn NHNN đã bãi bỏ lệnh kiểm soát đặc biệt đối với những ngân hàng này. Tuy nhiên, theo như khẳng định của NHNN, việc mua bán CP hay quyền mua CP những ngân hàng này tại thời điểm hiện nay là chưa đủ cơ sở pháp lý, vì hồ sơ thành lập mới ngân hàng hay cho hoạt động lại của những ngân hàng này vẫn đang trong giai đoạn... xem xét.

Bao giờ “đổ lệ”?

Giá CP trên thị trường OTC tùy thuộc vào... tin đồn. Thế nhưng, không như thị trường chính thức, đang có tình trạng loạn thông tin trên thị trường OTC. Từ công ty phát hành CP đến nhà đầu tư, ai cũng có thể tung ra thông tin hoặc lái thông tin theo những tính toán riêng của mình.

Theo anh H., khi Công ty M thông báo về việc bán CP ưu đãi cho một số đối tượng vào thời điểm trước Tết Đinh Hợi, bên cạnh những thông tin không tốt về tình hình tài chính của đơn vị này, nhiều người còn rỉ tai nhau về thông tin đơn vị này sẽ được một tổ chức tài chính nước ngoài tham gia với tư cách là cổ đông chiến lược.

CP M được nhiều người săn lùng, giá bắt đầu tăng từ 3 “chấm” lên 4 rồi 5 “chấm”. Còn CP của Công ty T ở Đồng Nai, sau một thời gian dài đứng ở mức 1,5 “chấm” không có người mua, bỗng nhiên tăng lên 3-3,2 “chấm” sau khi có thông tin đơn vị này đang có một số dự án liên doanh, liên kết khá hấp dẫn.

Chẳng ai kiểm chứng được các thông tin này chính xác đến đâu, có thật như thế không, thông tin được đưa ra theo những chuẩn mực nào về công bố thông tin... thì chẳng ai biết được.

Ngoài tin đồn để kéo hay dìm giá một CP nào đó, theo ông N., các “đại gia” cũng có thể làm giá nhờ vào túi tiền rủng rỉnh. Chẳng hạn, sau khi thu gom một số lượng CP kha khá với giá thấp, các đại gia này bắt đầu tung một vài tin tức hấp dẫn về công ty này, đồng thời tổ chức đi thu gom với giá cao để “tạo đà” và nhiều người đã sập bẫy.

Nhiều người chơi CP OTC vẫn chưa hết sốc khi giá CP của một công ty chứng khoán mới thành lập đã tuột dốc không phanh sau khi thông tin về việc liên kết với một đại gia nước ngoài mà đơn vị này từng công bố trước đó hóa ra chỉ là... tin vịt.

Anh H. - một tay chơi CP OTC có thâm niên - khẳng định không ít người nắm giữ CP này đã khuynh gia bại sản khi giá rớt xuống mức 12.000-20.000 đồng/CP vào đầu tháng 3-2007, trong khi trước đó đã lỡ mua vào với giá 60.000-70.000 đồng/CP.

Theo nhiều chuyên gia, cơn sốt CP OTC chưa đến hồi kết. Hiện những CP “vịt trời” đang được bán qua bán lại giữa những nhà đầu tư “liều” và vẫn có người mua, vòng quay chưa bị đứt quãng nên chưa thấy được hậu quả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sớm hay muộn thì vòng quay của những loại CP “ma” này sẽ bị đứt, khi đó nhà đầu tư đang nắm giữ những tờ giấy này sẽ lãnh đủ.

Khó dừng trước cám dỗ

Mới đây, anh L. - cán bộ làm việc tại văn phòng đại diện ở Cần Thơ của một doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM - tuyên bố “đã chuyển về Sài Gòn, bỏ việc, chuyển sang chơi CP”. Anh L. tiết lộ vừa trúng hơn 200 triệu tiền lãi từ CP OTC chỉ sau hơn một tháng tham gia.

Sau khi nghe một tập đoàn ngành gỗ ở Bình Dương chuẩn bị “lên sàn”, L. về nói vợ thế chấp nhà vay tiền cộng với tiền tiết kiệm mua CP của công ty này hết 700 triệu đồng, và bán sang tay lãi hơn 200 triệu đồng.

Thấy có triển vọng, thay vì trả nợ ngân hàng, anh L. quyết định mua... quyền mua CP ưu đãi dành cho cán bộ nhân viên của công ty ngành điện. Theo anh L., nhờ có “mối quen” nên anh chỉ phải trả 5,2 “chấm” để có được quyền mua một CP của công ty này.

Thế nhưng kết quả đấu giá CP của công ty đã làm anh té ngửa. Nếu cộng thêm cả tiền phải đóng để được mua CP ưu đãi, cái giá mà anh phải trả lên đến hơn 11 “chấm” trong khi giá đấu giá bình quân chưa tới 8 “chấm”. Khoản lời 200 triệu từ phi vụ kinh doanh ban đầu đã tan biến, giá trị CP còn lại thì không đủ để trả nợ ngân hàng.

Theo một chuyên gia chứng khoán, khác với những CP niêm yết tại các trung tâm giao dịch chứng khoán, nhiều CP trên thị trường OTC không đáp ứng được yêu cầu về tính minh bạch. Nhiều nhà đầu tư lại không quan tâm đến tình hình làm ăn của các công ty phát hành. Vì vậy, nếu các cơ quan quản lý không có biện pháp kiểm soát kịp thời, không sớm thì muộn sẽ có nhiều người tiền mất nợ mang....

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Phát triển mạnh thị trường vốn và dịch vụ tài chính (20/03/2007)

>   Cienco 1 sẽ CPH toàn TCT ngay trong năm 2007 (20/03/2007)

>   Hapro cổ phần hoá 5 Doanh nghiệp (20/03/2007)

>   CMID thông báo họp ĐHCĐ năm 2006 (19/03/2007)

>   Bán đấu giá CP Trung Tâm Thực Phẩm và Dịch Vụ Tổng Hợp (19/03/2007)

>   'Siêu' tổng công ty bán bớt cổ phần 55 doanh nghiệp (19/03/2007)

>   Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu doanh nghiệp đẩy nhanh CPH (19/03/2007)

>   Bán đấu giá CP Dự án Quốc lộ 13 (19/03/2007)

>   Hà Nội cổ phần hóa 7 đơn vị thuộc Tổng Công ty Thương mại (19/03/2007)

>   Cáp treo Vinpearl lấn cảng Nha Trang - Kỳ 2: Không đánh giá tác động cảnh quan, môi trường! (18/03/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật