Vietcombank sẽ lên sàn ngoại?
Trao đổi với VnEconomy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), ông Nguyễn Hòa Bình đưa ra một thông tin đáng chú ý: nhiều khả năng Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu tại thị trường vốn quốc tế.
“Có thể là Singapore, Hồng Kông hoặc xa hơn là thị trường New York”, ông Bình nói.
Niêm yết ngay cuối năm nay?
Hiện lãnh đạo Vietcombank đều có cùng một dự kiến là sẽ tiến hành IPO (giao dịch cổ phiếu lần đầu) trong quý III/2007. Về cột mốc này, ông Bình nhận định là khả quan. Vì hiện tại, việc lựa chọn tổ chức tư vấn đã cơ bản xong, chỉ còn chờ ký hợp đồng chính thức. Ngoài chi phí “không dưới vài triệu USD” cùng khả năng ký hợp đồng trước Tết Nguyên đán này, tên tuổi cụ thể của tổ chức tư vấn chưa được Vietcombank công bố.
Ông Bình cũng cho biết nhiều khả năng sau khi thực hiện IPO xong, cổ phiếu của Vietcombank sẽ niêm yết luôn trên sàn chứng khoán trong nước. Đây là một mốc quan trọng trong quá trình cổ phần hóa ngân hàng và cũng là thời điểm quyết định “số phận” của những nhà đầu tư đang nắm trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng này.
Thông qua IPO, tỷ lệ chuyển đổi của trái phiếu Vietcombank cũng sẽ được xác định. Toàn bộ giá trị trái phiếu (bao gồm giá trị gốc và giá trị lãi) được chuyển sang tương ứng với một tỷ lệ cổ phiếu; nhưng bao nhiêu trái phiếu ăn một cổ phiếu vẫn là một bài toán khó ngay cả với lãnh đạo Vietcombank. Thị trường sẽ quyết định.
Vậy tại sao trái phiếu chuyển đổi của những ngân hàng khác được xác định tỷ lệ chuyển đổi rất cụ thể ngay từ đầu, trong khi Vietcombank phải chờ đến thị trường quyết định? Ông Bình trả lời rằng “các ngân hàng khác công bố được tỷ lệ chuyển đổi vì đã là ngân hàng cổ phần. Còn chúng tôi cho đến ngày hôm nay vẫn chưa phải là ngân hàng cổ phần”.
Tỷ lệ chuyển đổi đó do thị trường quyết định và quan trọng là phản ánh được giá trị thực sự của doanh nghiệp. Giá trị đó thấp sẽ gây thất thoát vốn của nhà nước, nếu cao so với thực tế thì thị trường sẽ không chấp nhận. Vì vậy, đây cũng là một bài toán khó của Vietcombank.
Về định hướng lựa chọn đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài, ông Bình cho biết đó là một bước đi quan trọng của Vietcombank. Tuy nhiên, bước IPO chưa tới thì chưa thể khẳng định hướng cụ thể của bước tiếp theo; hiện còn phụ thuộc vào sự bàn bạc với tổ chức tư vấn.
Ông Bình hy vọng là sẽ có đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài nhưng không nhiều. Vì vậy việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn, về năng lực tài chính, khả năng hỗ trợ Vietcombank trong tương lai… sẽ được xây dựng rất cụ thể.
Ngoài ra, ngay cả khi niêm yết trong nước, cơ chế vẫn cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phiếu Vietcombank.
"Trái phiếu Vietcombank tăng giá không hợp lý"
Theo quan điểm cá nhân của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, việc trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng này có thời điểm lên tới 2,5 lần mệnh giá là không hợp lý.
Tháng 12/2005, trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) có mặt trên thị trường. Một mặt hàng được đánh giá là rất lợi cho ngân hàng này khi lãi suất trúng thầu chỉ ở mức 6%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất trên thị trường.
Ngay sau khi có hàng, giá của trái phiếu đã được rao bán trên OTC với 1,5 mệnh giá (mệnh giá 100.000 đồng). Một thời gian khá dài sau đó trái phiếu ổn định quanh mức 1,8 mệnh giá, rồi giảm đáng kể trong khoảng tháng 6 - 7/2006; cuối năm 2006 đến đầu 2007, mức giá có thời điểm vượt trên 2,5 lần mệnh giá.
“Người giữ nó tất nhiên là có cơ hội hơn những người không giữ nó, trên phương diện họ có quyền được chuyển đổi giá trị trái phiếu sang cổ phiếu. Nhưng vì quyền đó mà cao như vậy theo tôi là không hợp lý”,ông Nguyễn Hòa Bình bình luận về diễn biến trên.
Vì sao? Theo cách nói thẳng thắn của ông Bình là nhà đầu tư có trái phiếu này được hưởng lãi suất chỉ 6%, thấp hơn lãi suất thị trường. Xét về tính hiệu quả của một trái phiếu thì như thế là thấp hơn mức thông thường. Và xét riêng về lãi suất thì đó là sự đầu tư không vì mục đích kinh tế.
Ông Bình đưa ra một hướng đầu tư khác: nhà đầu tư không cần phải mua trái phiếu mà có thể tự động tham gia đấu thầu trên thị trường. "Nhà đầu tư sẽ không bị thiệt hại vì lãi suất thấp, mà khi đấu giá cổ phần họ còn có thể bỏ giá cao hơn bình thường để có thể trúng thầu”, ông nói.
Tất nhiên, mức giá cao hiện nay theo ông Bình chủ yếu là do quan hệ cung cầu và là sự quyết định của thị trường.
Mặt khác, ở thời điểm tháng 6 - 7/2006, giá trái phiếu chuyển đổi Vietcombank có giảm. Theo giải thích của ông Bình có thể là do thông tin về cổ phần hóa Vietcombank còn quá mịt mù, chưa định được thời gian cụ thể. Còn thời điểm này, giá tăng mạnh cũng xuất phát từ thông tin khả quan hơn về kế hoạch cổ phần hóa ngân hàng này.
TBKTVN
|