Cổ phần hóa thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng nhanh
Vài tháng gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn “bùng nổ” về số lượng doanh nghiệp tham gia và khối lượng cổ phiếu giao dịch. Riêng ở TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang là đơn vị duy nhất trong số hơn 50 công ty cổ phần tham gia thị trường chứng khoán. Các công ty cổ phần khác đang hoạt động ra sao?
Thời gian qua, TP Cần Thơ đã sắp xếp lại 75 doanh nghiệp quốc doanh và các đơn vị trực thuộc đơn vị nhà nước. Trong đó có 50 doanh nghiệp được cổ phần hóa, hầu hết các doanh nghiệp này đều có bước tăng trưởng khá nhanh sau khi được sắp xếp lại. Trong 8 năm qua (1998-2006), Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp và Chế biến Lương thực Thốt Nốt (Gentraco) có bước phát triển nhảy vọt. Doanh thu từ 200 tỉ đồng tăng lên 2.000 tỉ đồng; thu nhập bình quân của lao động từ 800.000 đồng/người/tháng tăng lên 3 triệu đồng/người/tháng; tỷ lệ chia cổ tức dao động từ 18% đến 25% năm.
Những thành quả mà Gentraco đạt được trong năm 2006 có ý nghĩa tạo đà cho doanh nghiệp này ổn định phát triển trong thời gian tới, trong đó, có việc Gentraco được cấp các chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001:2000 và HACCP. Năm 2006, Gentraco đạt kim ngạch xuất khẩu 75 triệu USD, trở thành doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất ở địa bàn TP Cần Thơ. Hiện nay, Gentraco chỉ đứng sau các Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Công ty Lương thực Vĩnh Long về sản lượng xuất khẩu gạo. Ngoài thế mạnh trong kinh doanh lúa gạo, Gentraco còn khẳng định thế mạnh trong các lĩnh vực như: sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi thủy sản, trực tiếp nuôi cá tra, kinh doanh điện thoại di động… và đầu tư tài chính vào các công ty cổ phần khác. Với những lợi thế trên, năm 2007 Gentraco phấn đấu đạt doanh thu 2.140 tỉ đồng và nâng mức thu nhập bình quân của lao động lên 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Gentraco, hoạt động dưới hình thức của một công ty cổ phần, doanh nghiệp được chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh và tuyển chọn nhân sự. Tuy nhiên, vấn đề quan ngại của Gentraco và nhiều doanh nghiệp khác trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực- yếu tố quyết định đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Ông Kiên nói: “Chúng tôi tham gia đầu tư tài chính vào các công ty cổ phần là bước tập dượt để đưa cổ phiếu của Gentraco tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán”.
Công ty Cổ phần Xi măng Cần Thơ được thành lập vào tháng 5-2004 trên cơ sở Xí nghiệp Xi măng Cần Thơ thuộc Công ty Sadico. Khi mới thành lập, Công ty này gặp rất nhiều khó khăn, như phải chung sức gánh vác những khó khăn về tài chính của công ty mẹ, nguyên liệu để sản xuất xi măng liên tục tăng, nhưng giá xi măng không tăng... Trong bối cảnh ấy, Công ty Cổ phần Xi măng Cần Thơ đã thực hiện phương châm: mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều vì mục tiêu lợi nhuận, thay vì chỉ đơn thuần chạy theo chỉ tiêu về sản lượng như khi còn là doanh nghiệp nhà nước giai đoạn trước đó. Song song đó, Công ty phát triển thêm các ngành nghề có tác dụng hỗ trợ cho ngành sản xuất xi măng như kinh doanh xăng dầu, sản xuất hơi kỹ nghệ. Những nỗ lực trên đã giúp Công ty Cổ phần Xi măng Cần Thơ vượt qua các khó khăn để vươn lên làm ăn có hiệu quả. Thời gian qua, công ty ổn định được mức lợi nhuận hàng năm hơn 4,2 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động từ 2,2 triệu đồng đến 2,7 triệu đồng/người/tháng, mức chia cổ tức từ 18% đến 20%/năm. Ông Thái Minh Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiểm Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Cần Thơ, cho biết: Doanh nghiệp đang tính đến việc đầu tư xây dựng một trạm nghiền xi măng có công suất 500.000 tấn/năm, gấp đôi công suất của dây chuyền sản xuất hiện tại, để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Mặt khác, công ty cũng có ý định mở rộng sang lĩnh vực vận tải biển, nhằm chủ động hơn trong việc vận chuyển nguyên liệu và xi măng thành phẩm.
Nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Da Tây Đô cũng luôn là một doanh nghiệp ăn nên làm ra. Năm 2006, doanh thu của doanh nghiệp này lên đến 200 tỉ đồng; Ngoài mức thu nhập bình quân 1,9 triệu đồng/người/ tháng, lực lượng lao động có tham gia mua cổ phiếu còn được chia cổ tức 17%. Ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Da Tây Đô, nói: “Khả năng thích ứng của các công ty cổ phần trong bối cảnh hội nhập là rất tốt. Đầu năm 2006, chúng tôi chỉ xuất khẩu bình quân 300.000 đơn vị sản phẩm/tháng đến đầu năm 2007 được nâng lên 450.000 đơn vị sản phẩm/tháng. Ngoài thị trường truyền thống, chúng tôi vừa có thêm khách hàng mới ở Trung Quốc”.
Ngoài các doanh nghiệp nói trên, ở TP Cần Thơ còn rất nhiều công ty cổ phần khác cũng đang ăn nên làm ra. Theo đánh giá của Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp thành phố, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước sau khi được sắp xếp lại đều nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Năm 2006, các công ty cổ phần ở Cần Thơ tiếp tục tăng trưởng nhanh, trong đó lương bình quân của người lao động tăng 10,35%, doanh thu tăng 10,12%, lợi nhuận sau thuế tăng 44,9% so với năm 2005. Kết quả hoạt động của các công ty cổ phần thời gian qua đã và đang là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện sắp xếp lại tích cực hơn trong các khâu chuẩn bị.
Bên cạnh những mặt tích cực mà tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mang lại, tại một số công ty cổ phần cũng đã phát sinh những khó khăn mới. Trong đó, tình trạng các cổ động nhỏ là các cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp được mua cổ phiếu ưu đãi với số lượng ít đã bán đi số cổ phiếu của mình. Ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Da Tây Đô và ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty Cổ phần May Mêkô, cho rằng chính các cổ động nhỏ mới là những người trực tiếp tham gia sản xuất, nên có liên quan trực tiếp đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Do đó, khi họ bán đi cổ phiếu thì không còn gắn bó với quyền lợi của doanh nghiệp, điều này đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cần giúp cho người lao động hiểu rõ ý nghĩa và quyền lợi của những người chủ sở hữu cổ phiếu tại các công ty cổ phần.
Baocantho
|