Thứ trưởng Bộ XD Đinh Tiến Dũng: "Cổ phần hoá là giải pháp mạnh"
Bộ Xây dựng là đơn vị triển khai rất sớm tiến trình thực hiện sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước. Có thể nói việc CPH các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đạt cả về chất và về lượng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Tiến Dũng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Trưởng ban chỉ đạo của Bộ Xây dựng - về vấn đề này.
Đề nghị ông cho biết sơ bộ kết quả sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Bộ Xây dựng giai đoạn 2005-2006 và định hướng vấn đề này của Bộ trong giai đoạn 2007-2010?
- Có thể nói giai đoạn 2005-2006 công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Bộ Xây dựng đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 102/2005/QĐ -TTg ngày 12.5.2005.
Giai đoạn 2007-2010 thực hiện phương án đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ tập trung vào CPH các doanh nghiệp độc lập còn lại và CPH các TCty (Công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - con), đồng thời kết hợp sắp xếp các TCty để hình thành các tập đoàn kinh tế và các tổ chức kinh tế mạnh hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sắp xếp cả các doanh nghiệp ngoài Bộ tham gia tập đoàn kinh tế nói trên theo nguyên tắc các doanh nghiệp này có cùng lĩnh vực kinh doanh, cùng định hướng phát triển và tự nguyện tham gia để các doanh nghiệp này đủ mạnh về nguồn lực, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Như vậy giai đoạn 2007 - 2010 song song với việc đẩy mạnh CPH các TCty thì việc sắp xếp để nâng cao hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh có phải là nhiệm vụ trọng tâm? Theo Thứ trưởng sẽ thực hiện các phương thức sắp xếp như thế nào?
- Đúng như vậy. Giai doạn 2007 - 2010 công tác sắp xếp, CPH doanh nghiệp nhà nước của Bộ Xây dựng tập trung vào CPH các TCty do bộ quản lý (thực chất là CPH công ty mẹ). Song song với nó là sắp xếp các doanh nghiệp, các TCty để hình thành các tập đoàn kinh tế hoặc các tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, với mục tiêu là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhanh chóng tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phương thức sắp xếp, trước hết sẽ lựa chọn một số TCty có thương hiệu mạnh, có truyền thống, có văn hoá doanh nghiệp rõ nét, có quy mô tương đối lớn, có định hướng phát triển rõ ràng làm nòng cốt.
Trước mắt, Bộ đang chỉ đạo thành lập tập đoàn kinh tế hoặc tổ chức kinh tế mạnh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế tạo và cơ khí nặng, ximăng và vật liệu xây dựng trên cơ sở lấy TCty Sông Đà, TCty Lắp máy Việt Nam và TCty Ximăng Việt Nam làm nòng cốt. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các tập đoàn kinh tế hoặc các tổ chức kinh tế mạnh hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản.
Là người gắn bó và trưởng thành từ TCty Sông Đà, ông có cảm nghĩ gì về TCty Sông Đà? TCty Sông Đà được chọn làm nòng cốt để xây dựng tập đoàn kinh tế có phải vì sự năng động?
- Cũng như nhiều thế hệ cán bộ, nhiều anh chị em từng công tác và trưởng thành từ TCty Sông Đà, tôi có một tình cảm đặc biệt, rất khó diễn tả khi nghĩ về Sông Đà. Trái tim tôi luôn tự hào mình là người đã từng công tác và đã trưởng thành từ đó.
Còn lý do TCty Sông Đà được chọn làm nòng cốt để xây dựng tập đoàn kinh tế vì đó là một trong các TCty hội đủ điều kiện như: Có thương hiệu mạnh, có truyền thống lâu đời, có quy mô tương đối lớn (năm 2006, TCty đã thực hiện sản xuất kinh doanh trên 14 nghìn tỉ đồng), có đội ngũ cán bộ giỏi, năng động, sáng tạo và đoàn kết; đội ngũ những người công nhân lành nghề, chuyên nghiệp, và quan trọng hơn là TCty Sông Đà có một chiến lược kinh doanh đúng đắn.
Còn nếu nói về vốn nhà nước tại TCty Sông Đà thì tại thời điểm thành lập (năm 1995) chỉ có gần 200 tỉ đồng, đến nay trên sổ sách kế toán vốn nhà nước của TCty Sông Đà trên 1000 tỉ đồng. Nếu cổ phần hoá, thì số vốn nhà nước tại TCty lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Như vậy, việc được chọn để xây dựng tập đoàn kinh tế thì ngoài những lý do trên cũng có thể nói đó là sự năng động của TCty Sông Đà trong quá trình phát triển để phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
LĐ
|