Nên công bố chi tiết tổng cầu trước đấu giá
Sau bài viết “Đấu giá cổ phần – Phải mua bằng mọi giá?” đăng trên Báo SGGP ngày 24-1, nhiều nhà đầu tư đã phản ánh thông tin về tổng cầu trước đấu giá vẫn quá chung chung khiến họ dễ đặt lầm giá. Các báo cũng lần lượt đặt vấn đề về tình trạng rò rỉ thông tin liên quan đến lượng cầu và tính bình đẳng của các đối tượng khi có nhà đầu tư nắm rõ thông tin chi tiết, còn đa phần các người đầu tư nhỏ lẻ vẫn ở thế bất lợi.
Mặc dù nhiều tổ chức cho rằng công bố chi tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của họ khi đấu giá. Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia thì đã tham gia đấu giá công khai, việc công bố thông tin rõ ràng không phải là điều khắt khe. Với các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, họ luôn có nguồn tin ít người biết và có giá đấu nhất định dựa trên giá trị cổ phiếu, trong khi chỉ những nhà đầu tư cá nhân là kém bình đẳng trên sân chơi này.
Khi đấu giá, quyền bỏ giá là tự do của người đấu giá, nhưng nhìn gần 1,9 triệu cổ phiếu PVI bị từ chối mua với giá tiền đặt cọc, nhà đầu tư chịu mất lên đến 2,2 tỷ đồng hẳn có thể thấy đây không còn là chuyện đơn giản. Rồi gần đây giá trúng thầu bình quân các cuộc đấu giá cứ tăng dần, từ mức khoảng 150.000 đồng của Bảo hiểm Dầu khí (PVI) đến 185.000 đồng của Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi) và gần nhất là mức giá đến 759.000 đồng của Kem Kido. Không khó để dự báo có nhiều tỷ đồng tiền cọc tiếp tục bị mất và hơn nữa hiện tại cũng không có mức giới hạn cho giá bỏ thầu cao nhất.
Nhiều chuyên gia nhận định, các cuộc đấu giá gần đây luôn có người bỏ giá vài chục triệu đồng cho mỗi cổ phần và kéo giá trúng bình quân lên rất cao, trong khi chắc chắn chẳng ai dại bỏ 4,4 tỷ đồng mua 100 cổ phiếu Cadivi hay 8 tỷ đồng cho 100 cổ phiếu Kido. Cần phải có một quy chế nhất quán và chặt chẽ hơn nữa để tránh hiện tượng gây nhiễu thông tin và làm giá ảo trong các cuộc đấu giá.
Nếu Bộ Tài chính chấp thuận thì một quy chế đấu giá mới có thể sớm được áp dụng và hiện các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang ngóng chờ xem có gì mới từ phía các nhà quản lý thị trường, khi đã đến lúc bất cứ sự can thiệp nào của các cơ quan quản lý đều có tính nhạy cảm rất cao
SGGP
|