Thứ Sáu, 08/12/2006 00:13

TP Hồ Chí Minh gỡ vướng cho doanh nghiệp sau cổ phần

Từ năm 2001 đến nay, diện mạo doanh nghiệp (DN) quốc doanh TP Hồ Chí Minh đang có nhiều thay đổi. Ðã có 302 DN trên địa bàn được sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi, trong đó cổ phần hóa (CPH) 187 DN. Ðể đẩy mạnh CPH, thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong và sau CPH.

Hiệu quả đổi mới doanh nghiệp nhà nước

Nhằm "Ðẩy mạnh việc sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất, dịch vụ quan trọng của nền kinh tế và một số lĩnh vực công ích", TP Hồ Chí Minh được chọn làm thí điểm CPH đầu tiên trong cả nước (1993). Công tác CPH DNNN đã được thành phố tiến hành khẩn trương, vừa làm vừa bổ sung, kiến nghị khắc phục những nhược điểm trong chính sách trước đây, nhất là việc xác định giá trị DN và bán cổ phần khép kín.

Gần sáu năm qua (2001 - 2006), TP Hồ Chí Minh đã sắp xếp 302 DN, trong đó CPH 187 DN, chuyển đổi 19 DN thành công ty TNHH một thành viên, sáp nhập, giải thể, phá sản 77 DN, chuyển 14 DN sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Thành phố chỉ quản lý 17 tổng công ty và công ty nhà nước có vai trò đáng kể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các đơn vị này cũng được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, cơ chế năng động, tài chính lành mạnh, trong đó vốn Nhà nước chiếm ưu thế, để cạnh tranh bình đẳng với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN thành phố, đến nay, các DN sau CPH đều đạt được hiệu quả trong bảo toàn và phát triển nguồn vốn, duy trì được tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao, đồng thời thực hiện được các mục tiêu đề ra: Tạo ra nhiều loại hình sở hữu bao gồm Nhà nước, cổ đông, nhà đầu tư chiến lược... góp phần quan trọng tăng tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường. Qua khảo sát 86 đơn vị đã CPH cho thấy, doanh thu của DN tăng bình quân 64% so với trước CPH, tỷ suất lợi nhuận trên vốn bình quân 33%, thu nhập của người lao động tăng 48%, số lao động tăng 11%, cổ tức bình quân đạt 15%/năm. Việc sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi DN đã huy động được hơn 900 tỷ đồng nguồn vốn xã hội để kinh doanh và đầu tư, đồng thời Nhà nước cũng thu được gần 2.700 tỷ đồng để đầu tư vào các DN khác. Vốn điều lệ bình quân của DN CPH là 20 tỷ đồng (trước CPH chỉ đạt 12,7 tỷ đồng). Nhiều DN sau CPH phát hành thêm cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng thương hiệu cả ở thị trường trong nước và ngoài nước. Thương hiệu các công ty cổ phần như: TRANSIMEX, SAVIMEX, SJC, SÀI GÒN 3, IMEXCO, LISKIN... ngày càng có mặt nhiều hơn trên các hợp đồng sản xuất, kinh doanh với các tập đoàn lớn của nước ngoài. Theo chị Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE), "CPH giúp REE đa dạng hóa sở hữu vốn, tạo động lực mới trong công việc, năng động trong quản lý và  minh bạch trong kinh doanh". Sau 13 năm CPH, đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của REE là 286 tỷ đồng (CPH là 16 tỷ đồng). Số người lao động tăng gấp ba lần, hiện có 1.000 lao động (trước 334 người). Bình quân thu nhập ba triệu đồng/người/tháng (trước 700.000 đồng/người/tháng). Quan trọng hơn, REE  không chỉ sản xuất, lắp ráp điều hòa REETECH, mà còn tham gia đầu tư tài chính, phát triển kinh doanh bất động sản với sáu khu nhà cao tầng văn phòng, trong đó có hai nhà cao tầng loại A. ETOWN (gần 400 tỷ đồng) được khai thác hết công suất. Do lợi nhuận, cổ tức đạt hiệu quả cao, cổ phiếu REE là một trong những cổ phiếu lên sàn sớm nhất được nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tìm mua với số lượng lớn.

Qua sắp xếp, đổi mới, chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh được tách khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước (sở, ban, ngành, quận, huyện) về các tổng công ty (TCT). Phần vốn của Nhà nước tại các DN đã CPH chuyển về các TCT và công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, cho nên trách nhiệm rõ ràng theo vốn góp. Các DN thương mại được sắp xếp trong đội hình TCT thương mại Sài Gòn. Các DN thuộc Sở Văn hóa - Thông tin về Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn. Các DN thuộc Sở Giao thông vận tải tập trung về TCT cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn. Các DN in ấn về Công ty LISKIN... Theo Tổng giám đốc TCT thương mại Sài Gòn Huỳnh Văn Minh, hiện nay, DN này có 41 đơn vị thành viên, trong đó 21 DN đã CPH. "Việc tái cơ cấu các nguồn vốn giúp TCT hoạt động mạnh hơn, dám chịu trách nhiệm trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Sau CPH, các DN nhanh nhạy tìm đầu ra, đầu vào, nghiên cứu và dự báo thị trường bài bản hơn, cho nên lợi nhuận sau thuế tăng 94%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn tăng 27,37%, thu nhập người lao động tăng 38,2%, tỷ lệ chia cổ tức bình quân 12,83%". Công ty LISKIN gồm 41 DN thành viên, có 19 DN cổ phần và nhiều dạng sở hữu khác nhau, sau 17 tháng hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con doanh thu tăng 15%, nộp ngân sách tăng 22,52%. Phần lớn các DN thành viên đều có lãi, cổ tức thấp nhất 10% và cao nhất 18%, bình quân thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của LISKIN không chỉ cạnh tranh ở thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động sắp xếp, đổi mới DNNN thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Ðó là quy mô sản xuất, khả năng tài chính của nhiều DN còn nhỏ bé, công nghệ cũ, lạc hậu, sức cạnh tranh kém. Số DN CPH, Nhà nước giữ cổ phần hơn 51%, chiếm tỷ lệ cao, nên chưa thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng. Tỷ lệ nợ trên vốn của nhiều DN quá cao. Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong cùng một TCT vẫn diễn ra, trong đó đáng lưu ý là cơ chế quản lý DN còn bất cập. Kết quả sản xuất, kinh doanh của DN chưa tương xứng với đầu tư Nhà nước.  Vấn đề quản trị và điều hành các công ty sau CPH còn nhiều  điều cần phải bàn. Các DN sau CPH vẫn phải vận dụng các quy định của DNNN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cổ đông chưa sử dụng hết quyền, đôi khi lại sử dụng quá vai trò quyền hạn được phép. Thời gian CPH kéo dài từ 12 tháng đến hai năm với nhiều thủ tục dễ làm nản lòng DN.

Nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế là do cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh, như chưa xác định được giá trị các thương hiệu, giá trị DN, quyền sử dụng đất... Thành phố thí điểm đưa phần giá trị sử dụng đất vào giá trị tài sản DN, coi đó là vốn Nhà nước góp và không được chuyển nhượng. Song, do giá quá cao, DN đành thuê đất cho thủ tục bớt rườm rà. Hình thức đấu giá cổ phần chưa phong phú, trong đó đã xuất hiện thông thầu, thoái thầu trong bán đấu giá cổ phần, gây thất thu cho ngân sách. Quyền tham dự đại hội cổ đông của những người sở hữu ít cổ phần xác định ra sao? Có hiện tượng DN kinh doanh hiệu quả thấp, nhưng lại sở hữu nhiều mặt bằng đất đai, nên giá đấu giá cổ phần bình quân tăng đến mức cán bộ, nhân viên công ty được giảm 40% so với đấu giá bình quân mà không đủ tiền mua lại phải đấu giá nhiều phiên. Hoặc, theo quy định nhà đầu tư trong nước được mua cổ phần không hạn chế, song DN không muốn bán cổ phần tập trung, khiến các nhà đầu tư chiến lược bỏ cuộc. Vẫn còn sự phân biệt vay vốn ngân hàng giữa công ty cổ phần và DNNN.

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính trung gian chưa làm tốt vai trò môi giới để thu hút các nhà đầu tư mua cổ phần. Một số DN, TCT do quyền lợi cục bộ chưa tích cực chỉ đạo các DN trực thuộc tiến hành kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN. Quyền hạn và trách nhiệm của người đại diện vốn Nhà nước trong công ty CP chưa rõ ràng, đội ngũ cán bộ làm công tác sắp xếp, đổi mới DN chưa chuyên nghiệp và thường xuyên thay đổi, làm ảnh hưởng tiến độ CPH trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh: "Quá trình sắp xếp và đổi mới DNNN phải đặt trong cơ chế thị trường, bảo đảm DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả, lại có khả năng điều tiết bảo đảm ổn định thị trường thành phố, khu vực và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế". Ðể sớm hoàn thành lộ trình, cần tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các TCT. Tiếp tục điều chỉnh các hình thức sắp xếp và đổi mới DNNN theo đúng các tiêu chí, danh mục quy định, mở rộng diện CPH các công ty nhà nước, kể cả các công ty mẹ - công ty con. Xây dựng một hoặc hai tập đoàn kinh tế lớn trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Thành phố sẽ lên kế hoạch bán phần vốn Nhà nước tại các DN không cần giữ cổ phần chi phối, đồng thời phối hợp Trung tâm Giao dịch chứng khoán đưa các DN CPH niêm yết lên sàn. Cải tiến thủ tục hành chính, trong đó, quan tâm thủ tục giao tài sản cố định để chuyển đổi DNNN thành công ty TNHH một thành viên. Thành phố sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm, nhằm quản lý tốt hơn công tác hậu CPH, tạo điều kiện cho DN nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

ND

Các tin tức khác

>   Thí điểm cổ phần hóa 15 - 20 trường ĐH, CĐ (08/12/2006)

>   Một doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng cao su ở Lào (07/12/2006)

>   Cổ phần hóa Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (07/12/2006)

>   Dệt May Phước Long trúng thầu cung cấp mùng trị giá 2 triệu USD (07/12/2006)

>   VCT: Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần (06/12/2006)

>   TCR: Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần (06/12/2006)

>   Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đốt nóng thị trường OTC (06/12/2006)

>   Chủ động ứng phó với tác động về tài chính khi gia nhập WTO (05/12/2006)

>   Hãng Sumitomo Corp mua cổ phần của hai công ty than VN (05/12/2006)

>   DRC: Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần (05/12/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật