Chủ động ứng phó với tác động về tài chính khi gia nhập WTO
Đối với lĩnh vực thị trường tài chính, cần cơ cấu lại Ngân hàng nhà nước theo hướng tập trung chủ yếu vào hoạch định chính sách tiền tệ và kiểm soát hoạt động tiền tệ của toàn bộ hệ thống; tăng tiềm lực tài chính cho các ngân hàng thương mại trên cơ sở nhanh chóng cổ phần hóa các Ngân hàng Thương mại nhà nước, hình thành và phát triển tập đoàn tài chính ngân hàng lớn.
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các cam kết gia nhập tổ chức WTO là khá rộng. Ngay sau khi gia nhập WTO, nhà đầu tư sẽ được phép tham gia đến 49% vào các công ty cung cấp dịch vụ chứng khoán của Việt Nam. Trong lĩnh vực bảo hiểm, các rào cản kỹ thuật bị dỡ bỏ (trừ lĩnh vực bảo hiểm bắt buộc) và sau 5 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường dịch vụ tài chính hầu như hoàn toàn mở sẽ tác động ra sao đến kinh tế tài chính và ngành tài chính có những giải pháp gì cho phù hợp với từng ngành dịch vụ khi Việt Nam gia nhập WTO?
Khó khăn hiển hiện
Bộ Tài chính cho biết, yêu cầu quan trọng khi tham gia vào WTO và các khu vực mậu dịch tự do là tiến hành từng bước mở cửa thị trường hàng hóa trong nước thông qua các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu. Các biện pháp chính sách trong nước phải tuân thủ các nguyên tắc thương mại về không phân biệt đối xử, nguyên tắc rõ ràng minh bạch. Việc bảo hộ cho sản xuất trong nước chỉ được thực hiện thông qua thuế NK, không được phép duy trì các biện pháp bảo hộ phi thuế quan. Do đó, thị trường hàng hóa được thực hiện theo nguyên tắc giảm thuế và trợ cấp. Biện pháp bảo hộ duy nhất còn lại là thuế NK. Tuy nhiên, công cụ này cũng sẽ bị cắt giảm trong khoảng thời gian trung hạn (khoảng 5 năm) theo những cam kết trong WTO và sẽ xuống gầ mức 0% trong khoảng thời gian dài từ 10-12 năm theo các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo tính toán của Bộ Tài chính, kim ngạch NK thực tế chịu ảnh hưởng cắt giảm thuế sẽ chiếm khoảng 20% tông kim ngạch NK hàng năm. Các cam kết FTA trong khu vực ở thời gian trung và dài hạn sẽ có tác động đáng kể đến sản xuất trong nước nếu không có các biên pháp điều chỉnh thỏa đáng, vì trên thực tế các mức cam kết cắt giảm thuế trong FTA đều rất triệt để, xuống còn 0-5%.
Với những lĩnh vực dịch vụ do Bộ Tài chính quản lý, chịu tác động chủ yếu là đối với các DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ chứng khoán. Việc cắt giảm thuế NK theo các cam kết WTO sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi số thu thuế XNK của VN vẫn chiếm một tỷ trọng lớn so với các nước đang phát triển khác trong tổng thu NSNN (chiếm khoảng 13% tổng thu ngân sách từ thuế, phí và lệ phí). Theo ước tính sơ bộ, tác động trực tiếp về cắt giảm thuế suất sẽ làm số thu giảm khoảng 10% tổng số thu thuế từ hoạt động XNK.
Người tiêu dùng được hưởng lợi
Hội nhập WTO trong lĩnh vực tài chính sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường XK cho hàng hóa VN. Hàng hóa của chúng ta khi vào các thị trường lớn sẽ được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt (MFN) và không bị hạn chế bởi hạn ngạch như hiện nay, đặc biệt là đối với lĩnh vực dệt may. Việc cắt giảm thuế NK theo các cam kết sẽ giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Sức ép của hội nhập khiến hàng rào bảo hộ giảm dần sẽ buộc các DN và các ngành sản xuất trong nước phải điều chỉnh, cơ cấu lại để có thể củng cố khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường trong nước cũng như tại các thị trường XK. Trong tương lai, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ đa dạng, chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Nhìn một cách tổng thể, việc cắt giảm thuế cũng sẽ dẫn tới việc thúc đẩy gia tăng kim ngạch thương mại. Các mặt hàng nhập khẩu được giảm thuế sẽ có số lượng nhập khẩu gia tăng. Kết quả, dẫn tới tăng thu thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu xét cả khía cạnh này thì tác động cảu việc cắt giảm thuế không ghê gớm như nhiều người vẫn nghĩ.
Giảm thiểu tác động bất lợi
Trong kế hoạch hành động nhằm ứng phó với tác động về tài chính khi gia nhập WTO, hỗ trợ các DN hội nhập hiệu quả, Bộ Tài chính đã triển khai các giải pháp như: sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, không phân biệt đối xử giữa DN trong nước với DN nước ngoài, giữa DNNN với DN tư nhân. Từng bước xóa bỏ các biện pháp bảo hộ không phù hợp với thông lệ quốc tế sớm thay thế các biện pháp bảo vệ phi thuế bằng thuế hạn ngạch và nâng thuế nhập nhằm vừa đảm bảo tăng thu, vừa tạo điều kiện cho các ngành thích nghi dần với tình trạng chỉ được bảo hộ duy nhất bằng thuế nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngành cũng khẩn trương ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến các biện pháp hạn chế những hành vi thương mại quốc tế không lành mạnh và bảo vệ sản xuất trong nước, như các biện pháp tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế trợ cấp.
Theo các chuyên gia, đối với lĩnh vực thị trường tài chính, cần cơ cấu lại Ngân hàng nhà nước theo hướng tập trung chủ yếu vào hoạch định chính sách tiền tệ và kiểm soát hoạt động tiền tệ của toàn bộ hệ thống; tăng tiềm lực tài chính cho các ngân hàng thương mại trên cơ sở nhanh chóng cổ phần hóa các Ngân hàng Thương mại nhà nước, hình thành và phát triển tập đoàn tài chính ngân hàng lớn. Đối với thị trường chứng khoán, cần mở rộng phạm vi, đa dạng hóa loại hình hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng; nghiên cứu ban hành những quy định chuyển tiền của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán. Riêng đối với thị trường bảo hiểm, cần nâng cao hiệu quả bộ mảy quản lý thị trường bảo hiểm, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; từng bước mở rộng thị trường khai thác bảo hiểm ra các lĩnh vực mới và thị trường quốc tế.
Baothuongmai
|