Ngân hàng TMCP Sài Gòn: Củng cố thương hiệu, tăng tốc hội nhập
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thời gian gần đây có sự bứt phá mạnh mẽ, tỏ ra không thua kém các ngân hàng “đàn anh” khác về tốc độ phát triển. Năm 2006 đánh dấu bước phát triển vượt trội của SCB với các chỉ tiêu kinh doanh rất ấn tượng. Vào dịp cuối năm, phóng viên báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Dũng, Tổng Giám đốc SCB.
- PV: Thưa ông, trong “cơn lốc” phát triển và thành đạt của các ngân hàng TMCP năm 2006, SCB đã ghi những dấu ấn mới nào?
- Ông Phạm Anh Dũng: Năm 2006 là năm hoạt động khởi sắc và đạt hiệu quả cao của SCB. Tính đến nay, tổng tài sản của SCB đã đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm trước; kết quả kinh doanh của SCB trong 11 tháng đạt lợi nhuận trước thuế trên 151,4 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cả năm 2005.
Dự kiến cả năm nay chúng tôi sẽ đạt lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng, vượt kế hoạch 87 tỷ đồng. Sở dĩ có được kết quả như vậy do SCB đã xây dựng được chiến lược thu hút và chăm sóc khách hàng hiệu quả… Nguồn vốn huy động của SCB đến nay là 8.779 tỷ đồng, tăng 142% so với đầu năm.Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể… đang trở thành khách hàng thân thiết của SCB.
Hoạt động tín dụng của SCB trong năm đã tăng trưởng rất mạnh mẽ, đến nay tổng dư nợ tín dụng - đầu tư đạt 8.075 tỷ đồng, tăng hơn 131% so với đầu năm. Dự kiến chúng tôi sẽ chia cổ tức cho cổ đông của SCB 16%. Tính trên tổng thu nhập trên mỗi cổ phần gồm cổ tức 2006 và phần thặng dư vốn sẽ là 45,91%; sẽ được ngân hàng chia bằng cổ phần.
- SCB phát triển “nóng” như vậy, nguồn nhân lực có đảm bảo hiệu quả và an toàn cho hệ thống?
- Chúng tôi xác định nhân lực là vấn đề cốt yếu trong hoạt động kinh doanh. Chúng tôi vẫn đẩy mạnh quá trình tuyển dụng mới, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ và bổ nhiệm vào các vị trí cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng giao dịch cho đến cấp chi nhánh và cán bộ cao cấp chủ chốt của SCB. Để tự tin bước vào hội nhập, SCB còn săn tìm các lực lượng nhân lực trẻ, năng động thông qua việc tài trợ những sân chơi, cuộc thi cho sinh viên các trường đại học.
Với việc ký kết hợp đồng hợp tác toàn diện với BIDV và VCB, SCB đã được 2 ngân hàng này hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ cán bộ ngân hàng. Đây là tiền đề để SCB mở rộng mạng lưới, đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ.
- Cổ đông SCB phàn nàn giá cổ phiếu SCB trên thị trường phản ánh chưa trung thực do ngân hàng chỉ cho chuyển nhượng nội bộ, tính thanh khoản chưa cao… SCB giải quyết việc này như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và nhà đầu tư?
- Trước đây, trong quá trình củng cố ngân hàng, để ổn định và phát triển SCB chưa thực hiện việc tự do chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) ra ngoài. Tuy nhiên từ ngày 1-1-2007 các cổ đông sẽ được tự do chuyển nhượng cổ phiếu, TPCĐ ở mức dưới 2 tỷ đồng và túc số dưới 5% cho một cổ đông, nhưng nếu trên 5% phải có ý kiến của hội đồng quản trị. Việc này sẽ giúp cổ phiếu SCB có tính thanh khoản cao, từng bước tiếp cận với giá thực tế. Đây cũng là cơ sở để SCB đàm phán về giá bán cổ phần với các đối tác nước ngoài.
- Như vậy SCB cũng đã đàm phán bán cổ phần cho các tổ chức tài chính nước ngoài? Tiêu chí lựa chọn của SCB?
- Đã có 11 ngân hàng đến đặt vấn đề hợp tác với SCB, hiện SCB đã chọn được 2 đối tác nước ngoài đó là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và một ngân hàng của Anh Quốc để đàm phán về việc hợp tác chiến lược và bán cổ phần. Nếu không có gì thay đổi, quý I-2007 SCB sẽ kết thúc việc đàm phán với 2 tổ chức này.
Lộ trình trong tháng 1-2007, SCB sẽ ký hợp đồng khung và sau đó tiến hành triển khai các hợp đồng cụ thể. Thông qua hợp tác chiến lược này SCB sẽ phát hành TPCĐ cho IFC và có thể bán cổ phần cho ngân hàng của Anh Quốc với tỷ lệ góp vốn 10%/cổ đông nước ngoài. Như vậy đến năm 2007 khi TPCĐ được chuyển thành cổ phiếu, IFC sẽ chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài tham gia góp vốn vào SCB. Hai cổ đông nước ngoài này sẽ hỗ trợ SCB trong việc tư vấn chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy hoạt động, quản trị rủi ro, phát triển công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực.
Hiện 2 nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về lực lượng nhân lực của SCB trẻ, làm việc minh bạch. Sự hợp tác với các đối tác nước ngoài sẽ giúp SCB mang lại những lợi ích quan trọng cho khách hàng và cổ đông của ngân hàng.
- Chiến lược phát triển mới của SCB ra sao trong bối cảnh nước ta là thành viên chính thức của WTO?
- Chúng tôi xác định lộ trình là đến tháng 6-2008, SCB đạt 3.700 tỷ đồng vốn điều lệ. Trong quý I-2007 vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên 12.00 tỷ đồng và sẽ phát hành thêm 1.400 tỷ đồng TPCĐ trong năm 2007 theo lộ trình tăng vốn của SCB. Giá TPCĐ sẽ được SCB tính toán sao cho có lợi cho các cổ đông hiện hữu và sát với giá thị trường.
Trong năm 2007 SCB sẽ triển khai đề án phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại như ATM, SMS banking, Phonebanking, Internetbanking… Hiện ngân hàng đang chuẩn bị đấu thầu chọn nhà cung cấp phần mềm chuyển mạch thẻ quốc tế. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thanh toán quốc tế, SCB đã được chấp thuận là thành viên của tổ chức SWIF, dự kiến tháng 3-2007 sẽ thông mạng. Ngoài ra, SCB cũng đang có kế hoạch tăng tốc mở rộng mạng lưới trên toàn quốc với mục tiêu năm 2007 có mặt ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận và Cần Thơ.
- Xin cảm ơn ông.
SGGP
|