Bất thường một phiên đấu giá cổ phần
Suốt cả ngày 26/12, gần 30 nhà đầu tư cá nhân đến trụ sở Công ty Lắp máy và Xây dựng 45-1 để đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần rất bực bội, thất vọng.
Họ mỏi mòn chờ đợi và mồ hôi ướt đẫm lưng áo vì trụ sở công ty (số 138-140 Điện Biên Phủ, quận 1, Tp.HCM) mất điện. Trong khi đó, các lãnh đạo công ty đều “biến mất”, chẳng có ai giải quyết, chỉ có ông chánh văn phòng và một vài nhân viên cùng bảo vệ. Vì sao có tình trạng này?
Theo thông báo đăng trên báo, Công ty Lắp máy và Xây dựng 45-1 sẽ tổ chức bán đấu giá 974.763 cổ phần phổ thông (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) lần đầu ra công chúng với giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần để thực hiện cổ phần hóa.
Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 100 cổ phần (không có thông báo số lượng đăng ký mua tối đa được phép là bao nhiêu), thời gian nhận hồ sơ, nộp đơn đăng ký tham gia đấu giá, nộp tiền đặt cọc (10% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm), phát phiếu tham dự đấu giá và cung cấp bản công bố thông tin từ 8 giờ ngày 25/12 đến 16 giờ ngày 26/12/2006, tại trụ sở công ty. Thời gian tổ chức đấu giá là 14 giờ, ngày 10/1/2007, tại trụ sở công ty. Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần là Công ty Tài chính dầu khí Chi nhánh Tp.HCM (PVFCHCM).
Theo nguyên tắc đấu giá do Hội đồng đấu giá của chính công ty công bố, công ty phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các phương tiện thông tin của tổ chức thực hiện bán đấu giá về những thông tin liên quan đến việc bán đấu giá cổ phần trước khi tổ chức bán đấu giá tối thiểu là 20 ngày.
Tuy nhiên, quy định này đã bị chính Công ty Lắp máy và Xây dựng 45-1 vi phạm, công ty đăng thông báo bán đấu giá cổ phần trên Báo Người Lao Động 3 kỳ vào ngày 22, 25 và 26/12 (ngày 25 và 26 là ngày đăng ký, nộp tiền cọc tham dự đấu giá cổ phần) làm cho rất nhiều nhà đầu tư cá nhân không biết được thông tin hoặc biết rất chậm, không kịp đăng ký tham dự đấu giá.
Hơn nữa, tại trụ sở công ty có dán 2 bản thông báo (không có ai ký và đóng dấu), bản thứ nhất thông báo thủ tục đăng ký tham gia vào nộp tiền đặt cọc, trong đó quy định mức tối đa nhà đầu tư là cá nhân được mua là 30.000 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), nhà đầu tư là tổ chức được mua tối đa 100.000 cổ phần.
Bản thứ hai thông báo: “Hiện nay, do tình hình có quá nhiều người đăng ký mua cổ phần phổ thông, công ty thông báo kể từ ngày 26/12/2006, mỗi cá nhân, tổ chức đến đăng ký tham gia mua cổ phần chỉ được đăng ký không quá 10.000 cổ phần. Mong các nhà đầu tư thông cảm”.
Chị Nguyễn Thị Minh Khanh, nhà đầu tư cá nhân cho biết, càng nhiều nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần càng làm cho nhu cầu mua cao hơn nhiều lần số lượng chào bán và giá trúng thầu sẽ cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Việc quá đông nhà đầu tư đăng ký mua là điều rất mừng cho Công ty Lắp máy và Xây dựng 45-1, tại sao lại hạn chế số lượng đăng ký “một cách kỳ cục như vậy”.
Nếu thiếu thời gian làm thủ tục cho nhà đầu tư đăng ký mua thì có thể tăng ngày làm thủ tục lên 5-8 ngày như các công ty khác thường làm, hà cớ gì chỉ quy định làm thủ tục đăng ký chỉ có 2 ngày?
Chị Minh Khanh nhận định, những sự việc trên chứng tỏ một nhóm người trong công ty đã thực hiện hành vi hạn chế nhà đầu tư bên ngoài để bảo vệ quyền lợi của những nhà đầu tư trong công ty và những người thân họ. Càng ít người đăng ký mua cổ phần (cầu thấp hơn cung), nhóm người trong công ty càng dễ dàng trúng đấu giá với giá trúng thầu thấp, có khi bằng giá khởi điểm.
Khi cổ phần của Công ty Lắp máy và Xây dựng 45-1 niêm yết và lên sàn giao dịch, giá khớp lệnh phiên đầu tiên có thể gấp 4-5 lần mệnh giá và trong tình hình thị trường cổ phần đang sôi động hiện nay thì chỉ sau vài tháng, giá cổ phần của công ty có thể lên tới 70-90.000 đồng/cổ phần, gấp 7-9 lần mệnh giá.
Nếu nhóm người trong công ty mua được khoảng 80% số lượng cổ phần chào bán (trị giá gần 9 tỷ đồng) thì sau khi cổ phần lên sàn, họ sẽ thu được khoản lợi nhuận “trời cho” (tài sản Nhà nước “ban cho” một cách hợp pháp) rất lớn, thấp nhất cũng khoảng 35 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Đan Hoa và nhiều nhà đầu tư còn cho rằng việc trụ sở công ty mất điện cả ngày 26/12 là một sự lừa dối để hạn chế số lượng người đăng ký mua cổ phần bởi vì tất cả những ngôi nhà dân, trụ sở cơ quan cận kề xung quanh trụ sở công ty vẫn có điện bình thường.
Một vi phạm nữa của công ty là không cung cấp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh giai đoạn 2003-2005 và phương hướng phát triển công ty sau cổ phần hóa cho các nhà đầu tư, chỉ dán mỗi bản quy chế bán đấu giá cổ phần ở trụ sở công ty, ai muốn đọc thì đọc. Khi nhà báo yêu cầu cung cấp thông tin về công ty, ông chánh văn phòng viết cho một mảnh giấy, ghi rõ “Cô Điệp cho nhà báo N.H.L mượn bản thông tin về công ty, ngồi đọc tại chỗ và trả (không mang ra ngoài)” và ký tên.
Được biết, bản thông tin này dài hơn 30 trang (kể cả quy chế đấu giá), nếu ngồi đọc tại trụ sở công ty đang bị mất điện, có lẽ sẽ phát bệnh.
TBKTVN
|