Ấn Độ và Thái Lan xúc tiến ký FTA
Sau khi bị gián đoạn do cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan vừa qua, Ấn Độ và Thái Lan dự định trở lại bàn thương lượng về việc ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương ngay sau các cuộc bầu cử tại Thái Lan, dự kiến diễn ra vào tháng 11/06.
Tuy nhiên, các kế hoạch đầy tham vọng này vẫn có thể tiếp tục bị trì hoãn do các nhà lãnh đạo quân sự mới của Thái Lan còn đang bận rộn với việc thành lập chính phủ dân sự tạm quyền và công cuộc cải tổ chính trị mới.
Một quan chức cao cấp thuộc Bộ Thương mại Ấn Độ nói, do không biết khi nào chính phủ mới tại Thái Lan sẽ được lập nên hiện chưa thể dự đoán khi nào thì các cuộc thảo luận liên quan tới thương mại sẽ được nối lại.
T.S. Vishwanath, cố vấn thuộc Liên đoàn các ngành công nghiệp Ân Độ (CII), tỏ ý mong muốn các cuộc thương lượng sẽ được thực thi để những thay đổi về FTA có thể được duy trì và lâu bền. Còn một số nhà phân tích kinh tế cho rằng hoạt động thương mại sẽ bị ảnh hưởng, vì Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra bị tố cáo là đã ký kết một cách bất hợp pháp các thoả thuận thương mại song phương kể cả với các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ và Ôxtrâylia mà không hỏi ý kiến Quốc hội hoặc các nhóm xã hội dân sự.
Một số nhà kinh doanh Ấn Độ phàn nàn rằng các điều khoản trong FTA Ấn Độ-Thái Lan đã gây thiệt hại quyền lợi của họ. Về phần mình, Thái Lan cũng tỏ ra không hài lòng với Ấn Độ, vì rất nhiều mặt hàng trong cái gọi là "danh mục cấm" (đánh thuế), trong đó đưa khoảng 1.000 mặt hàng ra khỏi danh mục chịu thuế.
Hồi tháng 10/03, Ấn Độ và Thái Lan đã ký một thỏa thuận thương mại, theo đó hai nước có thể nhập và xuất khẩu miễn thuế 82 mặt hàng nằm trong chương trình "Thu hoạch sớm".
Kim ngạch buôn bán các mặt hàng nằm trong chương trình "Thu hoạch sớm" đã tăng gấp đôi từ 217 triệu USD năm 2004 lên 430 triệu USD năm 2005, trong đó Thái Lan thặng dư thương mại tới 253 triệu USD. Tuy nhiên, R.V Kanoria, Chủ tịch Tổ chức Thương mại Thế giới của CII cho biết, ngành công nghiệp chế tạo phụ tùng ô tô Ấn Độ bị FTA gây thiệt hại nhiều nhất. Theo ông Kanoria, Thái Lan có lợi thế cạnh tranh hơn Ấn Độ nhờ có các cơ sở chế tạo gần tương tự các công ty chế tạo ô tô toàn cầu.
Sharif Rangnekar, nhà phân tích kinh tế và là chủ bút mạng Indiabiznews.com khẳng định Toyota, Honda và Procter& Gamble là ba công ty đa quốc gia có lợi nhất nhờ FTA Ấn Độ-Thái Lan. Các công ty này có thể làm ăn và dễ dàng vận chuyển hàng hoá sang Ân Độ thông qua các cơ sở sản xuất lớn tại Thái Lan.
Theo cuộc điều tra của Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI), trong khi nhập khẩu của Thái Lan tăng nhanh sau khi FTA được ký kết, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang Thái Lan lại giảm xuống. Một loạt các chuyên gia độc lập chỉ trích chính phủ Ấn Độ đã vội vã ký các hiệp định thương mại song phương như là một phần trong chính sách "Hướng Đông" của mình.
Năm 2005, FICCI đã công bố một báo cáo nhan đề "FTA Ấn Độ-Thái Lan: Những vấn đề đáng chú ý" trong đó cho rằng chi phí sản xuất của các công ty Ấn Độ, nằm trong chương trình "Thu hoạch sớm" quá cao để có thể cạnh tranh hiệu quả với các công ty của Thái Lan. Dựa trên cuộc điều tra được tiến hành hồi tháng 4 và tháng 5/05, báo cáo trên cho biết công ty chế tạo máy thu hình và phụ tùng ô tô Thái Lan nằm trong số những công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi FTA.
Các cuộc tranh cãi về nguyên tắc xuất xứ cũng là trở ngại chính trong các cuộc thương lượng mở rộng FTA. Mặc dù Ấn Độ đã nhất trí với chương trình "Thu hoạch sớm", nhưng việc nới lỏng hơn nữa các qui định về nguyên tắc xuất xứ sẽ gây ra làn sóng nhập khẩu hàng hoá từ nước thứ ba thông qua Thái Lan và điều này sẽ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp của Ấn Độ.
Trong năm nay, Ấn Độ đã công bố một thông báo nói rằng Trung Quốc, Philippin, Malaixia, Inđônêxia và thậm chí cả vùng lãnh thổ Đài Loan đã sử dụng Thái Lan như là địa điểm để xuất khẩu các loại hàng hoá như hàng dệt, thực phẩm đã chế biến và các sản phẩm điện tử sang Ấn Độ. Chính vì vậy, thời kỳ khó khăn của FTA Ấn Độ- Thái Lan vẫn ở phía trước cho dù tình hình chính trị tại Băng Cốc trở lại bình thường.
TTXVN
|