Kinh tế Inđônêxia đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt
Chính phủ Inđônêxia và một số nhà phân tích nước ngoài tỏ ra lạc quan về triển vọng trung hạn của nền kinh tế ở quốc đảo lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng mức tăng GDP g thực tế của Inđônêxia năm 2005 thấp hơn nhiều so với con số do Cơ quan thống kê trung ương (BPS) nước này công bố.
Theo BPS, bất chấp những tác động của thảm họa động đất-sóng thần hồi cuối tháng 12/04 và tình hình chính trị-xã hội bất ổn sau khi chính phủ bãi bỏ chính sách trợ giá nhiên liệu, GDP của nước này đã tăng 5,6% năm 2005 và là mức tăng cao nhất trong 9 năm qua.
Nhưng những nguời chỉ trích cho rằng hai nhân tố vừa nêu trên, cùng với lạm phát và lãi suất trong nước gia tăng đã khiến người ta cho rằng số liệu do BPS đưa ra không phản ánh sức mạnh thực của nền kinh tế, và cơ quan này đã mắc sai sót trong phương pháp tính toán. Theo họ, kinh tế Inđônêxia chỉ tăng trưởng dưới 3% năm 2005, do sản lượng nông nghiệp và công nghiệp chế tạo -đóng góp khoảng 42% GDP- đều sụt giảm. Trong khi đó, ngành xây dựng và dịch vụ không tăng, còn khai khoáng phục hồi rất yếu, cho dù hoạt động bán buôn và bán lẻ tăng gần gấp đôi lên 9%. Sản lượng của ngành công nghiệp chế tạo đã tăng chậm lại chỉ còn 4,5% năm ngoái, trong khi nhập khẩu cũng chỉ tăng 26% (so với mức tăng 43% của năm trước), phản ánh lượng hàng hóa lưu thông trong nền kinh tế suy giảm. Ngoài ra, đà tăng trưởng kinh tế còn bị ảnh hưởng bởi chi tiêu của khu vực tư nhân và đầu tư giảm, cộng với chi tiêu trong khu vực nhà nước "teo lại" do chính sách phi tập trung hóa quyền lực và công tác quản lý yếu kém. Hiện Inđônêxia đang phải vật lộn để đạt nhịp độ tăng trưởng 3% năm nay, và nhiều người thậm chí còn không loại trừ khả năng nền kinh tế này có thể rơi vào suy thoái kinh tế trong năm tới do còn thiếu những đòn bẩy cần thiết. Tuy vậy, giới chức chính phủ và một số tổ chức cho vay đa phương vẫn hy vọng kinh tế Inđônêxia sẽ duy trì được mức tăng trên 5-6% năm nay và năm 2007.
Do mức lương thực tế giảm, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao nên chi tiêu tiêu dùng của khu vực tư nhân giảm từ mức 4% năm 2005 xuống chỉ còn 2% năm nay. Lạm phát tăng cao -vốn đã làm nguồn thu nhập từ lương của người lao động giảm 12% năm 2005- có thể vẫn tiếp diễn trước khi giảm xuống vào quý IV/2006. Lạm phát về giá cả hàng hóa tiêu dùng dự đoán sẽ ở mức gần 11% năm nay, khiến thu nhập của người làm công ăn lương tiếp tục giảm thêm 8%. Tỷ lệ thất nghiệp ở Inđônêxia, đã tăng lên mức 10% năm ngoái, có thể lại tăng lên năm nay do sản lượng của ngành công nghiệp chế tạo sụt giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2006, sản lượng công nghiệp chỉ tăng 2,4%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng 7% mà chính phủ đề ra, còn xuất khẩu trong tháng 6 chỉ tăng 1,7% so với tháng 5 lên 8,48 tỷ USD.
Trong bối cảnh thu nhập và xuất khẩu giảm hoặc chững lại, đầu tư của khu vực tư nhân khó có thể tăng trong năm 2006. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Inđônêxia đã tăng chậm lại còn khoảng 12%, so với mức tăng 20% của cả năm 2005, và con số này có thể còn thấp hơn trong nửa cuối năm nay do nhu cầu từ bên ngoài sụt giảm. Hoạt động chi tiêu và đầu tư của chính phủ năm ngoái tăng mạnh đã giúp bù đắp sự sụt giảm trong chi tiêu tiêu dùng của khu vực tư nhân và đầu tư. Điều này có thể sẽ không lặp lại trong năm nay. Hơn nữa, sự quản lý-điều hành yếu kém sẽ khiến chính phủ khó đạt được mục tiêu chi tiêu ngân sách đã đặt ra, nhất là khi các cấp chính quyền địa phương đều chưa chuẩn bị tốt cho việc triển khai nhiệm vụ này.
Với việc lạm phát và lãi suất nhích lên đang ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ trong bối cảnh giá dầu tăng cao, nhiều người lo ngại điều này sẽ tác động tiêu cực tới các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu hàng hóa như Inđônêxia. Trong trường hợp kinh tế trong nước tăng trưởng thấp hơn mức trông đợi và xuất khẩu sa sút, đồng rupiah của Inđônêxia sẽ bị tổn thương, dẫn đến nguy cơ chảy máu ngoại tệ trong những tháng tới.
Tháng trước, Tổng thống Susilo B. Yudhoyono nhận định rằng năm 2007 Inđônêxia có thể bội chi ngân sách nhà nước 33.100 tỷ rupiah (3,5 tỷ USD), tương đương 0,9% GDP, cao hơn mức 0,7% năm 2006. Trong dự thảo ngân sách tài khóa tới, nước này phấn đấu kiềm chế lạm phát ở mức 6,5%, giảm tỷ trọng nợ từ mức khoảng 41,3% năm nay xuống còn 36,9% năm 2007 và đạt sản lượng 1 triệu thùng dầu thô/ngày.
TTXVN
|