“Hậu” đảo chính ở Thái Lan: Nhiều kế hoạch kinh tế có thể đổ vỡ
Một cuộc đảo chính đã bất ngờ xảy ra tại Thái Lan đêm 19/9, quân đội đã tiến vào thủ đô Bangkok và giành quyền kiểm soát Chính phủ.
Giới quan sát cho rằng, cuộc đảo chính này là kết quả của cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại nước này, kể từ tháng 2/2005, sau khi Đảng Người Thái yêu người Thái của ông Thaksin thắng lợi trong cuộc bầu cử lần hai với số phiếu áp đảo, giữ 377/500 ghế tại Quốc hội. Đồng thời, ông Thaksin bị phe đối lập buộc tội trốn thuế, tham nhũng, khi bán tập đoàn truyền thông SinCorp của mình cho công ty của Singapore với giá 1,9 tỷ USD.
Cuộc đảo chính đã tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội ở Thái Lan. Đặc biệt, nhiều hoạt động ở Bangkok bị xáo trộn, thị trường chứng khoán, trường học, công sở và ngân hàng đều phải đóng cửa. Một số chính trị gia và những người có liên quan tới Thủ tướng Thaksin đã chạy trốn hoặc bị bắt sau khi tin đảo chính lan ra.
Tình hình bất ổn chính trị ở Thái Lan thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế Thái Lan, vốn được coi là năng động.
Sức cạnh tranh giảm 5 bậc
Theo kết quả xếp hạng của Viện Nghiên cứu Phát triển Quản lý quốc tế (IMD), năm 2006 này, trong 61 nền kinh tế thế giới, sức cạnh tranh của nền kinh tế Thái Lan giảm 5 bậc, từ vị trí 27 năm ngoái xuống còn 32 năm nay.
Xem xét trong vòng 5 năm qua, đây là năm tụt hạng cao nhất của kinh tế Thái Lan. Chỉ tính riêng điểm về sự ổn định chính trị, năm nay Thái Lan chỉ được 5,03/10 điểm so với 8/10 điểm năm 2005. Chỉ số thành quả kinh tế của Thái Lan năm nay cũng tụt xuống thứ 21, giảm 14 bậc so năm 2005. Sự hiệu quả trong điều hành của chính phủ cũng tụt xuống thứ 21, giảm 7 bậc. Còn xếp hạng về cơ sở hạ tầng giảm xuống bậc 48 so với 47 năm 2005.
Khủng hoảng chính trị đã buộc Bộ Tài chính Thái Lan điều chỉnh dự báo mức tăng trưởng kinh tế từ 4,5 đến 5,5% năm 2006 xuống còn 4 - 5%. Theo dự báo, năm nay, tổng mức đầu tư toàn xã hội chỉ tăng trưởng 2% so năm 2005, trong khi, năm 2005, con số này là 11,3%. Trong năm nay, các chuyên gia bi quan dự báo về thâm hụt cán cân thương mại của Thái Lan có thể lên tới 9,6 tỷ USD.
Ông Pornslip Patcharintanakul, phụ trách Ủy ban các nhóm doanh nghiệp thương mại Thái Lan (BTBG) nhận định: Thời gian qua, do chính trường khủng hoảng, cho nên hầu như chưa đưa ra được các chính sách cơ bản về kinh tế, dẫn đến nguồn vốn đầu tư giảm sút và kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Một thiệt hại khác là mức tiêu thụ nội địa có thể giảm đi 1%, do nhiều người đã đóng cửa hàng, hạn chế đi mua sắm để hòa mình vào đoàn người biểu tình.
Phòng Thương mại Thái Lan dự báo, doanh thu ngành du lịch của nước này sẽ tụt giảm 10% trong năm nay. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi nhiều vé đăng ký đi du lịch ở Thái Lan của du khách quốc tế đã bị hoãn lại hoặc hủy bỏ.
Các vụ đánh bom của lực lược phiến quân ở miền nam Thái Lan nhằm vào khách du lịch hôm 16/9 vừa qua khiến 1 du khách nước ngoài chết, 14 người nước ngoài bị thương, càng làm gia tăng lo ngại của du khách tới Thái Lan.
Nhiều kế hoạch kinh tế có thể đổ vỡ
Các nhà quan sát chính trị châu Á cho rằng, nếu ông Thaksin ra đi sẽ mang theo cả kế hoạch kinh tế mà ông đã áp dụng trong 5 năm qua, và mang theo cả uy tín của người từng được coi là tiếng nói phải được lắng nghe nhất của châu Á.
Thời gian qua, ông Thaksin đã thành công vượt bậc khi tìm cách lôi cuốn đầu tư bằng cách giảm thuế cho các công ty nước ngoài. Đồng thời, ông đã thực hiện thành công nhiều chương trình cải tiến mức sống của người dân, nhất là người dân nghèo cư ngụ ở vùng thôn quê, qua các chương trình như cho dân quê vay vốn với lãi suất nhẹ hoặc chương trình hoãn đòi nợ dân nghèo chẳng hạn.
Vì vậy, có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho Thái Lan và châu Á ở thời hậu Thaksin.
Theo bà Pueng Vong, một chuyên gia về Đông Nam Á, chủ bút tờ Asia News, những bất ổn sẽ gây nhiều trở ngại cho tương lai của nước Thái, chẳng hạn như những cuộc đàm phán tiến đến mậu dịch tự do giữa Thái với Hoa Kỳ hay với Nhật Bản phải tạm hoãn lại, và đương nhiên, chuyện này hoàn toàn không có lợi cho nền kinh tế của quốc gia.
Việc ông Thaksin rời chính trường cũng sẽ khiến kế hoạch nâng cấp hệ thống đường cao tốc và giao thông công cộng trị giá 44 tỷ USD mà chính phủ nước này đặt nhiều kỳ vọng, sẽ đổ vỡ. Theo đó, hàng loạt dự án đầu tư sẽ rút khỏi Thái Lan.
Nếu bất ổn tiếp tục kéo dài, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang lập hồ sơ dự án đầu tư vào sản xuất kinh doanh cũng hoãn lại vì họ e rằng các cuộc biểu tình sẽ làm cho viễn cảnh kinh doanh không sáng sủa. Họ nghĩ rằng, khi ông Thaksin không còn nằm chức Thủ tướng thì sẽ có những thay đổi lớn về môi trường đầu tư và khủng hoảng chính trị sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Trong trường hợp Thái Lan sớm ổn định lại về chính trị, giới đầu tư đương nhiên sẽ trở lại, và điều đó đương nhiên cũng có lợi cho các nước láng giềng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, ông Thaksin từ chức có thể là giải pháp tốt cho nền kinh tế Thái Lan. Theo đó, có thể chấm dứt khủng hoảng chính trị, mở ra giai đoạn mới phát triển kinh tế đất nước và giúp Thái Lan lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
TBKTVN
|