Bài toán lao động: Cần giải pháp dài hạn
Tình hình người lao động quay trở lại TPHCM làm việc sau dịp Tết Bính Thân được đánh giá là khá ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu lao động tại đây được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm năm tới, chủ yếu từ các doanh nghiệp đầu tư mới và mở rộng sản xuất.
Nhu cầu lao động dự báo tăng
Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết nhiều năm trước đây, tỷ lệ biến động lao động tại TPHCM sau Tết Nguyên đán lên đến 15-20%, nhưng những năm gần đây đã giảm xuống chỉ còn 3-4% nhờ vào nhiều chính sách đãi ngộ, trả lương ổn định của chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp lớn duy trì được số lao động ổn định, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa do doanh thu bấp bênh, trả lương không cao nên khó giữ chân người lao động sau Tết. Nhóm doanh nghiệp này thường phải rầm rộ tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động phổ thông, vào thời điểm sau Tết. Nhưng nhìn chung, nhiều doanh nghiệp tại thành phố đã biết xem nguồn nhân lực là “vốn quý” nên đã có những chính sách trả lương, đãi ngộ và đào tạo dài hơi, hợp lý, không còn kiểu tuyển dụng chụp giựt như nhiều năm trước.
Mặc dù vậy, ông Tuấn vẫn băn khoăn về nhu cầu lao động tại TPHCM được dự báo sẽ tăng thêm 14% vào năm 2020 so với hiện nay bởi lực hút lao động mạnh mẽ từ các địa phương lân cận phát triển công nghiệp mạnh như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An... và cả luồng đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các thành phố lớn theo xu hướng hội nhập sẽ tiếp tục thu hút một lượng lớn lao động. Dự báo sự cạnh tranh, căng kéo về lao động sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Ngay sau Tết Bính Thân, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã có nhu cầu tuyển 19.000 lao động ở các lĩnh vực bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng - khách sạn, nghiên cứu thị trường, sửa chữa điện, cơ khí, xây dựng... Dự báo nhu cầu tuyển dụng cho cả năm 2016 của TPHCM vào khoảng 270.000 lao động, rải trong bốn quí của năm.
Đứng trước dự báo này, ông Tuấn cho rằng các doanh nghiệp càng phải quan tâm đến chính sách giữ người lao động. Ông đưa ra nhận xét: “Chủ doanh nghiệp muốn giữ chân công nhân lâu dài thì cần phải có các chính sách đãi ngộ, đào tạo, hỗ trợ thiết thực cho người lao động ổn định cuộc sống thì họ mới gắn bó lâu dài...”.
Tại TPHCM, các trung tâm cung ứng lao động đưa ra dự báo một số nhóm ngành sẽ hút nhiều lao động thời gian tới như công nghệ kỹ thuật, cơ khí, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, tài chính ngân hàng, xuất nhập khẩu và những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may. Sự dịch chuyển lao động có tay nghề ở những lĩnh vực nêu trên không chỉ xảy ra ở TPHCM mà ở cả vùng Đông Nam bộ, thậm chí trên phạm vi cả nước và giữa các nước khu vực Đông Nam Á.
Những giải pháp lâu dài
Theo ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú, thời gian gần đây, hiện tượng dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp ngành may diễn ra hàng năm, sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Công việc tuyển dụng công nhân mới cũng như công tác đào tạo lao động của doanh nghiệp trở nên rất quan trọng nhằm đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất tốt. Công ty Phong Phú đã thành lập những đội đào tạo công nhân chính là để chuẩn bị cho những tình huống này.
Theo ông Trình, Phong Phú có thể duy trì được nguồn lao động ổn định là nhờ vào các chính sách nhắm tới mục tiêu này, từ chính sách trả lương cho đến các hoạt động phục vụ đời sống tinh thần cho người lao động, xây dựng chung cư cho công nhân... Công ty cũng chú trọng tuyển dụng chuyên viên nước ngoài trong những lĩnh vực mà họ có thế mạnh, như tuyển chuyên gia từ Đài Loan hay một số Việt kiều Mỹ có kinh nghiệm về hàng dệt may, tư vấn chiến lược phát triển...
Đầu tư vào máy móc thiết bị, giảm số lượng công nhân trong một số khâu của quy trình sản xuất cũng được xem là một giải pháp nhằm giảm căng kéo về nhu cầu lao động. Ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon), cho biết công ty này đã đầu tư khá lớn vào việc mua sắm máy móc phục vụ công nghệ tự động, như máy may Juki lập trình cắt chỉ tự động, máy làm khuy nút điện tử, máy trải và cắt vải tự động... để thay thế cho thế hệ máy móc được điều khiển bằng tay và đòi hỏi nhiều lao động.
Theo ông Nguyễn Ân, so với trước kia, giá máy móc thiết bị hiện nay rẻ hơn nên nhiều công ty ngành may đã đầu tư mua sắm máy móc mới, công nghệ hiện đại để phục vụ sản xuất. Chẳng hạn máy may Juki một kim thường cách đây 20 năm có giá 600 đô la Mỹ/máy, nhưng máy may Juki tự động có lập trình hiện chỉ có giá 580 đô la Mỹ/máy. Với máy may thế hệ cũ, những chi tiết may phức tạp đòi hỏi phải có công nhân tay nghề bậc 3, nhưng với máy may công nghệ mới, người lao động chưa từng có tay nghề cũng có thể may được những chi tiết phức tạp này. Hay như với máy trải và cắt vải tự động, số lượng công nhân cho khâu này giảm tới 80% so với sử dụng máy móc cũ.
Ông Nguyễn Ân cho biết thêm, việc mua sắm đầu tư thiết bị, tổ chức sản xuất một cách khoa học và cải tiến quản lý là những việc mà doanh nghiệp may đã phải làm từ vài năm gần đây trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về giá cả sản phẩm cũng như những thách thức về lao động. Ông giải thích việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại giúp doanh nghiệp tăng năng suất và giảm bớt những hao hụt về nguyên liệu để có giá cạnh tranh.
Ngoài ra, với việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đến Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực dệt may để hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường thành viên của TPP, như Mỹ. Theo đó, doanh nghiệp trong nước chắc chắn bị cạnh tranh về lao động khi những công ty FDI có những chính sách để thu hút lao động. Nếu không đầu tư máy móc hiện đại để chuẩn bị từ bây giờ, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn khi bị cạnh tranh thu hút lao động với các doanh nghiệp FDI.
Theo ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi, cho đến thời điểm hiện nay, ông vẫn chưa thấy sự khởi sắc rõ nét về đơn hàng dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sắp ký kết, do kinh tế thế giới vẫn đang khó khăn. Nhìn chung, doanh nghiệp ngành may trong nước đều muốn mở rộng sản xuất, nhưng vẫn đang nghe ngóng tình hình. Cách tính toán của Thắng Lợi là nếu công ty có mở rộng thì sẽ mở rộng ra các tỉnh miền Tây và miền Trung, nơi doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm lao động hơn so với TPHCM, ông Hòa cho biết.
Văn Nam - Thu Nguyệt
tbktsg
|