Thứ Ba, 02/04/2024 13:02

Chứng khoán tháng 4: Nên phòng thủ hay tấn công?

Thị trường chứng khoán (TTCK) trải qua tháng 3 giao dịch thành công với mức tăng 3% của chỉ số VN-Index, tiến lên 1,284.09 điểm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, chỉ số có thể gặp thách thức trong tháng giao dịch kế tiếp.

Gặp thách thức sau chuỗi tăng liên tiếp

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam, TTCK đã có một chuỗi tăng rất tốt trong tháng 3 và hiện nay chỉ số VN-Index đang tiệm cận quanh mức 1,300 điểm.

Ông Minh đánh giá, thị trường có thể đi lên trong tháng 4, nhưng mức độ không được như tháng trước, độ rộng thị trường cũng không còn như thời điểm tháng 3.

Nguyên nhân chủ yếu do thị trường rơi vào vùng trũng thông tin, không có nhiều thông tin hỗ trợ hoặc rõ ràng, nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào ĐHĐCĐ, để đánh giá kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024. Đây là thời điểm thị trường xảy ra sự phân hóa rõ nét, dòng tiền thường chọn giải pháp đứng ngoài quan sát, cho nên xu hướng không được thuận lợi như tháng 3 và thanh khoản có thể sụt giảm so với tháng 3.

Ngoài ra, các rủi ro trong ngắn hạn khác như áp lực lạm phát có dấu hiệu nhích tăng nhẹ trở lại, tỷ giá đang neo ở mức cao, chỉ số USD (DXY) vẫn trong xu hướng tăng sẽ là yếu tố khiến cho thị trường gặp khó trong tháng 4.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thành Danh, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư SSI - chi nhánh Nguyễn Công Trứ nhìn nhận, thị trường đã có một chuỗi tăng từ tháng 11/2023 cho đến nay; do đó, khi chỉ số VN-Index lên đến vùng 1,300 điểm, có thể xuất hiện rung lắc. Theo ông Danh, trung bình thị trường tăng 30 - 40%, có thể xuất hiện điều chỉnh mỗi lần từ 5 - 7%.

Về vấn đề tỷ giá, vị trưởng phòng từ SSI cho biết, trong thời gian vừa qua, Mỹ giữ lãi suất cao, trong khi Việt Nam giữ lãi suất ở mức thấp, điều này làm ảnh hưởng đến áp lực tỷ giá. Do đó, trong thời gian tới, khi Mỹ giảm lãi suất thì khe hở (gap) giữa lãi suất 2 quốc gia sẽ được thu hẹp, từ đó giúp giảm áp lực tỷ giá.

Ông cho biết, khi tỷ giá tăng thì những ngành xuất khẩu sẽ được hưởng lợi, ngược lại nhập khẩu gặp bất lợi. “Mặc dù Việt Nam xuất siêu, nhưng chủ yếu từ các FDI và đa phần nằm ở doanh nghiệp không có trên sàn”, ông nói.

Giải mã vốn ngoại rút ròng

Một vấn đề khác liên quan đến tỷ giá là câu chuyện về dòng vốn đầu tư nước ngoài, các ETF đã rút ròng ở khắp các khu vực thuộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, thời gian qua, dòng vốn ETF đang có sự dịch chuyển, rút ra khỏi các khu vực thuộc Đông Nam Á, ngoại trừ Indonesia.

Vị chuyên gia của Yuanta chỉ ra, nguyên nhân đầu tiên do áp lực tỷ giá. Đồng USD tăng trở lại và Fed vẫn chưa có thời điểm rõ ràng trong việc giảm lãi suất. Đồng USD vẫn còn khuynh hướng mạnh trong ngắn hạn, các đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á suy yếu và thời gian gầy đây tỷ giá USD/VND cũng bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân thứ hai, các thị trường khác như Mỹ hoặc châu Âu có mức tăng mạnh. Do đó, khi các ETF nhận thấy các thị trường khác tăng rất mạnh so với các thị trường khu vực Đông Nam Á (trừ chỉ số của Indonesia), tức các hiệu suất không bằng những thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu, họ đã dịch chuyển dòng tiền sang các thị trường đó. Hơn nữa, các kênh đầu tư khác (như vàng, bitcoin) đang mạnh lên, cũng là lý do khiến dòng vốn không lựa chọn vào khu vực các thị trường tăng kém.

Áp lực trong ngắn hạn vẫn còn. Dòng vốn ETF nói riêng và dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài nói chung vẫn còn áp lực rút ròng trong 6 tháng đầu năm 2024”, ông Thế Minh nói.

Chiến lược phòng thủ là chủ đạo

Về chiến lược giao dịch trong ngắn hạn, như đã đề cập, chuyên gia của Chứng khoán Yuanta cho biết, tháng 4 không phải là thời điểm thuận lợi cho các chiến lược lướt sóng ngắn hạn cũng như tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, chiến lược phù hợp là nên phòng thủ và hạ bớt tỷ trọng nắm giữ, cẩn trọng hơn, hạn chế lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận như giai đoạn vừa rồi.

Nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu thuộc nhóm trú ẩn hơn là lướt sóng. Đơn cử, nhóm dịch vụ dầu khí, hóa chất (có beta cao với thị trường, nhưng nhóm này kỳ vọng được hưởng lợi từ chuyện tăng trưởng trong năm nay nên áp lực điều chỉnh sẽ không lớn như nhóm cổ phiếu khác). Một nhóm khác, theo ông Minh, cũng có hệ số beta cao là nhóm ngân hàng, xoay quanh thông tin chi trả cổ tức bằng tiền trong kỳ ĐHĐCĐ tới.

Còn ở góc nhìn trung và dài hạn, ông Thế Minh nhận định, thị trường vẫn còn đi lên và những nhịp điều chỉnh là cơ hội cho nhà đầu tư bị bỏ lỡ trong đoạn vừa qua.

Tương tự, ông Danh cũng khuyến nghị trong ngắn hạn, nên tập trung vào chiến lược phòng thủ, vì thị trường đã tăng trong 5 tháng qua. Khi thị trường điều chỉnh giảm, có thể tập trung vào các nhóm ngành có câu chuyện.

Vị trưởng phòng SSI chỉ ra: ngành ngân hàng vẫn là trụ cột, được đánh giá chỉ mới vào sóng; nhóm bất động sản liên quan đến câu chuyện các thị trường đang có dấu hiệu ấm hơn. Nhìn xa hơn về cuối năm là các cổ phiếu thủy sản, liên quan đến tỷ giá và xuất nhập khẩu.

Duy Khánh

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 02/04: Có thể xuất hiện các nhịp “bull trap”? (01/04/2024)

>   Cổ phiếu BCM, PTB và VHC liệu có hấp dẫn? (01/04/2024)

>   Chuyên gia VDSC quan tâm nhóm ngành nào trong quý 2/2024? (31/03/2024)

>   Góc nhìn tuần 01-05/04: Mốc 1,260 sẽ là hỗ trợ ngắn hạn? (31/03/2024)

>   VN-Index 2024: Sóng bắt đầu từ đâu? (02/04/2024)

>   Giám đốc Phân tích TPS: Áp lực tỷ giá không quá đáng ngại (30/03/2024)

>   Giải tỏa “cơn khát” cho nhà đầu tư ngoại khi thị trường được nâng hạng (31/03/2024)

>   MBS rút ra được điều gì từ vụ công ty chứng khoán bị hacker tấn công? (29/03/2024)

>   Góc nhìn 29/03: Hạn chế mua mới? (28/03/2024)

>   Nhận diện cơ hội và rủi ro của thị trường chứng khoán Việt Nam 2024 (28/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật