Thứ Bảy, 23/09/2023 08:23

Trời hành cơn lụt mỗi năm

Miền Trung, mùa hè thì hạn hán, nắng gió như lửa táp, ruộng đồng nứt nẻ, cây cối khô cằn. Hết mùa hạn, lại đến mùa lũ lụt. Khi những cơn lụt ào ạt đổ về các vùng quê miền Trung thì cũng là lúc người nông dân rơi vào cảnh tay trắng. Mọi thứ từ hoa màu, nhà cửa, đồ đạc bị nhấn chìm trong dòng nước hung bạo. Quảng Trị ở vùng eo của dải đất miền Trung nên cũng không nằm ngoại lệ. Có lời ca cứ mãi da diết ở mảnh đất này: “Quê hương em nghèo lắm ai ơi/ Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn/ Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm…” (Nhạc sỹ Phạm Đình Chương). “Miền Trung nước ngập trắng trời/ Thiên tai lụt lội than ôi khó lường” (Ca dao).

Trận lụt lớn tháng 10 năm 2020 ở Quảng Trị

Ở quê tôi, mỗi năm thường có ba trận lụt tràn đồng là lụt tháng tư, lụt tháng bảy và lụt tháng mười âm lịch. Lũ lụt là việc của thiên nhiên, con người phải chống chọi và tìm cách mưu sinh trong mùa lụt. Trước tiên là phải biết “đọc vị” thời tiết: “Mống (1) dài trời lụt/ Mống cụt trời mưa”; “Cóc nghiến răng, trời đang nắng thì mưa” (Tục ngữ). Nắng đang hồi gay gắt, cây cỏ xác xơ vì thiếu nước. Người cùng vạn vật đều chờ đợi trận mưa lớn đầu mùa tháng tư, có thể ngập tràn cả cánh đồng. Đây là trận mưa mà âm lịch gọi là tiểu mãn. Có năm, đây là cơn lụt tiểu mãn “ghé thăm”. Mưa có thể bắt đầu buổi sáng hoặc buổi chiều, kéo dài suốt đêm cho đến sáng hôm sau thì nước đã lai láng khắp nơi. Tiếng ếch nhái rền vang ngoài đồng, hát bản đồng ca mừng thần mưa đem nước xuống cho ruộng đồng. Ngày mới lớn, đây là thời điểm chúng tôi đi bắt ốc bươu và bắt ếch. Ban ngày, ở các thửa ruộng đang khô hạn vừa no nước, ốc bươu từ dưới đất chui lên nhiều vô kể; với một cái oi đeo ở lưng hay với chiếc bao cát, những đưa trẻ như chúng tôi cứ việc lội ruộng và nhặt ốc cho đến lúc nào đầy mới thôi. Ốc bươu mùa mưa tiểu mãn thịt ngọt, béo ngậy và rất ngon. Ban đêm, chúng tôi cầm nơm hoặc vợt, với bó đuốc cháy rừng rực (sau này dùng đèn pin) đi soi ếch rặp. Trận mưa giải hạn, trên những thửa ruộng nước như mùa xuân, từng cặp đôi ếch đang hứng tình giao hoan; lúc đó họa chăng có trời sập thì chúng mới nhận ra! Cứ việc úp vợt hoặc úp nơm mà bắt. Món “gà đồng” trong mùa mưa tiểu mãn thì quá đỗi ngon ngọt, thịt săn và béo: “Măng mai nấu với gà đồng/ Chơi nhau một mẻ xem chồng về ai?” (Ca dao). Người lớn thì đua nhau đi cất rớ (cất vó) bắt cá. Bên các đầm, hói, chỗ có nước chảy, hàng chục người dàn hàng ngang cất rớ. Cá diếc, cá thát lát, cá rô, cá tràu (cá lóc), cá hẻn (cá trê) nhiều vô kể. Mỗi rớ cất được vài trăm con một buổi là chuyện thường. Có rớ còn cất được cá gáy (cá chép), cá chình nặng đến năm, bảy ký (ki-lô-gam).

“Tháng bảy nước nhảy lên bờ”, lời người xưa nhắc nhở còn đó. Trời báo hiệu mưa bằng những ngọn gió bấc lành lạnh, ráng mây đỏ rực phía đằng đông, từng đụn mây đen kéo về nghịt trời. “Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt” (Tục ngữ). Sấm chớp phía biển ầm ào dội vào. Đến chiều, dãy núi phía Trường Sơn chìm trong mây, báo hiệu mưa nguồn. Đến đêm, cơn mưa dội xuống mái tôn lạt rạt, lào rào. Mưa kéo dài nửa đêm đến sáng. Những chân ruộng thấp, nước ngập đến nửa thân lúa. Nước lên nhanh. Xóm làng đã nghe tiếng í ới báo tin chạy lụt, đến ở nhờ nhà bà con ở vùng đất cao. Nước bạc dập dềnh, ì oạp; nước đã vào nhà. Lội trong nước bạc lạnh ngắt, bụng đói chân run. Bao nhiêu chuột đồng, rắn rít, chồn cáo tập trung về những bụi cây dại trên rú (2). Đó là dịp làm ăn của những nhóm thợ săn với chó nhà để đi săn chồn. Nhưng đông vui nhất vẫn là đi bắt cá. Lụt tháng bảy, rất nhiều cá lội ngược khe, tìm về những trằm cây để sinh sản, gọi là mùa rải cá. Cá rải rất dễ bắt, con nào bụng cũng đầy trứng, lội chậm chạp. Cá cấn, cá mại, cá mương, cá diếc, cá gáy. Dân làng dàn hàng ngang, mỗi người cầm một cái nơm hoặc rập để bắt cá. Bà con nơm cá dễ dàng, cả phụ nữ cũng bắt được những con cá gáy vài ba ký. Rồi có những người dùng lưới bén đi rải quanh ruộng lúa, khe nước, khi đi lần gỡ bắt được vô số cá rô, cá thát lát, cá tràu, cá hẻn… mắc lưới.

Cất rớ - mưu sinh trong mùa lụt

Cơn lụt dữ dằn nhất trong năm phải là cơn lụt tháng mười. “Ông tha mà bà chẳng tha/ Vẫn còn cơn lụt hăm ba tháng mười” (Ca dao). Cứ mấy ngày mưa như trút liên tiếp rồi trời hưng hửng nắng thì thế nào cũng có lụt. Nước nguồn đổ về dữ dội. Dòng sông ngày thường trông bé nhỏ, hiền hòa mà bây giờ nước dâng lên tràn bờ mênh mông. Màn nước đục ngầu chảy băng băng cuốn trôi theo mọi thứ rác rều, tấp vào các bụi cây, vườn tược. Nước tràn vô xóm làng. Những nhà ở nơi đất trũng đã í ới gọi nhau chạy lụt. Lụt tháng mười, người dân cầu trời đã lụt thì đừng có bão. Vì lụt vô ngâm nước nhà cửa, cây cối lung lay sẵn, nếu bão ập đến thì đổ sập hết, thật là tai họa. Mỗi năm mấy trận lụt bão là mấy lần người lớn lo mất ăn mất ngủ. “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”, đêm như kéo dài ra. Những khi bão về đêm, cả nhà thức nghe tiếng cây ngã đổ trong vườn, tiếng tre nghiến vào nhau trèo trẹo, tiếng tàu chuối bị xé toang lẫn trong tiếng gió hú. Mấy anh em tôi còn nhỏ, nằm ôm chặt lấy nhau, bịt tai lại, quây chặt trong chăn mền. Cha mẹ nằm nghe tiếng gió hú, lại đoán nó đang đổi hướng nào, khi nào là “gió xóc làn”. Gió xóc làn rất ghê sợ, nó có thể xóc cả căn nhà quăng cái vèo như người ta xóc và quăng bó lúa vậy. Một đêm bão xong, sáng ra vườn tược xơ xác, mấy cây chuối không còn lá nào lành, khế rụng đầy gốc lẫn trong đám lá tre. Cha tôi và những người đàn ông khác băng vườn, vì đường sá bị cây ngã chắn lối chưa đi được, ghé nhà này nhà khác hỏi thăm. Những người đàn ông, trai tráng gọi nhau đi sửa lại những căn nhà đơn sơ bị đổ nghiêng hay lợp lại mái tranh, mái tôn ở những căn nhà trong xóm bị tốc mái.

Lụt, bão ở mảnh đất miền Trung là chuyện cơm bữa. Người dân miền Trung vẫn còn ấn tượng hãi hùng về những trận lụt lớn vào các năm Thìn: Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) với bao đau thương, tang tóc: “Em không về kịp nữa chị ơi!/ Mưa trắng cả một trời Quảng Trị” (thơ Tạ Nghi Lễ); “Từ ngày bão lụt năm Thìn/ Đến nay trôi nổi mới nhìn được em” (Ca dao). Ngay như tháng 10 năm 2020 (Canh Tý), cơn lụt lớn đã nhấn chìm bao làng quê trong biển nước. Ở làng tôi, chỉ các nhà cao tầng là còn có người trú ngụ, tất cả sơ tán ra mặt đường Xuyên Á che tạm lán sống qua ngày, chờ ngày nước rút. Bao đời nay vẫn thế, người dân quê tôi đã quen với chuyện lụt, bão và họ luôn có sự chuẩn bị chu đáo để đối phó. Trong khó khăn khắc nghiệt, con người phải vượt khó vươn lên. Ở Quảng Trị còn có một lời ca khác cũng thường được vút lên như một lời nhắc nhủ, can trường khi gặp gian nan khốn khó: “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” (Ca dao).

(1) Mống: Cầu vồng (tiếng địa phương).

(2) Rú: Núi nhỏ có cây rậm. Từ điển tiếng Việt 2002, Viện Ngọn ngữ học, NXB Đà Nẵng 2002, tr. 386.

Nhà văn Nguyễn Linh Giang - Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Một số loại bánh trung thu 'cháy hàng' (22/09/2023)

>   Biển số xe TP HCM "siêu đẹp" 51K-777.77 được đưa ra đấu giá sáng nay (22/09/2023)

>   TP.HCM dự kiến thu gần 800 tỷ đồng mỗi năm từ phí sử dụng hè phố (21/09/2023)

>   TP HCM: Phát hiện hơn 8.000 bánh trung thu có vấn đề (21/09/2023)

>   Vé máy bay Tết vừa mở bán, giá đã cao ngất ngưởng (21/09/2023)

>   Xác định nguyên nhân vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong (20/09/2023)

>   Chuyên gia nói gì về năng suất lao động của Việt Nam còn thấp? (19/09/2023)

>   UBND TP HCM chính thức trình HĐND về thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè (19/09/2023)

>   8 bí quyết trường thọ của chuyên gia tim mạch Nhật Bản (18/09/2023)

>   Tỷ phú Mark Cuban: Đừng tin những lời khuyên làm giàu trên mạng, nếu giàu họ đã không chia sẻ bí kíp (18/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật