Thứ Hai, 25/07/2005 07:36

"Sự cố" Ngân hàng Phương Nam: Không nhiều khách hàng rút tiền trước hạn

Đầu giờ sáng 22/7, khách hàng đến các phòng giao dịch của Ngân hàng cổ phần Phương Nam tại Hà Nội tăng vọt, sau khi tối hôm trước Đài Truyền hình Việt Nam phát bản tin về hoạt động cho vay không đúng đối tượng của đơn vị này. Tuy nhiên, nói chung tâm lý của khách hàng là bình tĩnh...

Đầu giờ sáng 22/7, khách hàng đến các phòng giao dịch của Ngân hàng cổ phần Phương Nam tại Hà Nội tăng vọt, sau khi tối hôm trước Đài Truyền hình Việt Nam phát bản tin về hoạt động cho vay không đúng đối tượng của đơn vị này. Tuy nhiên, nói chung tâm lý của khách hàng là bình tĩnh.

 

Rút tiền ít, nghe ngóng là chính

 

Sát cửa ra vào phòng giao dịch 115 Trần Hưng Đạo có kê thêm một chiếc bàn. Tại đây, đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có mặt để giải đáp các thắc mắc của khách hàng. Ngay cả hai nhân viên bảo vệ của chi nhánh ngân hàng là anh Nguyễn Minh Nhật và anh Nguyễn Xuân Hưu cũng tích cực tham gia vào việc giải thích cho khách hàng.

 

Theo ghi nhận của phóng viên báo Thanh Niên tại các địa điểm giao dịch của Ngân hàng cổ phần Phương Nam trên địa bàn Hà Nội, số lượng khách hàng đến vào sáng 22/7 tăng mạnh nhưng phần đông đến hỏi han, thăm dò và ngồi chờ đợi các tin tức. Một số khách hàng đến rút tiền tỏ ra bực mình vì khi rút tiền ra kèm mức lãi rất ít vì đã rút trước hạn. Và trong số khách hàng đến chờ rút tiền, nhiều người sau khi nghe giải thích và nhẩm tính việc rút tiền sẽ bị thiệt hại đã quyết định không rút nữa.

 

Sáng 22/7, bác Ngô Đình Đông (Bạch Mai) đến chi nhánh của Ngân hàng cổ phần Phương Nam tại 115 Trần Hưng Đạo cùng với sổ tiết kiệm nhưng không rút tiền mà ngồi chơi nói chuyện phiếm với các phóng viên tại đây. Bác cho biết: "Tôi có xem truyền hình tối qua và thấy không an tâm nên đến đây xem sao. Tôi cũng phải hỏi han xem tình hình như thế nào để còn quyết định có rút tiền hay không". Sau khi ngồi nói chuyện với các phóng viên, bác Đông qua nói chuyện với các nhân viên ngân hàng. Cuối cùng, bác Đông quyết định không rút tiền.

 

Chị Phạm Hoài Thu (công tác tại Công ty Teteco, Hà Nội) cũng đến phòng giao dịch tại 115 Trần Hưng Đạo nhưng để... nộp tiền vào tài khoản. Trao đổi với chúng tôi, chị Thu nói: "Chị xem thông báo thì thấy có vấn đề gì đâu. Chắc là ở bên ngoài lại có tin đồn nhảm nhí gì đó nên bà con hoang mang thôi". Chị Thu nhận xét: "Kinh nghiệm của vụ Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) đã quá rõ rồi còn gì. Chỉ có những người thiếu thông tin mới đi rút tiền mà thôi. Ai rút tiền khi chưa đến hạn thì chỉ tổ thiệt thân mà thôi". Một số nhân viên của các công ty khác cũng đến phòng giao dịch này nộp tiền chỉ cười khi thấy những khách hàng khác xôn xao về việc rút tiền.

 

Chiều 22/7, khách hàng đến các địa điểm giao dịch của Ngân hàng cổ phần Phương Nam tại Hà Nội đã giảm so với sáng nhưng vẫn đông hơn nhiều so với thường lệ. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng đến chỉ để hỏi han tin tức trước sự đồn đại, việc rút tiền đã giảm hẳn.

 

Đâu là nguyên nhân "sự cố"

 

Phòng giao dịch số I chi nhánh Ngân hàng cổ phần Phương Nam có cho vay đối với cán bộ công nhân viên tại hơn 30 đơn vị tại khu vực Sóc Sơn (Hà Nội) với số tiền vay tối đa 15 triệu đồng/người. Trong số hơn 30 đơn vị này, Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược và Trường Tiểu học Xuân Giang là hai đơn vị có nhiều người bị tố cáo là vay không đúng đối tượng với tổng số tiền vào khoảng 1 tỉ đồng. Bà Trần Hải Anh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam cho biết: "Trường Tiểu học Xuân Giang có 43 giáo viên vay tiền và có đầy đủ giấy tờ, hiệu trưởng của Trường Xuân Giang có giấy cam kết danh sách này là xác thực. Các khoản vay của 43 giáo viên trường này vẫn trả gốc và lãi đúng hạn, tổng gốc vay là 705 triệu đồng nhưng đã trả gốc, lãi hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, việc số tiền vay có đến tay 43 giáo viên này hay đến tay một người vay "ké" thì cần xác minh. Khi chúng tôi đến trường này kiểm tra, xác minh thì chưa thấy có khiếu nại về việc giáo viên không nhận được tiền mà vẫn có tên trong danh sách".

 

Riêng đối với trường hợp tại Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược, bà Trần Hải Anh nói: "Chúng tôi xác minh có trường hợp người có tên trong danh sách vay nhưng lại không nhận được tiền vay và họ có đơn kiện. Tuy nhiên, các khoản vay này vẫn được trả gốc, lãi đúng hạn. Hiện chúng tôi đang tiếp tục điều tra làm rõ sự việc. Đối với các trường hợp vay "ké", chúng tôi sẽ cử cán bộ đi thu hồi nợ trước hạn để tránh các rủi ro có thể xảy ra".


Ông Phan Công Khoa, Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Phương
Nam tại Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã cử người đi điều tra và xác định việc cho vay không đúng đối tượng là có. Hiện nay việc điều tra đang được tiến hành để làm rõ nguyên nhân sai phạm và quy trách nhiệm cá nhân". Ông Khoa cũng cho biết: "Trong tổng số tiền cho vay hiện đang được điều tra, không phải khoản vay nào cũng bị sai đối tượng. Trường hợp xấu nhất xảy ra thì tổng thiệt hại của ngân hàng là 500 triệu đồng".

 

Bà Trần Hải Anh - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam cho biết: "Quỹ dự phòng dùng để bù đắp rủi ro tín dụng của ngân hàng chúng tôi hiện nay là 30 tỉ đồng. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi cũng đủ khả năng để bù đắp rủi ro và không ảnh hưởng đến bất kỳ quyền lợi nào của khách hàng". Bà Hải Anh cũng đưa ra lời khuyên: "Các khách hàng không nên rút tiền trước hạn vì những thông tin, dư luận không chính xác để đảm bảo quyền lợi của mình". Sáng 22/7, Ngân hàng Phương Nam đã rút 53 tỉ đồng từ tài khoản của ngân hàng này tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội để đề phòng người dân đến rút tiền trước hạn với số lượng lớn. Tuy nhiên, đến cuối ngày 22/7, số tiền này chưa được sử dụng hết và dự kiến sẽ được gửi lại.

TN

Các tin tức khác

>   TPHCM: Hơn 19.600 tỷ đồng cho đầu tư phát triển (24/07/2005)

>   Vay tiền mua nhà giảm, xây nhà sửa nhà tăng (23/07/2005)

>   Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ: Hàng xuất khẩu VN có thêm lợi thế (23/07/2005)

>   Đồng Nhân dân tệ thả nổi có đến VN? (23/07/2005)

>   Giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,4% (22/07/2005)

>   Rút tiền ồ ạt tại Ngân hàng Phương Nam (22/07/2005)

>   Dùng thuế thu nhập cá nhân để chống tham nhũng (22/07/2005)

>   Xài tiền cũng phải biết cách (22/07/2005)

>   BankNetvn lỡ hẹn (22/07/2005)

>   Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất (22/07/2005)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật