Thứ Hai, 31/03/2025 18:26

Doanh thu mảng ô tô của Huawei tăng gần gấp 6 lần bất chấp sự kìm hãm từ Mỹ

Dù doanh thu của Huawei tăng vọt, nhưng lợi nhuận ròng của Huawei giảm 28% vì các khoản đầu tư “hướng tới tương lai”.

Trong ngày 31/03, Huawei Technologies cho biết doanh thu từ mảng kinh doanh ô tô của họ đã tăng gần gấp 6 lần trong năm 2024, trong khi mảng kinh doanh tiêu dùng, bao gồm điện thoại thông minh, cũng tăng hơn 38% bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng chặt chẽ của Mỹ nhằm kiềm chế sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

Huawei ghi nhận doanh thu đạt 862.1 tỷ Nhân dân tệ (118.16 tỷ USD) trong năm 2024, tăng hơn 22% so với năm trước, nhưng lợi nhuận ròng giảm xuống còn 62.6 tỷ Nhân dân tệ, giảm 28% so với năm 2023. Doanh thu của công ty hiện đã phục hồi về mức tương đương năm 2019, thời điểm Huawei lần đầu tiên bị đưa vào Danh sách Thực thể của Mỹ và bị hạn chế nhập khẩu các linh kiện quan trọng từ Mỹ.

Doanh thu từ tất cả các nhóm kinh doanh của Huawei đều tăng trưởng trong năm 2024, trong đó mảng giải pháp ô tô thông minh đạt mức tăng mạnh nhất với 26.4 tỷ Nhân dân tệ, tăng hơn 474 % so với cùng kỳ. Dù khẳng định sẽ không tự sản xuất xe mang thương hiệu Huawei, công ty cho biết sẽ tiếp tục cung cấp các giải pháp tích hợp bao gồm điều khiển thông minh, khả năng tự lái và các tính năng buồng lái thông minh thông qua hợp tác với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc như BYD, GAC Group và Dongfeng Motor.

Huawei cho biết họ đã xuất xưởng hơn 23 triệu bộ linh kiện ô tô thông minh trong năm 2024, gần gấp 7 lần so với năm 2023 và đã hỗ trợ các đối tác sản xuất ô tô tạo ra tổng cộng 15 mẫu xe khác nhau.

Doanh thu từ mảng điện tử tiêu dùng - bao gồm điện thoại thông minh, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ - đã tăng lên 339 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2024. Huawei gần đây cho ra mắt điện thoại thông minh gập ba cao cấp ở nước ngoài, tại Malaysia, dù phần lớn doanh số bán điện thoại vẫn đến từ thị trường Trung Quốc. Các nhà phân tích không kỳ vọng lượng điện thoại xuất khẩu sẽ tăng mạnh vào năm 2025 do việc tiếp cận đủ bộ vi xử lý di động vẫn là một thách thức.

Bà Mạnh Vãn Chu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, mô tả kết quả kinh doanh năm 2024 là phù hợp với kỳ vọng. Bà cho biết công ty sẽ tiếp tục củng cố các hệ sinh thái nền tảng của mình bao gồm hệ điều hành Harmony (Harmony OS) và các nền tảng Kunpeng, Ascend và điện toán đám mây (cloud computing). Trong đó, Harmony OS là câu trả lời của Huawei để thay thế Google Android. Kunpeng là dòng sản phẩm nhằm mục đích thay thế các sản phẩm của Intel và AMD, trong khi Ascend là một nền tảng điện toán AI tăng tốc được định vị là giải pháp “made in China” thay thế cho các sản phẩm của Nvidia.

Mảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của Huawei, bao gồm mảng kinh doanh thiết bị viễn thông chủ lực, đã tăng trưởng 4.9% trong năm ngoái. Huawei Cloud ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 8.5%, trong khi mảng năng lượng kỹ thuật số bao gồm các giải pháp liên quan đến công nghệ năng lượng mặt trời đã tăng hơn 24%. Huawei vẫn giữ vị trí dẫn đầu thị trường toàn cầu về cơ sở hạ tầng viễn thông, theo sau là Ericsson, Nokia và Samsung.

Huawei không cung cấp chi tiết liên quan tới hoạt động phát triển linh kiện bán dẫn hoặc quản lý chuỗi cung ứng nhưng cho biết việc thúc đẩy các tiêu chuẩn “chất lượng cao” - đặc biệt trong chuỗi cung ứng - sẽ tiếp tục là trọng tâm chính vào năm 2025. Theo một phân tích của Nikkei Asia, Huawei vẫn đang thúc đẩy các nhà cung cấp công nghệ, chip bán dẫn và thiết bị điện tử tại Trung Quốc hướng tới những giải pháp cạnh tranh hơn. Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn SiCarrier là ví dụ mới nhất.

Người phát ngôn của Huawei cho rằng lợi nhuận ròng năm 2024 giảm là do các khoản đầu tư “hướng tới tương lai”. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei đạt mức kỷ lục 179.7 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2024, tương đương 20.8% tổng doanh thu. Công ty cho biết sẽ tiếp tục dành hơn 20% doanh thu cho R&D vào năm 2025.

Trong khi đó, Mỹ đã ban hành nhiều vòng kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ nước ngoài của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, Huawei đã sử dụng các công ty bình phong để mua một lượng lớn chip AI từ Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và tích trữ lượng lớn bộ nhớ băng thông cao (HBM) - vốn là linh kiện rất quan trọng đối với tính toán AI.

Quốc An (Theo Nikkei Asia)

FILI - 17:24:59 31/03/2025

Các tin tức khác

>   Thương vụ “sai lầm” của Warren Buffett đang hồi sinh ngoạn mục? (31/03/2025)

>   Chứng khoán toàn cầu lao dốc, Nikkei 225 sụt hơn 1,400 điểm (31/03/2025)

>   Nước cờ táo bạo từ Elon Musk: xAI thâu tóm X (29/03/2025)

>   Phố Wall bị bán tháo, Dow Jones mất hơn 700 điểm do lo ngại về lạm phát (29/03/2025)

>   Chủ ChatGPT tham vọng tăng doanh thu gấp 3 lên 12.7 tỷ USD, SoftBank chuẩn bị rót 40 tỷ USD (28/03/2025)

>   Phố Wall giảm 2 phiên liên tiếp trước thuế quan mới của Mỹ (28/03/2025)

>   Phố Wall nhuốm sắc đỏ do nỗi lo về thuế quan (27/03/2025)

>   S&P 500 tăng 3 phiên liên tiếp (26/03/2025)

>   Dow Jones vọt gần 600 điểm nhờ hy vọng về lập trường thuế quan mềm mỏng hơn (25/03/2025)

>   “Kỳ lân” Indonesia gục ngã trong cuộc chiến thương mại điện tử với Shopee và TikTok (24/03/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật