Góc nhìn về chính sách sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc mở cửa thị trường bất động sản cho người nước ngoài, được xem là một trong những chiến lược quan trọng nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính sách pháp luật liên quan sở hữu nhà ở cho người nước ngoài đã có nhiều thay đổi tích cực trong thời gian qua, phản ánh sự linh hoạt và thích ứng trước những biến động của thị trường bất động sản.
Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Theo khoản 1 Điều 17 Luật Nhà ở năm 2023, các đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam, theo quy định của Luật Nhà ở và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Điều này tạo ra một tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Hơn nữa, người nước ngoài có cơ hội trải nghiệm và hòa nhập vào văn hóa Việt Nam, khi họ có thể cư trú lâu dài trong những căn hộ hoặc nhà ở mà họ sở hữu. Như vậy, không chỉ tăng tính hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam, mà còn góp phần vào việc xây dựng cộng đồng đa dạng, thúc đẩy giao lưu văn hóa và tạo ra môi trường sống phong phú cho người nước ngoài.
Điều kiện để người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Để sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 18 Luật Nhà ở năm 2023 cần đáp ứng các điều kiện sau:
Đối với tổ chức nước ngoài: Phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động hoặc thành lập tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Đối với cá nhân nước ngoài: Phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.
Đối với chung cư, nhà ở riêng lẻ, căn cứ khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở 2023, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ nhưng phải nằm trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quy định về việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người nước ngoài, thể hiện sự cởi mở ngày càng cao của thị trường bất động sản Việt Nam. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài mà còn góp phần nâng cao giá trị bất động sản và phát triển kinh tế địa phương. Mặt khác, những điều kiện này cũng có thể tạo rào cản nhất định đối với những người nước ngoài có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt là trong trường hợp họ không có kế hoạch đầu tư lâu dài hoặc chưa từng đặt chân đến Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xác định các khu vực không thuộc diện bảo đảm an ninh, quốc phòng để cho phép người nước ngoài sở hữu nhà cũng cần được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo tính an toàn và ổn định trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Giới hạn số lượng nhà ở người nước ngoài được sở hữu
Quy định giới hạn số lượng nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam có tác động đáng kể đến thị trường bất động sản cũng như người nước ngoài trong việc đầu tư và định cư tại đây. Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 20 Luật Nhà ở 2023, thì người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà. Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ nêu trên.
Điều này nhằm bảo vệ lợi ích của người dân trong nước, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ và giá bất động sản tăng cao do sự gia nhập ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quy định này cũng tạo ra những rào cản nhất định đối với các nhà đầu tư quốc tế, sẽ hạn chế cơ hội cho những người mua có tiềm lực tài chính mạnh từ nước ngoài trong việc sở hữu bất động sản tại các khu đô thị phát triển. Từ đó, có thể thấy quy định này vừa thiết lập sự cân bằng giữa việc đảm bảo quyền lợi cho người dân trong nước, vừa tạo ra thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Thời hạn sở hữu nhà ở
Theo điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Nhà ở 2023, thì đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong giao dịch mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.
Sau khi thỏa thuận điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người nước ngoài lựa chọn nhà ở phù hợp, ký kết hợp đồng với chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu nhà ở và tiến hành các thủ tục đăng ký quyền sở hữu theo quy định pháp luật.
Việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi và tránh các rủi ro pháp lý, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cần nắm rõ các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là những hạn chế và lưu ý đã nêu trên. Việc tìm hiểu kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy định sẽ giúp quá trình sở hữu nhà ở tại Việt Nam diễn ra thuận lợi và an toàn.
ThS.LS. Huỳnh Thị Mỹ Hằng (Công ty Luật Anh Sĩ)
FILI - 10:00:00 06/02/2025
|