Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phải bảo đảm cao nhất tính khả thi
Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đưa ra khi nhấn mạnh cần khẩn trương xây dựng danh mục công trình điện khẩn cấp, tránh nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2026-2030.
Chiều 23/02, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Ảnh: VGP
|
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phải bảo đảm cao nhất tính khả thi, trong đó tập trung giải quyết tình huống thiếu nguồn điện từ nay đến năm 2030, đặc biệt là giai đoạn 2026-2028.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được thực hiện trong bối cảnh đất nước đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn, đạt 8% năm 2025 và duy trì mức hai con số giai đoạn 2026-2030; dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được tái khởi động; tình hình địa chính trị quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến giá điện; công nghệ lưu trữ năng lượng phát triển nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII hiện nay còn một số bất cập như thiếu cân bằng vùng miền, chưa có giải pháp rõ ràng cho truyền tải liên vùng, liên quốc gia, và tính khả thi của một số nguồn điện chưa được bảo đảm. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị, hoàn thiện hồ sơ Đề án theo đúng quy định của Luật Điện lực, Luật Quy hoạch, trình Thường trực Chính phủ trong tuần tới.
Nhấn mạnh tầm nhìn dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Đề án điều chỉnh phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, phát huy tối đa lợi thế địa phương, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việc phát triển nguồn điện cần song hành với bảo vệ tài nguyên, môi trường, chuyển đổi mô hình kinh tế, liên kết lưới điện với các nước láng giềng và thực hiện mục tiêu net-zero vào năm 2050.
Để bảo đảm tính khả thi, Bộ Công Thương và Viện Năng lượng phải xác định rõ cơ sở tính toán điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, khẩn trương xây dựng danh mục công trình điện lực khẩn cấp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, cần ưu tiên phát triển các nguồn điện có thời gian xây dựng nhanh, đẩy mạnh nhập khẩu điện linh hoạt nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng - nơi nhu cầu điện tăng trên 11%.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách liên quan đến các dự án điện lực để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai Quy hoạch. Đồng thời, các địa phương cần chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, đảm bảo tiến độ triển khai các công trình điện đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đặc biệt là các công trình điện khẩn cấp.
Về nguồn vốn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhu cầu đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2026-2030 lên tới 27 tỷ USD mỗi năm, đòi hỏi các giải pháp đột phá trong huy động vốn. Bộ Công Thương cần thành lập ngay Tổ công tác để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp triển khai hiệu quả Quy hoạch điều chỉnh, bởi thời gian đến năm 2030 không còn nhiều.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ định hướng phát triển điện gió ngoài khơi, tối ưu hóa hạ tầng dùng chung cho cụm điện LNG, rà soát các dự án điện than chậm tiến độ, nghiên cứu công nghệ mới cho đường truyền tải điện. Đồng thời, các tập đoàn chủ lực như EVN, TKV, PVN phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, nỗ lực cao nhất để bảo đảm đúng tiến độ các dự án điện quan trọng.
"Các tập đoàn phải nỗ lực cao nhất, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ các công trình, dự án được giao", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tùng Phong
FILI - 05:28:00 24/02/2025
|