ĐBQH đề xuất cần miễn trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có chính sách giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu khoa học, coi đây là "lối thoát, lối mở" để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.
Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội
|
Đề xuất 'lối thoát, lối mở' để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu
Đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất vào trong Nghị quyết quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội khẳng định: Việc làm này sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt và tạo niềm tin, yên tâm hơn trong công tác nghiên cứu đối với nhiều nhà khoa học.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường còn băn khoăn với quy định tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết đề cập việc không quy trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro nếu như kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định. Theo đó, Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cần giải thích rõ, đúng quy trình, quy định là như thế nào?
Để quy định chặt chẽ hơn, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Điều 6 phải sửa lại là “khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu mà đề tài đã đăng ký nhưng không đạt đến kết quả thì không phải hoàn trả lại kinh phí”.
Bên cạnh cơ chế miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học công nghệ, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị có thêm quy định miễn trách nhiệm hình sự.
Nhìn nhận những quy định trong dự thảo nghị quyết không chỉ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà còn thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ phát triển, song đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu chỉ có cơ chế miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học sẽ không bao quát hết tình hình thực tế.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
|
Với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài khoa học và phát triển công nghệ, nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình và đảm bảo tính khách quan, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị nếu gây thiệt hại cho cả Nhà nước và cho cả các tổ chức, cá nhân khác, cũng cần miễn trách nhiệm dân sự. Ngoài miễn trách nhiệm dân sự cũng cần nghiên cứu miễn cả trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Bởi nếu không thì người làm khoa học hết sức rủi ro trong nghiên cứu. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, có thể nghiên cứu nội dung trên để đưa vào thực hiện thí điểm Nghị quyết, làm nền tảng trong việc thực hiện ở các luật tiếp theo.
Cho ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn vẫn giữ nguyên quan điểm là không quy trách nhiệm dân sự và được miễn trừ rủi ro nếu như kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định của pháp luật. Đồng thời bổ sung là việc miễn trừ trách nhiệm dân sự phải kèm theo áp dụng đầy đủ các biện pháp áp dụng thử nghiệm, phòng ngừa rủi ro trong quá trình nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng, việc xem xét miễn trách nhiệm dân sự chỉ là với các đề tài nghiên cứu khoa học gây ra thiệt hại cho Nhà nước. Còn gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác thì vẫn phải thực hiện việc bồi thường theo quy định của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như trong Bộ luật Dân sự đã quy định.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH còn tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; ưu đãi thuế cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ bằng nguồn ngân sách Nhà nước...
Bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu khoa học và công nghệ
Tại Phiên họp, các ĐBQH cũng đồng thuận với sự cần thiết với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đóng góp ý kiến vào việc bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước, đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu quan điểm: Cần bổ sung các chính sách, trong đó tập trung vào việc có chính sách để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, đây là vấn đề rất quan trọng. Chẳng hạn như đối với ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, lịch sử phát triển của ngành này cho thấy, nếu không có các chương trình của Nhà nước trong việc tiêu thụ, sử dụng chip bán dẫn vào thập kỷ 1950, 1960 thì các doanh nghiệp sản xuất chip vào thời điểm đó sẽ không có đủ nguồn lực và động lực để tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển chip bán dẫn tiên tiến như ngày nay. Việc bảo đảm sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các chương trình của Nhà nước còn thể hiện sự niềm tin vào năng lực của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ đã có một số quy định đề cập đến chính sách này nhưng vẫn chưa cụ thể và theo nhiều nghiên cứu cho thấy chưa có tính khả thi trên thực tế. Vì vậy, cần nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
|
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, đối với sản phẩm, dịch vụ được đặt hàng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, sau khi nghiên cứu thành công và được nghiệm thu, đơn vị đặt hàng có thể trực tiếp ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với đơn vị nghiên cứu mà không phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh: Các Bộ, ngành, địa phương phải dành tối thiểu 20% ngân sách để đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong nước. Hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương phải ban hành danh mục đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ để các tổ chức, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả các cá nhân có thể đăng ký tham gia và được hỗ trợ đầu ra sau khi nghiên cứu thành công sản phẩm.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH đều đồng thuận với việc kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Các ĐBQH cũng tham gia nhiều ý kiến về chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như các quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công lập, quản lý kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm và nhiều năm; khoán chi sản phẩm, quản lý và sử dụng các quỹ và nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ cả từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn lực từ doanh nghiệp và ngoài xã hội... Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện Nghị quyết và đã được ghi chép đầy đủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại Hội trường và các ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu, giải trình đầy đủ, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định và thông qua tại Kỳ họp này.
Nhật Quang
FILI - 13:55:00 17/02/2025
|