Thứ Sáu, 21/02/2025 09:02

Bức tranh phân hóa của ngành điện năm 2024

Quý 4/2024, sắc xanh phủ lên nhóm các doanh nghiệp thủy điện nhờ hưởng lợi từ La Lina còn nhóm nhiệt điện gặp khó. Dù vậy, với việc El Nino diễn biến đến hết quý 2, bức tranh chung cả năm của nhóm thủy điện vẫn chưa thể khởi sắc. Trong khi đó, nhóm nhiệt điện vẫn không có nhiều biến chuyển vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thống kê từ VietstockFinance, trong số 43 doanh nghiệp ngành điện công bố BCTC quý 4, có 26 cái tên đạt lợi nhuận tăng trưởng (1 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi), 13 cái tên đi lùi, và 4 đơn vị thua lỗ.

Nhiệt điện ảm đạm

Kết quả kinh doanh quý 4/2024 của các doanh nghiệp nhiệt điện
Kết quả 2024 của các doanh nghiệp nhiệt điện

Phần lớn các doanh nghiệp nhiệt điện đón nhận kết quả tiêu cực trong quý 4. Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) dẫn đầu mức giảm khi chỉ đạt lợi nhuận ròng 64 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 73% dù doanh thu bật mạnh (49%). Lý do vì mức giá vốn trong kỳ quá cao (hơn 76%), khi giá khí tự nhiên tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tương tự là PV Power (HOSE: POW), ghi nhận lợi nhuận giảm 44%, còn 186 tỷ đồng. Thực tế, POW suýt lỗ khi chịu khoản chi phí tài chính 310 tỷ đồng (tăng 29%) vì lỗ tỷ giá. Tuy nhiên, khoản thu bồi thường bảo hiểm tới hơn 1 ngàn tỷ đồng đã đẩy lợi nhuận khác tăng lên 414 tỷ đồng, gấp 18 lần cùng kỳ, qua đó giúp Doanh nghiệp ngược dòng trong kỳ.

Kết quả kinh doanh của POW

Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) và Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) cùng báo lỗ nhưng giảm đáng kể so với năm trước. Cụ thể, HND chỉ lỗ nhẹ hơn 200 triệu đồng (cùng kỳ lỗ 115 tỷ), trong khi NBP lỗ 2.8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 5.9 tỷ). Doanh thu cả hai đều lùi khá mạnh do sản lượng điện huy động thấp, nhưng nhờ hạ giá vốn mà lỗ nhẹ hơn cùng kỳ.

Nặng nề nhất là EVNGENCO3 (HOSE: PGV) với khoản lỗ ròng 442 tỷ đồng (cùng kỳ lời 82 tỷ đồng). Thực tế, PGV lãi gộp gần 1 ngàn tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, nhưng chi phí tài chính 1.3 ngàn tỷ đồng do lỗ tỷ giá đã khiến toàn bộ thành quả “bốc hơi”.

Chỉ PPC (Nhiệt điện Phả Lại) và BTP (Nhiệt điện Bà Rịa) có lợi nhuận tăng trưởng, lần lượt đạt 178 tỷ đồng (+19%) và 23 tỷ đồng (+25%). Tuy vậy, nguyên nhân chính đến từ các khoản tạm ứng cổ tức tại các đơn vị tham gia góp vốn. Thực tế, BTP báo lỗ ở mảng sản xuất điện dù vẫn có lãi gộp (cùng kỳ lỗ gộp hơn 3 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh của PPC

Lũy kế 2024, bức tranh đa phần vẫn tiêu cực nhưng vị thế có chút thay đổi. POWQTP có bức tranh trái ngược quý 4 với lãi ròng tăng trưởng, trong đó POW tăng mạnh nhất với 21%, đạt hơn 1.25 ngàn tỷ đồng, còn QTP tăng 6%, đạt 650 tỷ đồng. Lãi ròng PPC cũng tăng 12%, đạt 424 tỷ đồng.

Ngược lại, NT2BTP giảm lãi mạnh, lần lượt còn 72 tỷ đồng (-85%) và 35 tỷ đồng (-51%). HND đi lùi nhẹ, mức giảm chỉ 4%. Trong khi đó, NBPPGV cùng thua lỗ, trong đó PGV lỗ nặng hơn 900 tỷ đồng vì tỷ giá.

Thủy điện: Sắc xanh quý 4 không đảo chiều được kết quả lũy kế

Các chỉ tiêu kinh doanh của nhóm thủy điện trong quý 4/2024

Với lợi thế từ hiện tượng La Lina giúp thời tiết thuận lợi, nước về hồ nhiều, nhóm thủy điện đa phần đạt kết quả tốt trong quý 4.

DNH (Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi) dẫn đầu mức tăng với 401 tỷ đồng lãi ròng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu tăng vọt 44%. Doanh nghiệp cho biết, tình hình thủy văn thuận lợi giúp tăng sản lượng điện, kéo doanh thu và lợi nhuận đi lên.

Kết quả kinh doanh của DNH

Tương tự, AVC (Thủy điện A Vương) lãi gần gấp đôi cùng kỳ, đạt 131 tỷ đồng nhờ lưu lượng nước về tốt. XMP (Thủy điện Xuân Minh), SP2 (Thủy điện Sử Pán 2)… tăng lãi mạnh với  cùng lý do.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào tăng lãi cũng nhờ nước. SHP (Thủy điện miền Nam) lãi 130 tỷ đồng trong quý 4, tăng 62%, nhưng thực tế doanh thu giảm sút vì lưu lượng nước về thấp hơn. Lý do tăng lãi là nhờ giảm lãi vay, hết khấu hao máy móc thiết bị, và giảm chi phí thuế tài nguyên nước, môi trường.

Ông lớn thủy điện VSH (Vĩnh Sơn – Sông Hinh) cũng chứng kiến lưu lượng nước về hồ giảm. Bù lại, giá bán điện bình quân của các nhà máy lại cao hơn 4%; Đồng thời, chi phí sản xuất đi lùi vì thuế, phí và chi phí sản xuất giảm, qua đó giúp Doanh nghiệp tăng lãi 31%, đạt 301 tỷ đồng.

Nắm trong tay nhiều đơn vị thủy điện, REE có quý tăng tăng trưởng tốt với 679 tỷ đồng lợi nhuận ròng, hơn cùng kỳ 35%. Dù vậy, đóng góp phần lớn cho mức tăng này là mảng cơ điện lạnh phục hồi, ghi nhận tăng doanh thu 21%.

Tình hình kinh doanh của REE

Bên cạnh đó, một số đơn vị báo lãi đi lùi do nước về thấp. Như SBH (Thủy điện Sông Ba Hạ) giảm 26%, lãi ròng còn 156 tỷ đồng; BHA (Thủy điện Bắc Hà) giảm 36%, còn 19 tỷ đồng; hay S4A chia tới hơn 2 lần lợi nhuận, còn 27 tỷ đồng.

Xét kết quả lũy kế, sắc xanh bao phủ trong quý 3 và quý 4 không thể tô hồng bức tranh cả năm của nhiều doanh nghiệp thủy điện. Ông lớn VSH kết năm 2024 với lợi nhuận 448 tỷ đồng, rơi 55% so với năm trước. SBH giảm 44%, đạt 272 tỷ đồng. Hay AVC cũng giảm 13%, lãi ròng 302 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, một số cái tên vẫn rực sáng, như XMP lãi gấp 4 lần trên mức nền thấp, lãi ròng 18 tỷ đồng; BHA tăng trưởng 51%, đạt 163 tỷ đồng; hay HNA tăng 11%, ghi nhận 263 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 2024 của các doanh nghiệp thủy điện

Điện tái tạo: Mỗi nhà mỗi cảnh

Quý 4 là kỳ kinh doanh tương đối bình lặng của nhóm điện tái tạo, với bức tranh trái chiều của các doanh nghiệp.

TTA tăng lợi nhuận lên 37 tỷ đồng, gấp 2.5 lần cùng kỳ, nhưng lưu ý danh mục của Doanh nghiệp có tới 2 nhà máy thủy điện. Lũy kế năm 2024, Doanh nghiệp lãi ròng 229 tỷ đồng, gấp 2.3 lần năm trước.

PC1 cũng tăng lãi 86%, lên 61 tỷ đồng, nhưng Doanh nghiệp đầu tư cả thủy điện và điện gió,  lý do tăng lãi đến từ thủy điện. Ngoài ra, mức tăng một phần còn do PC1 điều chỉnh hồi tố số liệu so sánh tại quý 4/2023, liên quan đến các khoản thuế VAT, thuế môi trường tại các công ty con. Lũy kế 12 tháng, Doanh nghiệp đạt kỷ lục doanh thu hơn 10 ngàn tỷ đồng, và lãi ròng 460 tỷ đồng – gấp 13 lần cùng kỳ.

Trong khi đó, GEG chứng kiến lợi nhuận giảm 39%, còn 31 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, doanh thu từ Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 Mw) đi vào vận hành từ giữa năm 2023 đang ghi nhận theo giá bán điện tạm thời của Bộ Công Thương (bằng 50% giá trần của khung giá phát điện Nhà máy điện gió trên biển). Ngoài ra, việc không còn ghi nhận khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng cổ phần như cùng kỳ đã dẫn đến lợi nhuận rơi mạnh.

HDG (Tập đoàn Hà Đô) là trường hợp khá đặc biệt. Doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng giảm mạnh 47%, còn 153 tỷ đồng. Gánh phần lớn doanh thu trong kỳ là mảng điện, ghi nhận tăng trưởng lãi gộp 10%, lên gần 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc doanh thu bất động sản đi xuống, và gánh thêm trích lập dự phòng phải thu tiền điện từ EVN của dự án HP4 khiến lợi nhuận quý 4 giảm.

BCG Energy (BGE) – tân binh mới chào sàn UPCoM từ giữa tháng 7/2024 thậm chí lỗ ròng 57 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 43 tỷ vào cùng kỳ, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá ở các khoản vay ngoại tệ. Dù vậy, 2024 vẫn là năm thành công của BGE khi lãi ròng tới 357 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 36 tỷ đồng).

Châu An

FILI - 08:00:00 21/02/2025

Các tin tức khác

>   TAR: Báo cáo tài chính quý 4/2024 (20/02/2025)

>   TAR: Báo cáo tài chính quý 4/2024 (công ty mẹ) (20/02/2025)

>   NAS: Báo cáo tài chính năm 2024 (20/02/2025)

>   NAS: Báo cáo tài chính năm 2024 (Công ty mẹ) (20/02/2025)

>   DC1: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (20/02/2025)

>   BLN: Nghị quyết hội đồng quản trị (20/02/2025)

>   DFC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (20/02/2025)

>   FHS: Báo cáo quản trị công ty năm 2024 (Bổ sung bảng công bố bằng tiếng anh) (20/02/2025)

>   DPH: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (20/02/2025)

>   MTX: Báo cáo quản trị công ty năm 2024 (20/02/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật