Trung tâm tài chính của Việt Nam sẽ được xây dựng như thế nào?
Trung tâm tài chính mới nổi như Việt Nam có cơ hội vàng đón nguồn lực tài chính dịch chuyển, đồng thời đóng góp cho sự phát triển chung của thị trường tài chính toàn cầu.
Tại Đề án xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế ở Việt Nam vừa được Bộ KH&ĐT công bố. Bộ này kiến nghị xây dựng 2 TTTC ở TP.HCM và Đà Nẵng.
Trung tâm tài chính sẽ được xây dựng ở đâu?
Trong đó, xây dựng và phát triển TTTC quốc tế toàn diện tại TP.HCM, TTTC khu vực ở Đà Nẵng, bước đầu phát triển một số dịch vụ tài chính quốc tế, trọng điểm gắn với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) gắn với đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, đề án đề xuất xây dựng TTTC tại TP.HCM ở khu vực quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại Đà Nẵng, TTTC được đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần ở khu lõi trên đường Võ Văn Kiệt và khu vực giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt với diện tích hơn 6 ha.
Có thể mở rộng thành khu phố tài chính nằm tại khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62 ha, đồng thời phát triển Trung tâm công nghệ tài chính ở Khu Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7 ha.
Tại Đề án xây dựng Trung tâm tài chính của Bộ KH&ĐT mới công bố, Bộ này đề xuất xây dựng và phát triển TTTC quốc tế toàn diện tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
|
Phát triển theo mô hình kết hợp với 2 giai đoạn
Theo đề án, trên thế giới có 3 mô hình phát triển Trung tâm tài chính: Mô hình cải cách và hiện đại hóa, mô hình độc lập và chuyên biệt, mô hình kết hợp.
Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình và thực tiễn, Bộ KH&ĐT đề xuất phát triển TTTC theo mô hình kết hợp. Nhưng có chọn lọc ưu điểm của các mô hình trên thế giới và phù hợp với đặc điểm, bối cảnh của Việt Nam.
Và có giới hạn khu vực địa lý để xây dựng TTTC với các cơ chế chính sách vượt trội, phù hợp thông lệ quốc tế nhưng từng bước, có kiểm soát theo lộ trình 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1, lựa chọn một số chính sách đặc thù phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam để áp dụng ngay hoặc có lộ trình rõ ràng, cụ thể, công khai. Bao gồm các đặc thù về cơ quan quản lý; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh; cho phép sử dụng tiếng Anh, ngoại tệ trong các giao dịch tài chính; cho phép áp dụng thuế, visa, giấy phép lao động đặc thù.
Những chính sách đặc thù này nhằm hình thành các điều kiện nền tảng của TTTC tại Việt Nam để tiến tới trở thành một TTTC toàn diện. Tạo đột phá so với các TTTC trong khu vực để thu hút dòng vốn đầu tư tài chính dịch chuyển trong một số lĩnh vực.
Giai đoạn 2 là từng bước nghiên cứu áp dụng các chính sách còn lại theo lộ trình phù hợp với thực trạng phát triển của TTTC và điều kiện của Việt Nam.
Đối tượng điều chỉnh của các chính sách trong TTTC là các tổ chức được đăng ký thành viên và có sự hiện diện thương mại trong TTTC. Đối với các giao dịch giữa các chủ thể tại TTTC và phần còn lại của đất nước sẽ thực hiện theo quy định và pháp luật chung hiện hành.
Song, đề án lưu ý, trong quá trình xây dựng, hình thành và phát triển, các chính sách phát triển TTTC đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, mang tính cạnh tranh, đảm bảo tính ổn định, nhất quán và có tính dự báo, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy hợp tác giám sát và cơ chế thực thi hiệu quả, đáng tin cậy.
Theo Bộ KH&ĐT, mô hình kết hợp có ưu điểm là cho phép các chính sách đặc thù, đột phá song song với hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong dài hạn.
Đồng thời cho phép thử nghiệm chính sách trong phạm vi hoạt động của TTTC, đảm bảo phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tế của quốc gia trong từng giai đoạn, thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn.
Bởi, mô hình này là mới, quá trình thực hiện có thể phát sinh những vấn đề nhất định đòi hỏi phải được liên tục cập nhật, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung linh hoạt để đảm bảo hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh.
MINH TRÚC
Pháp luật TPHCM
|