Trung Quốc, thuế quan và Fed: Yếu tố nào tác động mạnh tới chứng khoán châu Á?
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục âm ỉ, thị trường chứng khoán châu Á đang đứng trước nhiều thách thức trong năm 2025.
Với khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ áp đặt thuế quan diện rộng, cùng với việc Fed tỏ ra thận trọng trong việc giảm lãi suất, áp lực đang đè nặng lên các tài sản châu Á. Điều này có thể kéo dài chuỗi ngày ảm đạm của chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương so với S&P 500. Trong năm 2024, chỉ số này kém hơn S&P 500 tới 16 điểm phần trăm.
Trong bức tranh này, chiến lược kích cầu nội địa của Trung Quốc sẽ đóng vai trò then chốt với diễn biến thị trường khu vực. Song song đó, giới đầu tư cũng đang dõi theo tình hình chính trị tại Hàn Quốc và những động thái mới từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cùng các ngân hàng trung ương khác trong khu vực.
Diễn biến chứng khoán châu Á và Mỹ
|
Dưới đây là năm chủ đề chính mà các nhà đầu tư cần theo dõi trong năm 2025:
Kích thích kinh tế Trung Quốc
Sau khi hiệu ứng từ các gói kích thích trước đó bắt đầu phai nhạt, mọi ánh mắt giờ đây đang đổ dồn về phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3. Tại đây, Bắc Kinh sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cùng những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, tạo xung lực mới cho thị trường chứng khoán.
"Chính phủ có thể triển khai nhiều biện pháp như phát phiếu mua hàng, tăng trợ cấp cho người tiêu dùng và người thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ phục hồi ngành bất động sản", ông Mark Matthews, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Ngân hàng Julius Baer ở Singapore nhận định.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi đầu năm mới trong sắc đỏ, sau khi ghi nhận năm tăng điểm đầu tiên trong 4 năm qua. Mặc dù niềm tin vào sự hỗ trợ từ Chính phủ đang dần được củng cố, những lo ngại về đà phục hồi kinh tế vẫn còn đó. Tuy nhiên, bất kỳ động thái kích thích nào cũng sẽ là động lực cho dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi châu Á có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Thuế quan Mỹ
Chính sách thương mại không rõ ràng của Trump đang trở thành nỗi lo lớn nhất của thị trường chứng khoán châu Á. Việc áp thuế lên cả đồng minh lẫn đối thủ có thể làm suy giảm lợi nhuận doanh nghiệp và gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành năng lượng tái tạo, các nhà sản xuất chip và chuỗi cung ứng châu Á có thể chịu tác động nặng nề nhất.
Ông Xiao Feng, đồng Trưởng bộ phận nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại CLSA Hồng Kông cho rằng: "Dù thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc có thể ít ảnh hưởng do thị phần xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm chưa đến 1%, nhưng các nhà sản xuất linh kiện ô tô có thể mất đơn hàng từ Mexico và Canada nếu Trump quyết định áp thuế lên hai quốc gia này".
Trong khi đó, một số thị trường như Ấn Độ và Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ làn sóng đa dạng hóa sản xuất trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Các nhà đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu chính sách mới từ Trump để định hướng chiến lược đầu tư.
Lộ trình lãi suất của Fed
Fed đang thận trọng về khả năng cắt giảm lãi suất, tạo điều kiện cho đồng USD duy trì đà tăng ít nhất trong những tháng đầu năm. Điều này chắc chắn sẽ gây áp lực giảm giá lên các đồng tiền và thị trường chứng khoán châu Á.
Nền kinh tế Mỹ vẫn khá vững chắc, trong khi các chính sách gây tranh cãi của Trump có thể đẩy lạm phát lên cao, khiến các ngân hàng trung ương khu vực khó có thể lãi suất trong thời gian tới.
Ông Jack Siu, Trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư tùy chọn châu Á tại Lombard Odier, chia sẻ nhà đầu tư cần theo dõi sát chính sách của chính quyền Mỹ mới với châu Á và những tác động tiềm tàng tới đồng USD và Fed.
Tuy nhiên, các chiến lược gia Phố Wall dự báo sức mạnh đồng USD sẽ chạm đỉnh trong nửa sau năm 2025 khi lãi suất thực tế tại Mỹ giảm. Khi đó, dòng vốn có thể quay trở lại châu Á mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản
Sau những phát biểu của Thống đốc Kazuo Ueda vào tháng trước, các nhà kinh tế lớn đã dời dự báo về đợt tăng lãi suất tiếp theo của BOJ từ tháng 1 sang tháng 3/2025. Điều này khiến các nhà giao dịch giảm đặt cược vào khả năng đồng Yên tăng giá. Trước đó, đồng Yên đã đã mất giá 10% so với đồng USD trong năm 2024.
Đồng Yên yếu đi sẽ là động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các nhà sản xuất công nghệ và ô tô. Diễn biến này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới chỉ số MSCI châu Á, nơi cổ phiếu Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 32%.
Việc hoãn tăng lãi suất cũng có thể làm chậm quá trình đảo chiều của các các giao dịch carry trade dựa trên đồng Yên. Giao dịch "carry trade" là hình thức vay tiền bằng đồng Yên với lãi suất thấp để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở nước ngoài.
Mọi thay đổi từ BOJ đều có thể tác động tới các thị trường bên ngoài Nhật Bản và châu Á, bởi các nhà đầu tư Nhật Bản là những bên mua tài sản nước ngoài và đồng Yên là đồng tiền tài trợ quan trọng trên toàn cầu.
Khủng hoảng Hàn Quốc
Triển vọng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vẫn còn bấp bênh khi nước này phải đối mặt với sự gia tăng bất ổn chính trị và kinh tế. Hàn Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay xuống còn 1.8% sau khi tăng 2.1% trong năm 2024. Điều này phản ánh những tác động từ vụ việc Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc, vốn đã nằm trong nhóm kém hiệu quả nhất toàn cầu năm ngoái, có thể tiếp tục đi lùi so với các thị trường có tỷ trọng cổ phiếu công nghệ cao như Đài Loan. Đồng Won đang giao dịch gần mức thấp nhất trong 15 năm. Các nhà đầu tư hiện đang theo dõi quyết định của Tòa án Hiến pháp về việc liệu ông Yoon có bị phế truất hay không.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi - 15:31:29 10/01/2025
|