Tổng thống Biden siết chặt xuất khẩu chip AI trước khi rời nhiệm sở
Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị thực hiện một đợt siết chặt mới về xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI). Động thái này nhằm ngăn chặn công nghệ tiên tiến rơi vào tay Trung Quốc và Nga.
Kế hoạch mới của Mỹ phân chia thế giới thành ba cấp độ tiếp cận công nghệ AI. Nhóm 1 gồm Mỹ và 18 đồng minh thân cận như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ được tiếp cận không giới hạn. Đặc biệt, các công ty có trụ sở tại các nước này có thể xin giấy phép chung từ chính phủ Mỹ để vận chuyển chip đến các trung tâm dữ liệu ở hầu hết các nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, họ phải đảm bảo không quá 1/4 tổng sức mạnh tính toán nằm ngoài các quốc gia Nhóm 1, và không quá 7% ở bất kỳ quốc gia Nhóm 2 nào.
Đối với các công ty có trụ sở tại Mỹ, yêu cầu còn nghiêm ngặt hơn: Họ phải duy trì ít nhất một nửa tổng sức mạnh tính toán của mình trên đất Mỹ. Mục tiêu rộng lớn của quy định này là đảm bảo Mỹ và các nước đồng minh luôn nắm giữ sức mạnh tính toán vượt trội so với phần còn lại của thế giới.
Nhóm 2 bao gồm phần lớn các quốc gia còn lại, phải tuân theo hạn ngạch nghiêm ngặt. Cụ thể, mỗi quốc gia sẽ có giới hạn khoảng 50,000 đơn vị xử lý đồ họa (GPU) từ 2025 đến 2027. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể vượt qua hạn ngạch này nếu đạt được chứng nhận VEU (Validated End User) của Mỹ - một loại giấy phép đặc biệt dành cho các tổ chức có khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh và nhân quyền của Mỹ.
Chứng nhận VEU nhằm tạo ra một mạng lưới các tổ chức đáng tin cậy, có thể phát triển và triển khai AI một cách an toàn trên phạm vi toàn cầu.
Nhóm cuối cùng gồm Trung Quốc, Nga và khoảng 24 quốc gia đang bị cấm vận sẽ hoàn toàn không thể tiếp cận công nghệ chip AI tiên tiến. Đây là sự mở rộng của các biện pháp hạn chế trước đó đã được áp dụng với Trung Quốc và Nga.
"Đây là một cơ hội nghiêm túc chỉ có một lần trong một thế hệ để tận dụng công nghệ AI của Mỹ", các thành viên cấp cao của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện đã nhấn mạnh trong thư gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Họ cho rằng "nhu cầu về công nghệ AI của Mỹ là cơ hội để kéo cả công ty và quốc gia ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh".
Tổng thống Mỹ Joe Biden
|
Các biện pháp mới này nhằm siết chặt thêm khả năng các nhà sản xuất chip Mỹ như Nvidia và AMD bán các bộ xử lý tiên tiến cho Trung Quốc và Nga. Mỹ cũng đã và đang nỗ lực ngăn chặn các quốc gia đối thủ tiếp cận công nghệ tối tân thông qua các trung gian ở Trung Đông và Đông Nam Á. Dự thảo quy định mới nhất là một phần trong chiến lược toàn cầu đó.
Các quy định mới được đưa ra sau nhiều tháng tranh luận về tốc độ và phạm vi triển khai chip Mỹ đến các trung tâm dữ liệu toàn cầu. Trong lĩnh vực AI, chip Mỹ vượt trội hoàn toàn so với chip Trung Quốc, khiến các tổ chức trên toàn cầu đều sẵn sàng vượt qua mọi rào cản để tiếp cận công nghệ này. Điều này giúp Mỹ giữ vai trò như "người gác cổng" - nắm trong tay đòn bẩy quan trọng để định hình sự phát triển AI toàn cầu.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp công nghệ. Nvidia, nhà sản xuất chip AI hàng đầu, đã cảnh báo: "Một quy định hạn chế xuất khẩu tới hầu hết thế giới sẽ là một sự thay đổi chính sách lớn không làm giảm rủi ro sử dụng sai mục đích mà còn đe dọa tăng trưởng kinh tế và vị thế dẫn đầu của Mỹ". Công ty nhấn mạnh rằng "mối quan tâm toàn cầu về khả năng điện toán cho các ứng dụng hàng ngày là một cơ hội to lớn mà Mỹ nên nuôi dưỡng, thúc đẩy nền kinh tế và tạo thêm việc làm cho Mỹ".
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cũng bày tỏ quan ngại về thời điểm ban hành quy định. "Một thay đổi chính sách có phạm vi lớn và quan trọng như vậy không nên được vội vã đưa ra trong thời kỳ chuyển giao Tổng thống và không có ý kiến đóng góp từ ngành công nghiệp", hiệp hội tuyên bố.
Quy định mới không chỉ giới hạn ở phần cứng mà còn mở rộng sang lĩnh vực phần mềm AI. Cụ thể, các công ty sẽ bị hạn chế trong việc xuất khẩu và lưu trữ những tham số quan trọng của mô hình AI đóng - đây là những tham số then chốt giúp mô hình có thể xử lý thông tin và đưa ra quyết định.
Các tham số này sẽ bị cấm hoàn toàn không được lưu trữ ở các quốc gia Nhóm 3 như Trung Quốc và Nga, đồng thời phải tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt khi lưu trữ ở các quốc gia Nhóm 2. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho các mô hình mã nguồn mở hoặc các mô hình đóng có khả năng xử lý thấp hơn các mô hình mở đã có sẵn.
Thông tin về kế hoạch này đã tác động tức thì đến thị trường chứng khoán. Cổ phiếu Nvidia giảm hơn 1% trong phiên giao dịch muộn sau khi Bloomberg công bố thông tin trên. Advanced Micro Devices (AMD), đối thủ chính của Nvidia trong lĩnh vực chip AI, cũng giảm gần 1%.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi - 11:33:50 09/01/2025
|