Muôn kiểu ESOP của doanh nghiệp bất động sản
Thời buổi khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên sàn vẫn đều đặn thực hiện các chương trình phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP).
Năm 2024, Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) có lẽ là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản phân phối quyền mua ESOP đến cấp nhân viên, đồng thời công bố danh sách chi tiết 233 cá nhân cùng số lượng cổ phiếu được hưởng, trong khi doanh nghiệp có 261 người (tính đến cuối quý 3/2024).
Dựa trên thâm niên, hệ số đóng góp, điểm trách nhiệm… cấp chuyên viên và nhân viên của KDH được quyền mua hơn 1.6 triệu cp trong tổng số hơn 10 triệu cp đợt vừa rồi, với giá bằng khoảng một nửa trung bình thị trường trong năm qua, 17,000 đồng/cp.
Chủ tịch HĐQT KDH Mai Trần Thanh Trang, Phó Chủ tịch Lý Điền Sơn - những người có trên dưới 20 năm làm việc - cùng với Tổng Giám đốc Vương Văn Minh được quyền mua từ 1.5-1.8 triệu cp. Toàn bộ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Chính sách của Đầu tư Sài Gòn VRG (HOSE: SIP) cũng cho thấy doanh nghiệp đang quan tâm đến những lao động “ít có tiếng nói” trong tổ chức, bao gồm cả người lái xe. Còn danh sách 58 cá nhân do Đầu tư Phát triển Thành Đạt (HNX: DTD) công bố thậm chí có cả tạp vụ, lái xe và bảo vệ… Những người này có quyền mua 1,000 - 1,500cp.
Điểm chung các phần thưởng của SIP và DTD là trích từ quỹ khen thưởng phúc lợi hoặc từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, đồng nghĩa nhân viên không cần chi tiền để sở hữu như trường hợp của KDH, hay còn gọi là ESOP 0 đồng. Sau 1 năm, nếu thị giá SIP vẫn duy trì trên 80,000 đồng/cp như hiện nay, 1,000cp có thể thu về không dưới 80 triệu đồng (chưa bao gồm các loại thuế).
Chủ tịch không nhận ESOP
Các doanh nghiệp bất động sản lớn có kế hoạch dài hơi vẫn đang duy trì thưởng cổ phiếu cho các nhân sự quan trọng.
"Ghi nhận sự nỗ lực của các thành viên chủ chốt đã có những đóng góp vào hiệu quả đầu tư kinh doanh trong 2 năm vừa qua và cam kết tiếp tục đồng hành lâu dài với Công ty" - Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) nêu lý do của đợt phát hành ESOP dự kiến trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
PDR dự kiến phát hành 14.6 triệu cp, bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, với giá 12,000 đồng/cp, tương đương khoảng một nửa thị giá hiện nay, để thu về 175 tỷ đồng. Đáng chú ý, Chủ tịch và các thành viên độc lập HĐQT sẽ không tham gia vào đợt “tri ân” lần này.
“Đây là thời điểm thích hợp nhất để thu hút nhân sự” - bà Đinh Thị Nhật Hạnh, CEO Tập đoàn Khải Hoàn Land (HOSE: KHG), chia sẻ tại đại hội thường niên năm 2024 về việc sẽ phát hành xấp xỉ 9 triệu cp ESOP nhằm ghi nhận thành tích đóng góp của người lao động trong thời gian qua, cũng như để chuẩn bị cho đà tăng trưởng mới.
Doanh nghiệp bất động sản này dự định sử dụng lợi nhuận sau thuế còn lại trên BCTC cuối năm 2023 cho đợt thưởng và cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng từ 1-3 năm, nhưng nhiều khả năng sẽ triển khai trong năm 2025.
Phía Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) cũng có ý định phát hành ESOP, nhưng đến nay cũng chưa thực hiện.
Lãnh đạo cấp cao và ESOP giá 0 đồng
Tại Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), cổ phiếu thưởng chỉ dành cho lãnh đạo cấp cao thông qua chương trình gọi là "Chính sách thưởng khuyến khích dài hạn dành cho các lãnh đạo và quản lý cấp cao - gọi tắt là Chương trình ESG" được Công ty ban hành năm 2021 và dựa trên kết quả kinh doanh của năm này. Theo kế hoạch, NLG sẽ còn phát hành gần 298,000cp cho các lãnh đạo, tương đương trích gần 3 tỷ đồng từ nguồn quỹ khen thưởng và số cổ phiếu này bị hạn chế 1 năm chuyển nhượng.
Chính sách của Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE: AGG) cũng đang muốn “giữ chân” Ban Điều hành nhiều hơn. Theo danh sách đăng tải, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mai Giang được phân phối nhiều nhất - hơn 1.8 triệu cp. Các vị trí tiếp theo của bà Hồ Thị Nguyệt Anh - Giám đốc Phụ trách sản phẩm và Chủ tịch Nguyễn Bá Sáng, lần lượt nhận về 1 triệu cp và hơn 882,000cp. Nguồn thưởng được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023 và cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tỷ lệ chia ESOP đợt này cao hơn so với các doanh nghiệp trên sàn, ông Nguyễn Bá Sáng cho biết nguyên do là tính từ năm 2022 đến nay đã 2 năm chưa chia, đồng thời Công ty muốn tri ân những người cùng trải qua giai đoạn khó khăn. “Tỷ lệ trình dựa trên giai đoạn 2022-2023 mà Công ty trải qua rất nhiều khó khăn, kết quả năm 2023 vượt kế hoạch và lợi nhuận quý 1/2024 mang về 200 tỷ đồng nên muốn tri ân nhân viên cùng đồng hành 2 năm qua”, biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 dẫn lại lời vị Chủ tịch.
Giá phát hành ESOP ngang thị giá
“Lợi ích của việc mua cổ phiếu ESOP sẽ là gì nếu nó được mua bằng với giá trên thị trường?”. Câu hỏi có lẽ được CBCNV Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) đặt ra khi doanh nghiệp này sắp tới có ý định triển khai ESOP với giá bán tối thiểu 10,000 đồng/cp - ngang ngửa giá cổ phiếu trong những ngày cuối năm 2024, chưa kể kèm điều kiện hạn chế chuyển nhượng.
NVL dự kiến phát hành tối đa 3.5% lượng cổ phiếu đang lưu hành cho thành viên HĐQT và người lao động, tương ứng hơn 68 triệu cp (tính đến cuối quý 3/2024). Nhưng với việc cổ phiếu rớt giá mạnh như hiện nay, ông lớn này có lẽ cần điều chỉnh lại kế hoạch.
Giá cổ phiếu NVL hiện đã rơi về quanh 10,000 đồng/cp |
|
Những câu chuyện khác của ESOP
Từ nhiệm vai trò Thành viên HĐQT kiêm Thành viên Ủy ban Kiểm toán tại Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HOSE: DXS) hồi tháng 7 vừa qua, đồng nghĩa ông Phạm Anh Khôi không còn làm chủ 150,000cp được phân bổ trong đợt ESOP đầu năm 2024.
Ông Phạm Anh Khôi hiện làm Giám đốc Đầu tư của Vinhomes
|
Theo quy định, số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm, mỗi năm được giải tỏa 25% và trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 5 triệu cp ESOP của DXS phân bổ cho 66 người còn làm việc; trong đó, Chủ tịch Nguyễn Trường Sơn nhận 500,000cp và Tổng Giám đốc Phạm Thị Nguyên Thanh nhận 420,000cp.
Còn tại đại hội thường niên 2024 của Tập đoàn Sunshine (HNX: KSF), một cổ đông và cũng là nhân viên của Công ty đã đứng lên hỏi về kế hoạch thưởng cổ phiếu cho người lao động, do thấy đơn vị khác là Phát triển Sunshine Homes (UPCoM: SSH) vừa có động thái tương tự.
Đáp lại, lãnh đạo KSF cho biết, chắc chắn sẽ có chính sách như vậy trong tương lai. Doanh nghiệp từng đổi tên 2 lần trong 3 năm qua đang muốn tập trung vào các lĩnh vực gồm công nghệ, bất động sản, tài chính, xây dựng, thương mại dịch vụ, truyền thông, giáo dục và cả y tế, nên sẽ cần “tập trung để phát triển, trở thành một trong những tập đoàn lớn mạnh” - theo biên bản họp của KSF.
Tử Kính
FILI - 12:00:00 06/01/2025
|