Đi mua vàng Tết, nhiều người nhìn thấy cảnh tượng rất lạ lùng
Trước Tết Nguyên đán là mùa thị trường vàng sôi động nhất trong năm thế nhưng thị trường lại diễn tiến ngược lại dù giá đang trong xu hướng tăng cao.
Cửa hàng ngừng bán, nhân viên ngồi chơi
Sáng 9/1, giá vàng trong nước tiếp tục bật tăng mạnh lên mốc 86 triệu đồng/lượng. Sau 2 ngày, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều tăng gần 1 triệu đồng/lượng. So với cách đây 1 năm, giá vàng miếng SJC tăng 16% còn vàng nhẫn tăng 33%.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong trên phố "vàng" Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội sáng 9/1, hầu hết các cửa hàng đều không có vàng miếng SJC, thậm chí vàng nhẫn cũng ngừng bán. Điều này trái ngược với hình ảnh người dân tấp nập hay xếp hàng mua vàng vào thời điểm này cách đây một năm.
Hiện nhiều cửa hàng nhân viên chỉ ngồi chơi. Tại 2 cửa hàng vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu, nhân viên thông báo, cửa hàng chưa bán vàng miếng SJC và vàng nhẫn, khi nào bán sẽ thông báo sau.
Sức mua vàng vào mùa sôi động trong năm kém (ảnh: N.M).
|
Cửa hàng vàng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng thông báo không có vàng nhẫn. Vàng miếng SJC hướng dẫn khách đặt mua trực tuyến 1 lượng/ngày. Tại cửa hàng vàng thương hiệu Phú Quý chỉ bán vàng nhẫn, tuy nhiên khách đến thưa thớt và mua với số lượng ít.
Chị Thu Ngọc (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Tôi tích cóp được ít tiền nên cuối năm ra cửa hàng mua. Tôi đi 4 cửa hàng mới có nơi bán vàng nhẫn. Giá vàng nhẫn lên đến 86 triệu đồng/lượng nhưng tôi mua tiết kiệm và mua ít một nên giá cao vẫn mua".
Lo ngại về nguồn cung
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia vàng Nguyễn Quang Huy phân tích giao dịch mua - bán vàng trên thị trường hiện chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Nguyên nhân đến từ thu nhập người lao động giảm sút, trong khi giá vàng tăng cao làm chi phí sở hữu vàng trở nên đắt đỏ.
Bên cạnh đó, các quy định mới yêu cầu sản phẩm vàng phải có nguồn gốc rõ ràng, điều này không chỉ làm hạn chế nguồn cung mà còn khiến các tiệm vàng lo ngại về doanh thu khai báo. Các xưởng sản xuất vàng trang sức cũng đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu nghiêm trọng, khiến hoạt động sản xuất đình trệ.
"10 doanh nghiệp thì có đến 9 doanh nghiệp lo ngại về tình hình sức mua và nguồn cung hiện nay", ông Huy nói.
Cửa hàng vàng thông báo không còn vàng nhẫn, vàng miếng (ảnh: N.M).
|
Thực tế, thanh khoản thị trường vàng giảm đột ngột suốt 9 tháng qua khi Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng miếng qua nhóm ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Các cơ quan quản lý tiến hành một loạt giải pháp đồng bộ để siết chặt quản lý thị trường này.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp và ngân hàng được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng.
Cửa hàng vàng không có khách mua (ảnh: N.M).
|
Đoàn kiểm tra liên ngành của Chính phủ đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng 4 doanh nghiệp và 2 ngân hàng. Qua kiểm tra, một số doanh nghiệp bị phạt vì chưa tuân thủ đúng quy định về phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý…
Trước đó, từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý thị trường các địa phương cũng thanh tra hàng trăm cơ sở kinh doanh vàng và xử phạt, thu giữ nhiều vàng, trang sức không rõ nguồn gốc.
Hoạt động thanh kiểm tra mạnh tay khiến từ đầu năm đến nay, hàng loạt cửa hàng vàng đóng cửa gây khó khăn cho việc mua bán vàng của người dân.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng giải pháp quản lý thị trường vàng mà Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành thực hiện thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả tích cực, song thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, chưa thông suốt.
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, sự đóng băng thị trường vàng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và gây rủi ro cho thị trường nên cần có các giải pháp dài hơi cho thị trường vàng.
Ngọc Mai
Tiền phong
|