Thứ Hai, 06/01/2025 08:29

Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2025 – liệu có kịp về đích?

Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được phê duyệt theo Quyết định 242/QĐ-TTg được ban hành hồi tháng 2-2019. Một số mục tiêu đã hoàn thành theo kế hoạch đặt ra, nhưng vẫn còn không ít vấn đề ngổn ngang và có thể không kịp về đích trong năm sau.

Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2025 xem như sẽ không kịp hoàn thành, mà sớm nhất có thể là vào năm 2025. Ảnh: LÊ VŨ

Quy mô thị trường chững lại

Đầu tiên, mục tiêu đưa quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 120% GDP vào năm 2025 dường như đang gặp thách thức khá lớn, khi các chỉ số chứng khoán Việt Nam thời gian qua chưa thật sự bứt phá như kỳ vọng. Chỉ số VN-Index sau khi đạt đỉnh cao 1.530 điểm vào tháng 4-2022, đã rơi vào giai đoạn điều chỉnh mạnh sau đó, trong khi các chỉ số HNX-Index và UpCom-Index cũng có diễn biến tương tự.

Những vụ án vi phạm hoạt động chứng khoán được đưa ra xét xử làm rúng động thị trường chứng khoán (TTCK), gây mất niềm tin nơi nhà đầu tư và các diễn biến bất ổn khác khiến dòng vốn dần tìm kiếm sang các kênh đầu tư khác ổn định hơn và an toàn hơn.

Về số doanh nghiệp niêm yết, nếu như giai đoạn 2018-2019 chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp lớn lên sàn, nổi bật là nhóm ngân hàng với vốn hóa đáng kể, thời gian qua số lượng doanh nghiệp có chất lượng thật sự niêm yết mới ít nhiều suy giảm.

Trong khi đó, hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn khá chậm, khi gặp quá nhiều vướng mắc từ khâu định giá tài sản, đặc biệt là giá trị bất động sản, các quy định pháp lý chưa đồng bộ, khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, cho đến những rào cản từ nội bộ doanh nghiệp, tình trạng thiếu minh bạch thông tin khiến các nhà đầu tư muốn tham gia cũng e ngại.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cập nhật đến ngày 30-9-2024, tổng số doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên toàn thị trường là 1.589 doanh nghiệp, giảm 28 doanh nghiệp so với thời điểm 31-12-2019. Trong đó, giảm 56 doanh nghiệp ở sàn HNX, còn sàn HOSE và UpCom tăng tương ứng 16 và 12 doanh nghiệp, cho thấy không ít doanh nghiệp hoặc vì không đủ điều kiện để tiếp tục được niêm yết nên phải hủy niêm yết bắt buộc hoặc đã chủ động rời thị trường.

Xét theo giá trị vốn hóa, tổng giá trị của toàn thị trường cập nhật đến ngày 2-12-2024 chưa đến 7,04 triệu tỉ đồng. Nếu dựa trên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 7%, theo đó GDP cả năm 2024 có thể đạt mức gần 10,94 triệu tỉ đồng, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu nói trên chỉ mới tương ứng 64,3% GDP.

Với số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng chậm như vậy, khối lượng cổ phiếu niêm yết trên cả ba sàn đến cuối tháng 9-2024 là 223,88 tỉ cổ phiếu, chỉ tăng 2,92 tỉ cổ phiếu, tương đương 2,1% so với cuối năm 2019, chủ yếu nhờ vào việc các doanh nghiệp trên sàn nỗ lực phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn trong năm năm qua. Nếu nhìn vào khối lượng cổ phiếu tăng thêm trong hai năm 2018 và 2019 là 3,06 tỉ cổ phiếu, sẽ thấy kết quả trong năm năm vừa qua suy yếu như thế nào.

Xét theo giá trị vốn hóa, tổng giá trị của toàn thị trường cập nhật đến ngày 2-12-2024 chưa đến 7,04 triệu tỉ đồng, trong đó riêng sàn HOSE đã gần 5,16 triệu tỉ đồng, chiếm tỷ trọng vượt trội 73,3%, kế tiếp là sàn UpCom với tỷ trọng 22,1% và cuối cùng là sàn HNX 4,6%. Nếu dựa trên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 7%, theo đó GDP cả năm 2024 có thể đạt mức gần 10,94 triệu tỉ đồng, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu nói trên chỉ mới tương ứng 64,3% GDP. Như vậy, mục tiêu đưa quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 120% GDP vào năm 2025 có lẽ sẽ không đạt.

Tương tự, mục tiêu nâng quy mô thị trường trái phiếu lên 55% GDP vào năm 2025 cũng khó thành hiện thực. Tính đến hết năm 2023, tổng quy mô vốn hóa toàn thị trường trái phiếu nói chung so với GDP chỉ mới ở mức 35%, trong đó riêng thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) là 23,2%. Các dự án đầu tư công vẫn triển khai chậm, ngân sách thặng dư nên Chính phủ không có động lực huy động vốn lớn, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong gần ba năm trở lại đây, nên quy mô của thị trường trái phiếu khó có thể tăng nhanh.

Điểm sáng và kỳ vọng

Dù vậy, tình hình cơ cấu lại TTCK trong những năm qua cũng đạt được một số thành quả nhất định.

Đầu tiên là số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tiếp tục tăng trưởng tích cực, với số tài khoản chứng khoán cá nhân đến cuối tháng 10-2024 là 8,9 triệu tài khoản, tương đương hơn 8,8% dân số. Ắt hẳn có tình trạng một nhà đầu tư mở nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán khác nhau, nhưng có lẽ mục tiêu tỷ lệ nhà đầu tư chiếm 5% dân số đã đạt được.

Về việc đa dạng hóa các sản phẩm trên TTCK, các cơ quan quản lý đã triển khai thêm được sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN 30, chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm và 10 năm, và sắp tới là hợp đồng tương lai chỉ số VN 100. Dù vậy, tính thanh khoản của các sản phẩm này còn thấp và chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia, đặc biệt là các hợp đồng tương lai TPCP. Ngoài ra, các sản phẩm quyền chọn hay hợp đồng tương lai trên cổ phiếu vẫn chưa được thực hiện.

Với mục tiêu đến năm 2025 chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN - 6, thì thực tế cho thấy mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam đang khá thấp. Tại diễn đàn thường niên về quản trị công ty được tổ chức ngày 29-11-2024, báo cáo từ Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho thấy chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam rất cần phải lưu tâm, cụ thể chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam chỉ đứng thứ 6 tại ASEAN.

Ngoài ra, Việt Nam hiện đang tham gia bảy kỳ đánh giá chương trình Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS). Hàng năm, mỗi nước trong khu vực được lựa chọn đánh giá trên chỉ số của 100 doanh nghiệp, nhưng năm 2024, Việt Nam chỉ có 69 doanh nghiệp được lựa chọn để đánh giá do yêu cầu phải công bố thông tin bằng tiếng Anh và chất lượng của báo cáo thông tin. Đến nay, Việt Nam vẫn đang xếp ở cấp độ thấp nhất trong sáu nước ASEAN (sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia) và thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá Thẻ điểm ACGS.

Cuối cùng, mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2025 theo đề án nói trên xem như sẽ không kịp hoàn thành, mà sớm nhất có thể là vào năm 2025. Trong kỳ đánh giá thường niên gần nhất vào tháng 9-2024, Hội đồng Quản trị chỉ số FTSE Russell quyết định giữ Việt Nam lại trong Danh sách theo dõi, với hai tiêu chí còn lại về chu kỳ thanh toán (DvP) vẫn chưa được đáp ứng kể từ đợt đánh giá tháng 3-2024. Dù vậy, giới quan sát cho rằng cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi theo các tiêu chí của FTSE trong năm 2025 và xa hơn là đáp ứng tiêu chí của MSCI sẽ khả thi.

Thụy Lê

TBKTSG

Các tin tức khác

>   6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán năm 2025 (02/01/2025)

>   HDC: CBTT thanh lý hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng sản phẩm tại DA Khu nhà ở Hải Đăng (31/12/2024)

>   VIH: Quy chế công bố thông tin (31/12/2024)

>   Quy định mới về phương án chia cổ tức của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (30/12/2024)

>   HBS: Ban hành Quy chế hoạt động Hội đồng quản trị (26/12/2024)

>   BMD: Quyết định ban hành quy chế tiền lương, thù lao, tiền thưởng (19/12/2024)

>   ICF: QUY CHẾ CÔNG BỐ THÔNG TIN (19/12/2024)

>   Điểm nhấn chính sách chứng khoán 2024: Bước đệm cho kỷ nguyên vươn mình (19/12/2024)

>   Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính đề ra tám nhiệm vụ trọng tâm cho ngành chứng khoán năm 2025 (19/12/2024)

>   BSI: Quyết định của BKS về việc ban hành Quy chế hoạt động của BKS và Quy trình kiểm soát (18/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật