Thứ Hai, 20/01/2025 14:04

Chính sách lãi suất toàn cầu 2025: Fed thận trọng, ECB mạnh tay, PBOC đổi chiến lược

Năm 2025 đang chứng kiến một sự phân hóa rõ rệt trong điều hành chính sách tiền tệ toàn cầu. Trong khi Fed thể hiện sự thận trọng khi lạm phát còn dai dẳng, Ngân hàng Trung ương Anh, châu Âu và Trung Quốc lại đang chuẩn bị cho một năm nới lỏng để kích thích tăng trưởng.

Bank of America dự báo các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ thực hiện tổng cộng 124 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025, đưa lãi suất chính sách toàn cầu từ mức 5% xuống còn 4%. Tuy nhiên, các định chế tài chính lớn cũng nhấn mạnh rằng, tốc độ và mức độ cắt giảm sẽ khác biệt đáng kể giữa các khu vực, phản ánh những thách thức riêng về lạm phát, tăng trưởng và áp lực tỷ giá mà mỗi nền kinh tế phải đối mặt.

Fed - Thận trọng trước áp lực lạm phát mới

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang bước vào một "giai đoạn mới" trong điều hành chính sách tiền tệ, với sự thận trọng đặc biệt. Sau khi đã cắt giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm từ mức đỉnh, Fed chỉ dự kiến 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025.

"Chúng tôi cần di chuyển thận trọng và tìm kiếm thêm tiến triển về lạm phát trước khi tiếp tục hạ lãi suất" - Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh trong cuộc họp báo tháng 12. Nhận định này được đưa ra khi lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.

Thách thức của Fed càng trở nên phức tạp trước những thay đổi chính sách dự kiến dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Goldman Sachs cảnh báo: các đề xuất về thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico có thể đẩy lạm phát tăng thêm gần 1%.

"Hầu như mọi khía cạnh trong chính sách của ông Trump đều có vẻ như sẽ đe dọa đến nhiệm vụ của Fed" - Julia Coronado - cựu chuyên gia kinh tế của Fed nói.

Các định chế tài chính lớn đang có những dự báo khác biệt đáng kể. Apollo Global Management cho rằng, Fed sẽ hạ lãi suất chậm hơn kỳ vọng của thị trường, với mức dự báo khoảng 4% vào cuối năm. Đặc biệt, nhà Kinh tế trưởng Torsten Sløk của Apollo đưa ra một kịch bản gây sốc khi cho rằng, có tới 40% khả năng Fed sẽ phải tăng lãi suất trở lại trong năm 2025.

UBS có cái nhìn lạc quan hơn khi dự báo lạm phát lõi tại Mỹ sẽ tiếp tục hạ nhiệt, xuống dưới mức 2.5% vào tháng 6, tạo điều kiện cho Fed thực hiện 2 đợt cắt giảm 0.25 điểm phần trăm trong tháng 6 và tháng 9.

ECB - Mạnh tay nới lỏng để cứu tăng trưởng

Trái ngược với Fed, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang cho thấy định hướng nới lỏng mạnh mẽ nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Sau 4 đợt cắt giảm trong năm 2024 xuống mức 3%, ECB vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục hạ lãi suất trong năm 2025.

Quyết định này được đặt trong bối cảnh kinh tế không mấy khả quan của Eurozone. Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - đang đối mặt với nguy cơ suy thoái năm thứ hai liên tiếp, trong khi Pháp vật lộn với bất ổn chính trị và thách thức ngân sách. Thêm vào đó, ECB còn phải đối mặt với thách thức từ khả năng ông Trump quay lại Nhà Trắng.

"Với tăng trưởng cực kỳ yếu và điều kiện thị trường lao động đang hạ nhiệt, ECB buộc phải cắt giảm lãi suất mạnh hơn so với các quốc gia khác" - Capital Economics nhận định.

First Abu Dhabi Bank dự báo ECB sẽ giảm 0.25 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp, đến tháng 6/2025 và tiếp tục giảm trong nửa cuối năm xuống vùng 1.5%. NatWest và Macquarie cũng có cùng quan điểm khi dự báo lãi suất chính sách sẽ xuống mức 2%.

BOJ - Đơn độc tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nổi bật như một ngoại lệ trong năm 2025 khi được dự báo sẽ là ngân hàng duy nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển tăng lãi suất. Capital Economics và Deutsche Bank đều kỳ vọng BOJ có thể nâng lãi suất lên mức 1% vào cuối năm 2025, nhờ sự phục hồi nhu cầu trong nước và xu hướng tăng lương vượt lạm phát.

Tuy nhiên, AXA Investment Managers lại thận trọng hơn khi dự báo BOJ sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa, đến cuối năm 2025, lên mức 0.75%. Họ cũng cảnh báo rằng, BOJ có thể buộc phải dừng quá trình bình thường hóa chính sách do cả tăng trưởng và lạm phát đều có dấu hiệu giảm tốc.

PBOC - Năm của nhiều bước ngoặt lịch sử

Tại Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương (PBOC) đang thực hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt trong cách thức điều hành chính sách tiền tệ. Đầu tiên là việc chuyển hướng sang chính sách "nới lỏng vừa phải", đánh dấu sự thay đổi quan trọng sau 14 năm duy trì chính sách thận trọng.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang bị bủa vây bởi nhiều thách thức khác nhau: Từ kinh tế đình trệ, bóng ma giảm phát cho tới dư thừa nguồn cung và những đòn trừng phạt từ các nước phương Tây.

Edmund Goh từ Abrdn nhấn mạnh: PBOC sẽ tập trung vào việc chống giảm phát, trong khi vẫn phải đảm bảo sự ổn định của đồng Nhân dân tệ. Trong cuộc trao đổi với Financial Times, PBOC cho biết, họ có thể sẽ hạ lãi suất từ mức 1.5% hiện tại "vào thời điểm thích hợp" trong năm 2025.

Song song với việc thay đổi lập trường chính sách, PBOC còn đang tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng trong cách thức điều hành, hướng tới mô hình của Fed và ECB. Ngân hàng trung ương này dự kiến sẽ ưu tiên "vai trò của điều chỉnh lãi suất" thay vì sử dụng "mục tiêu định lượng" cho tăng trưởng tín dụng như trước đây.

Khác với các ngân hàng trung ương phương Tây - vốn chỉ sử dụng lãi suất chuẩn để điều tiết nền kinh tế, PBOC từ lâu đã vận hành một hệ thống phức tạp hơn.

Ngoài việc thiết lập đa dạng các mức lãi suất, họ còn thường xuyên đưa ra các chỉ dẫn không chính thức cho các ngân hàng về quy mô cho vay, giúp định hướng vốn vào các ngành mũi nhọn như sản xuất, công nghệ và bất động sản.

"Cải cách lãi suất sẽ là trọng tâm thực sự của PBOC trong năm 2025" - Richard Xu, chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley đánh giá.

Điều này được thể hiện qua việc ngân hàng công bố lãi suất repo 7 ngày sẽ trở thành công cụ chính sách chủ đạo, thay vì duy trì hệ thống phức tạp với nhiều mức lãi suất và chỉ đạo tín dụng không chính thức như hiện nay.

Tuy nhiên, PBOC đang gặp khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi này vì Chính phủ muốn định hướng vốn vào các lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất - vốn dễ dàng hơn khi áp dụng hệ thống cũ.

Nhìn chung, năm 2025 sẽ chứng kiến một bức tranh chính sách tiền tệ đa dạng và phức tạp chưa từng có. Mỗi ngân hàng trung ương đang phải đối mặt với những thách thức riêng biệt và lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế của mình.

Thiên Vân

FILI - 13:02:20 20/01/2025

Các tin tức khác

>   Trung Quốc siết kiểm soát, xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ chậm lại (15/01/2025)

>   Hai kịch bản kinh tế khác biệt cho ông Donald Trump (14/01/2025)

>   Số vụ phá sản doanh nghiệp ở Nhật Bản cao nhất trong 11 năm (14/01/2025)

>   Ngành xe điện Trung Quốc sẽ giảm tốc mạnh trong năm 2025? (14/01/2025)

>   Đội ngũ Trump cân nhắc chiến lược tăng thuế quan dần dần theo từng tháng (14/01/2025)

>   Trung Quốc thặng dư thương mại kỷ lục gần 1,000 tỷ USD trước thềm Trump trở lại (13/01/2025)

>   Nỗ lực bảo vệ đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (13/01/2025)

>   Canada sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ khởi động chiến tranh thương mại (13/01/2025)

>   Thị trường bất động sản ảm đạm, hàng loạt công ty xây dựng Hàn Quốc phá sản (13/01/2025)

>   IMF: Thuế quan của ông Trump sẽ đẩy lãi suất toàn cầu lên cao (11/01/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật