Thứ Ba, 28/01/2025 11:02

Cần điều chỉnh căn cứ hủy bỏ đối với các hợp đồng thương mại

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2024 hoạt động thương mại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ổn định với tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,686 ngàn tỷ đồng, tăng 5.9% so với quý trước và tăng 9.3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa lại có mức phát triển ấn tượng, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2024 đạt 786.29 tỷ USD, tăng 15.4% so với năm trước; nhờ vào mức tăng này Việt Nam đang là nước xuất siêu, với 22.77 tỷ USD.

Kết quả trên biểu thị sự phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế, dù vậy với giá trị thương mại ngày một tăng, cũng phản ánh phần nào tính đa dạng và phức tạp các giao dịch, đặt ra nhiều yêu cầu cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật thương mại hiện hành.

Ngày nay, thương nhân tiến hành các giao dịch chủ yếu thông qua hợp đồng bởi đây là hình thức thỏa thuận ưu việt nhất. Căn cứ những điều khoản chi tiết, chủ thể giao kết có thể xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó bảo đảm triển khai các yêu cầu một cách chính xác. Bên cạnh đó, khi có phát sinh tranh chấp thực hiện hợp đồng cũng sẽ là chứng cứ vững chắc hỗ trợ cơ quan tài phán giải quyết vụ việc nhanh chóng, khách quan.

Với mục tiêu quản lý hiệu quả quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng của các bên, pháp luật thương mại Việt Nam từ sớm đã ghi nhận các quy định điều chỉnh lĩnh vực này. Trong đó, có nhiều điều khoản hướng dẫn cách sử dụng các hình thức chế tài khi xảy ra tranh chấp.

Luật Thương mại 2005 cho phép các bên viện dẫn chế tài luật định hoặc chế tài tự họ đặt ra nhưng phải bảo đảm không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

Đối với các chế tài được quy định cụ thể trong luật thì hủy bỏ hợp đồng là hình thức xử lý mang tính định đoạt cao nhất. Do đó, khi được viện dẫn nó sẽ chấm dứt ngay hiệu lực hợp đồng kể từ thời điểm giao kết, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Chế tài này ngoài việc mang tính răn đe vi phạm nó còn hiệu quả trong hỗ trợ thương nhân kết thúc ngay một thỏa thuận thương mại không khả thi, từ đó kịp thời tìm kiếm đối tác mới phục vụ mục đích kinh doanh.

Theo khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại năm 2005 có 02 căn cứ để hủy bỏ hợp đồng là một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng và xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận. Văn bản này có giải thích thêm vi phạm cơ bản nghĩa vụ là "sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng".

Về khái niệm vi phạm cơ bản nghĩa vụ, nội dung này còn chưa hợp lý bởi “mục đích của việc giao kết hợp đồng” thuộc về mặt chủ quan của các bên do đó khó chứng minh rõ ràng. Ngoài ra, căn cứ thứ hai được trao cho các bên tự xây dựng mà trên thực tế rất hiếm trường hợp hợp đồng ghi nhận thêm căn cứ hủy bỏ ngoài vi phạm cơ bản vậy nên có thể khẳng định hiện nay quyền hủy bỏ hợp đồng đang bị hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung.

Nói về pháp luật thương mại, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có nêu nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, khả thi và dễ tiếp cận; trong đó ưu tiên thể chế kinh tế thị trường và hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Vì lẽ đó, khi sửa đổi chế tài hủy bỏ hợp đồng cần bảo đảm quy định mới vừa phù hợp với nền kinh tế thị trường vừa đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế.

Bộ nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) là công cụ hỗ trợ xây dựng pháp luật thương mại hiệu quả tại nhiều quốc gia như Liên bang Nga, Đức, Trung Quốc, Estonia, Lithuania, Hoa Kỳ… Đề cập đến vi phạm cơ bản trong hủy bỏ hợp đồng PICC minh thị vấn đề này rõ hơn so với pháp luật Việt Nam. Theo đó, một vi phạm chỉ được xem là cơ bản khi nó được xem xét qua 05 yếu tố:

(i) Việc không thực hiện về cơ bản đã tước đoạt đi những gì mà bên bị vi phạm có quyền mong đợi đối với hợp đồng, trừ trường hợp bên vi phạm không biết hoặc không thể biết về hậu quả này;

(ii) Không tuân thủ một cách nghiêm ngặt nghĩa vụ cần thực hiện mà nghĩa vụ này được xem là một yếu tố quan trọng đối với hợp đồng;

(iii) Việc không thực hiện là do cố ý hoặc để mặc;

(iv) Việc không thực hiện hợp đồng cho bên bị vi phạm lý do để tin rằng không thể tin tưởng vào việc thực hiện nghĩa vụ sau này của bên kia;

(v) Hợp đồng bị vi phạm có thể sẽ dẫn tới những tổn thất không cân xứng của hai bên khi hợp đồng bị hủy bỏ.

Có thể thấy, thay vì xác định vi phạm cơ bản qua “mục đích của việc giao kết hợp đồng” PICC đã sử dụng một căn cứ rõ ràng hơn là “những gì mà bên bị vi phạm có quyền mong đợi đối với hợp đồng”. Bởi vì “những gì mà bên bị vi phạm có quyền mong đợi đối với hợp đồng” được thể hiện cụ thể qua các điều khoản mà họ đã giao kết, không phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố chủ quan.

Ngoài vi phạm cơ bản thì PICC còn liệt kê thêm một số căn cứ hủy bỏ khác bao gồm chậm thực hiện nghĩa vụ, yêu cầu về bảo đảm không được thực hiện và tiên đoán trước vi phạm cơ bản có thể xảy ra.

Do đó, Luật Thương mại năm 2005 nên kế thừa, bổ sung các căn cứ hủy bỏ trong PICC vì chúng bảo đảm quyền kết thúc hợp đồng của thương nhân được xác đáng. Rõ ràng, nếu hợp đồng không đáp ứng được mục đích kinh doanh nhưng thương nhân không thể hủy bỏ vì thiếu căn cứ họ sẽ phải “chôn chân” tại thỏa thuận ban đầu, tạo nên tình trạng thiếu linh hoạt, không tranh thủ được nguồn vốn, ảnh hưởng nghiêm trọng hiệu quả kinh doanh. Vấn đề này được lý giải phần nào qua sự vận động và phát triển không ngừng của cơ chế thị trường, một sự chậm trễ cũng sẽ tạo nên những thiệt hại lớn.

Thêm vào đó, như được đề cập PICC đang là khuôn mẫu lập pháp tại nhiều quốc gia, do đó, nếu Việt Nam sửa đổi theo văn bản trên sẽ giúp pháp luật trong nước được hài hòa, giảm thiểu tình trạng xung đột. Đây là điều kiện thuận lợi hỗ trợ Việt Nam hội nhập tốt hơn, phù hợp tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.

Nguyễn Minh Phú - Đinh Tấn Phong (Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ)

FILI - 10:00:00 28/01/2025

Các tin tức khác

>   TP Thủ Đức được quy hoạch trở thành trung tâm tài chính quốc gia, chia thành 9 phân vùng phát triển (22/01/2025)

>   Giảm phát thải CO2: Hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam (27/01/2025)

>   Giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2024 đạt gần 73% kế hoạch (22/01/2025)

>   TP.HCM hướng tới trở thành trung tâm tài chính quốc tế trong 5-10 năm (22/01/2025)

>   Cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng, nhận án 6 năm tù (21/01/2025)

>   UBKT Thành ủy TP.HCM kỷ luật nhiều cán bộ liên quan Tập đoàn Thuận An (21/01/2025)

>   Giữa nhiều điểm sáng vĩ mô, dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, góp mới lại sụt giảm (21/01/2025)

>   Tiếp thị liên kết được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2025 (20/01/2025)

>   Giá cao su tăng cao từ xuất khẩu (20/01/2025)

>   Nhu cầu điện tăng cao, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cung cấp điện 2025 (20/01/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật