6 xu hướng của ngành công nghiệp ô tô trong năm 2025
Ngành công nghiệp ô tô đang phát triển với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là xu hướng điện khí hóa khiến các nhà sản xuất ô tô phải hành động ngày càng nhanh chóng để bắt kịp xu hướng này.
Dưới đây là những xu hướng của ngành công nghiệp ô tô mà chúng ta có thể mong đợi trong năm 2025.
1. Tăng tốc điện khí hóa
Điện khí hóa là xu hướng đầu tiên và có tác động lớn nhất, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển trong những năm qua và điều này chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều có ít nhất một mẫu xe điện hoặc xe hybrid trong danh mục sản phẩm của mình. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên theo từng năm.
Mỗi nhà sản xuất ô tô giờ đây đều có ít nhất một sản phẩm xe điện khí hóa. Ảnh: Chevrolet
|
Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên kế hoạch cấm bán xe mới chỉ chạy bằng xăng vào những năm 2030, điều này có nghĩa là các nhà sản xuất ô tô phải chuẩn bị trước nếu muốn duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng để sở hữu một chiếc xe hoàn toàn chạy bằng điện.
Điều này đặc biệt đúng trong phân khúc xe hạng sang: Bentley gần đây đã tuyên bố rằng, mặc dù kế hoạch ban đầu của hãng là giới thiệu chiếc xe điện đầu tiên vào năm 2025, nhưng hiện đã bị lùi lại đến năm 2026 và thương hiệu này sẽ chuyển sang hoàn toàn chạy bằng điện vào năm 2033 thay vì năm 2030.
Lý do chính là nhu cầu của khách hàng. Nhu cầu về xe sử dụng động cơ đốt trong vẫn còn khá lớn và công ty muốn tập trung vào động cơ hybrid trong thời điểm hiện tại.
2. Tăng cấp độ tự lái
Một chiếc xe có khả năng tự hành cấp độ 5 vẫn chỉ là mục tiêu và ngành công nghiệp ô tô đang nỗ lực hết mình để tiến về phía trước theo hướng đó. Những chiếc xe mới đang liên tục tiến những bước nhỏ hướng tới mức độ tự hành ngày một cao hơn, nhờ vào các tính năng ADAS (Hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến) ngày càng tinh vi.
Sự phát triển của hệ thống ADAS đang giúp những chiếc xe hiện đại tiến dần đến công nghệ tự hành. Ảnh: IIHS
|
Ví dụ về các tính năng ADAS bao gồm hỗ trợ giữ làn đường, giám sát điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau, hỗ trợ đỗ xe tự động và nhận dạng biển báo giao thông. Một số hệ thống công nghệ cao nhất, như BlueCruise của Ford, cung cấp khả năng lái xe hoàn toàn rảnh tay trên những đoạn đường dài, tùy thuộc vào vị trí địa lý.
Sẽ rất thú vị khi chứng kiến công nghệ này phát triển như thế nào vào năm 2025, nhưng bước tiến lớn có thể sẽ diễn ra vào năm 2026. Đó là thời điểm Tesla có kế hoạch ra mắt dịch vụ Robotaxi.
3. Nâng cấp các tính năng kết nối không dây
Ô tô không còn là một vật thể tĩnh, biệt lập và di chuyển bằng bốn bánh mà đang là một phần của Internet vạn vật (IoT). Điều này có nghĩa là các bản cập nhật, tính năng mới của xe có thể được truyền phát hoặc tải xuống từ xa thông qua hệ thống thông tin giải trí trên ô tô hoặc thông qua ứng dụng di động.
Ô tô dần trở thành phương tiện di chuyển thông minh. Ảnh: Hyundai
|
Vai trò của IoT có liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng của các tính năng kích hoạt từ xa và theo hình thức đăng ký thu phí mà các nhà sản xuất ô tô đang có ý định lựa chọn triển khai. Điều này góp phần loại bỏ nhu cầu khách hàng phải trực tiếp mang xe đến gara để nâng cấp, thay vào đó họ có thể tùy chỉnh xe của mình chỉ bằng một nút bấm ngay tại nhà.
4. Ứng phó với những thách thức về an ninh mạng
Sự gia tăng các tính năng công nghệ mới trong các phương tiện hiện đại cũng đi kèm với các vấn đề về an ninh. Khi ô tô ngày càng thông minh hơn và được kết nối nhiều hơn, chúng cũng dễ bị tấn công mạng hơn.
Một chiếc xe có nhiều công nghệ thông minh cũng dễ bị tấn công hơn. Ảnh: Unsplash
|
Các chuyên gia cho rằng những tác động đối với sự an toàn của người lái xe và hành khách rất đáng lo ngại, vì các hệ thống công nghệ này có thể được kết nối với mọi thành phần của ô tô từ ghế ngồi đến động cơ. Do đó, vấn đề đảm bảo an ninh mạng cần phải trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất ô tô để giữ an toàn cho xe của khách hàng và giảm thiểu rủi ro khi các cuộc tấn công xảy ra.
5. Tập trung chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững
Thế giới ngày nay ngày càng tập trung vào tính bền vững và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Mọi ngành công nghiệp đều đang nỗ lực để sản phẩm của mình trở nên "xanh" nhất có thể. Ngành công nghiệp ô tô, vốn là thủ phạm chính gây ô nhiễm cũng đang nhanh chóng chuyển hướng sang các hoạt động bền vững như một trọng tâm chính của sự phát triển.
Thế nên, hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn hiện nay đều đã và đang áp dụng các phương pháp sản xuất với khả năng phát thải thấp, chuyển đổi danh mục sản phẩm từ xe động cơ đốt trong sang điện khí hóa hoặc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
6. Bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng
Khi bản thân những chiếc xe thay đổi, cách chúng ta mua và bán xe cũng thay đổi theo. Ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô lựa chọn mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (Direct to Consumer - DTC). Mặc dù luật pháp hạn chế hoạt động này nhưng một số thương hiệu, điển hình như Tesla đang tìm cách triển khai mô hình DTC.
Tesla đang muốn trở thành hãng xe đầu tiên xóa bỏ đại lý để bán trực tiếp cho người dùng. Ảnh: Driving Instructors' Association
|
Tuy nhiên, không phải ai cũng vui mừng về mô hình bán hàng DTC này vì bản chất chính là việc bỏ qua các đại lý như một trung gian không cần thiết. Trong khi, các đại lý đã coi cách làm này là mối đe dọa đối với sự tồn tại lâu dài của họ. Do đó, hiệp hội các đại lý đã nhiều lần phản đối nỗ lực triển khai mô hình này của các nhà sản xuất ô tô.
Ngô Minh
VietNamNet
|