100 đơn vị nộp thuế thay Agoda, AirBnb, Paypal, Booking, chuyên gia nói gì?
4 nhà cung cấp nước ngoài này chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam. Trung bình các nền tảng đặt phòng trực tuyến thu khoảng 15-30% phí giao dịch. Phí quy đổi tiền tệ Paypal thu cũng không nhỏ.
Tổng cục Thuế vừa có Công văn số 6369 gửi 100 ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam, công bố danh sách 4 nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế tại Việt Nam.
Cụ thể, đó là Công ty Agoda International Pte.Ltd (website https://www.agoda.com); Công ty Paypal PteLtd (https://www.paypal.com); Công ty AirBnb Ireland Unlimited (https://www.Airbnb.com); Công ty Booking.com BV (https://www.Booking.com).
Tổng cục Thuế đề nghị hội sở chính của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thông báo danh sách 4 nhà cung cấp nước ngoài này cho các chi nhánh, để các chi nhánh thực hiện kê khai, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế khi thực hiện thanh toán cho các giao dịch với nhà cung cấp nước ngoài theo quy định.
4 nhà cung cấp nước ngoài gồm Agoda, AirBnb, Booking.com, PayPal chưa thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế tại Việt Nam.
|
Trao đổi với VietNamNet về động thái “rắn” trên của Tổng cục Thuế, chuyên gia thương mại điện tử Bùi Quang Cường cho hay: Hiện chưa có thông tin chính xác thị phần của Agoda, AirBnb, Booking.com, PayPal tại Việt Nam, nhưng đây là những nền tảng về du lịch trực tuyến, thanh toán xuyên biên giới dẫn dắt thị trường trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
“Với nhiều người Việt, mỗi khi đặt phòng trực tuyến còn nghĩ ngay tới Booking, Agoda, giống như người miền Nam hay gọi xe máy là xe Honda vậy. Tôi cũng đã gặp, trao đổi với nhiều khách sạn, homestay thì phần lớn khách nước ngoài, nếu là khách lẻ, đều đến từ Agoda, Booking, AirBnb. Nghĩa là một con số không nhỏ khách hàng nước ngoài đến Việt Nam đặt phòng nghỉ qua các nền tảng trên”, ông Cường chia sẻ.
Vị chuyên gia thương mại điện tử phân tích, nếu xét góc nhìn tổng thể, các nền tảng nước ngoài nêu trên đã góp phần thúc đẩy phát triển cho ngành du lịch Việt Nam cũng như hoạt động thanh toán thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bản thân các nền tảng này cũng hưởng lợi nhiều từ việc thu phí người dùng. Trung bình các nền tảng đặt phòng trực tuyến thu khoảng 15-30% phí giao dịch. Nếu tính % trên doanh thu khách sạn, homestay... sẽ là con số tương đối lớn. Còn phí mà Paypal thu phần lớn là phí quy đổi tiền tệ, tuy chỉ vài phần trăm nhưng lượng tiền qua nền tảng này vào Việt Nam cũng không nhỏ.
Theo ông Cường, đến giai đoạn này, các nền tảng này cần thực hiện tốt hơn nghĩa vụ thuế của mình để tạo cơ chế cùng thắng. Nhà nước cũng cần thu thuế để có ngân sách thúc đẩy kinh tế, xã hội. Dân có giàu, doanh nghiệp phát triển thì mới tiếp tục đi du lịch nhiều, thanh toán nhiều thì “miếng bánh” thị trường của các nền tảng trên cũng sẽ tăng theo.
“Ngoài ra, việc thu thuế này cũng tạo ra sân chơi công bằng với các nền tảng tuân thủ nghĩa vụ thuế, đặc biệt là các nền tảng Việt, để các doanh nghiệp cùng phát triển theo đúng cơ chế thị trường”, ông Cường nói.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, hiện có 123 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế, với tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài trong năm 2024 đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023, vượt 74% so với dự toán.
Lũy kế từ tháng 3/2022 (thời điểm Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành), các doanh nghiệp nước ngoài đã nộp 20.261 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... chiếm khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
|
Bình Minh
VietNamNet
|