Thứ Hai, 23/12/2024 11:51

Vừa mới tăng vốn 2,500 tỷ, KAFI duyệt hạn mức vay 5,000 tỷ tại 2 ngân hàng

Trong liên tiếp 2 ngày 19 và 20/12/2024, HĐQT CTCP Chứng khoán KAFI đã ra Nghị quyết phê duyệt đề xuất hạn mức tín dụng tại 2 ngân hàng gồm BIDV - Chi nhánh Thái Hà và Vietcombank - Chi nhánh Tây Hồ, tổng hạn mức 5,000 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty chứng khoán này chỉ vừa huy động 2,500 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu vào ngày 17/12.

Cụ thể, KAFI phê duyệt hạn mức tín dụng tại BIDV Thái Hà là 3,500 tỷ đồng còn tại Vietcombank Tây Hồ là 1,500 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ dư nợ vay của Công ty tại 2 ngân hàng này ở thời điểm hiện tại. Thời hạn duy trì hạn mức đều là 12 tháng, lãi suất theo quy định của các ngân hàng từng thời kỳ.

Về mục đích sử dụng vốn, hạn mức vay tại BIDV được KAFI cho biết bổ sung cho hoạt động kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, chứng khoán và giấy tờ có giá khác, dịch vụ giao dịch ký quỹ, dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán và các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động hợp pháp. Ngoài ra, Công ty cũng sử dụng tiền vay để bảo lãnh cho các hoạt động (kể cả bảo lãnh vay vốn).

Khoản vay được bảo đảm bằng tiền trên tài khoản thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn, giấy tờ có giá thuộc sở hữu của Công ty do BIDV phát hành hoặc các tổ chức tín dụng khác phát hành được BIDV chấp nhận và/hoặc không có tài sản bảo đảm.

Còn với khoản vay tại Vietcombank, Công ty sẽ bổ sung vốn phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, bên cạnh cấp bảo lãnh cho các hoạt động của Công ty (kể cả bảo lãnh vay vốn).

Công ty bảo đảm bằng tiền gửi, trái phiếu Chính phủ, giấy tờ có giá (trừ cổ phiếu, chứng chỉ quỹ) thuộc sở hữu của Công ty tại Vietcombank, các tổ chức tín dụng khác được Vietcombank chấp nhận từng thời kỳ.

Bảng cân đối kế toán của KAFI thể hiện đây là công ty chứng khoán có tài sản được tài trợ phần lớn bởi vay nợ. Ở thời điểm kết thúc quý 3/2024, Công ty vay nợ hơn 9,874 tỷ đồng, toàn bộ ở kỳ hạn ngắn, chiếm 77% tổng tài sản. So với đầu năm 2024, dư nợ đã tăng gấp đôi.

Trong cơ cấu, KAFI vay gần 4,888 tỷ đồng từ các ngân hàng trong nước có kỳ hạn dưới 1 năm, lãi suất 2.25 - 6.5%/năm, nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Các tài sản như 400 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, 2,955 tỷ đồng giấy tờ có giá và 350 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn đã được dùng để thế chấp cho các khoản vay.

Còn lại, KAFI vay gần 4,987 tỷ đồng từ các tổ chức và cá nhân theo gói giao dịch K-Wealth và vay bên thứ 3 với thời hạn tối đa 365 ngày, lãi được tính dựa trên số ngày vay thực tế, mức lãi suất từ 2.55 - 8.25%/năm. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo.

Nguồn: BCTC quý 3/2024 của KAFI

Về hoạt động đầu tư, Công ty nắm giữ danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) hơn 7,547 tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu năm, chủ yếu là đi vào giấy tờ có giá, tiền gửi có kỳ hạn hơn 5,471 tỷ đồng và hơn 977 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết của tổ chức tín dụng, bao gồm giá trị giấy tờ có giá, tiền gửi và trái phiếu mang đi thế chấp cho các khoản vay kể trên.

Công ty cũng có dư nợ cho vay gần 4,680 tỷ đồng, gấp 4.3 lần đầu năm, chủ yếu là cho vay hoạt động ký quỹ và một lượng ít cho hoạt động ứng trước tiền bán.

Nguồn: BCTC quý 3/2024 của KAFI

Gần đây, KAFI cũng gây chú ý khi hoàn tất chào bán 250 triệu cp cho cổ đông hiện hữu vào ngày 17/12, tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền 1:1, qua đó tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 5,000 tỷ đồng.

Với giá chào bán 10,000 đồng/cp, Công ty thu về 2,500 tỷ đồng, chủ yếu bổ sung 1,125 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh chứng khoán và 1,125 tỷ đồng cho hoạt động cho vay ký quỹ, tổng cộng 2,250 tỷ đồng, tương ứng 90% tổng vốn huy động.

Phần còn lại, Công ty dùng 150 tỷ đồng (6%) để bổ sung ngân sách hoạt động; dùng 75 tỷ đồng (3%) đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công nghệ; 25 tỷ đồng (1%) dành cho đầu tư phát triển, duy trì mạng lưới Chi nhánh hoặc Phòng giao dịch.

Sau đợt chào bán, cơ cấu sở hữu của KAFI ghi nhận 1 cổ đông lớn là Gentle Sun Investment Limited nắm 20%, còn lại là loạt cá nhân sở hữu trực tiếp gần 5%, trong đó có Chủ tịch HĐQT VIB ông Đặng Khắc Vỹ nắm 4.86% và người thân trong gia đình ông Vỹ nắm thêm một lượng cổ phiếu đáng kể.

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   Phát Đạt dự chi tối đa 650 tỷ đồng để mua lô đất “vàng” quận 3 (23/12/2024)

>   DAD: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng tạm ứng cổ tức 2024 (23/12/2024)

>   DHT: Công bố thông tin bất thường về Quyết định xử phạt hành chính của Tổng cục thuế (23/12/2024)

>   NAG: Nghị quyết Hội đồng quản trị (23/12/2024)

>   NVB: Nghị quyết Hội đồng quản trị (23/12/2024)

>   NCG: Nghị quyết Hội đồng quản trị (23/12/2024)

>   PRT: Đính chính thời gian đảm nhiệm của Ông Lê Trọng Nghĩa tại Báo cáo Tài chính giữa niên độ năm 2024 (23/12/2024)

>   CMT: Lựa chọn đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính 2024 (23/12/2024)

>   VGI: Nghị quyết Hội đồng quản trị (23/12/2024)

>   VIR: Nghị quyết Hội đồng quản trị (23/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật