Vừa lập ‘cú đúp’ kỷ lục lịch sử, gạo Việt lại có diễn biến bất ngờ
Xuất khẩu gạo Việt Nam vừa lập “cú đúp” kỷ lục lịch sử cả về lượng lẫn giá trị. Thế nhưng, mặt hàng thế mạnh này lại có diễn biến bất ngờ trong những ngày cuối cùng của năm 2024.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 9,01 triệu tấn gạo, thu về gần 5,8 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 10,9% nhưng giá trị lại tăng mạnh 23,1%.
Theo đó, ngành gạo lập kỷ lục lịch sử cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu kể từ năm 1989 (năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo) đến nay.
Hạt gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định chất lượng trên thị trường quốc tế với giá bán neo cao và đắt đỏ nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới.
Thống kê cho thấy, giá gạo xuất khẩu trung bình 11 tháng năm 2024 đạt 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, những ngày cuối cùng của năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại có diễn biến bất ngờ.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam phiên 23/12 giảm mạnh, về mức 485 USD/tấn. Đây cũng là mức giá thấp nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu kể từ tháng 6/2023 đến nay.
Ngoài ra, gạo Việt cũng mất vị thế giá cao nhất so với nhóm quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới khi thấp hơn hàng cùng loại của Thái Lan 16 USD/tấn.
Hiện, các loại gạo 25% tấm và 100% tấm xuất khẩu của nước ta cũng giảm mạnh, lần lượt về mức 458 USD/tấn và 388 USD/tấn.
Trong khi đó, ở thị trường nội địa, giá lúa thường tại ruộng giảm còn 6.921 đồng/kg, lúa thường tại kho giá 8.100 đồng/kg; gạo 5% tấm giá 12.307 đồng/kg, gạo 25% tấm giá 11.733 đồng/kg...
Theo các chuyên gia, nhu cầu đối với gạo thơm vẫn ổn định, đặc biệt từ các thị trường như Philippines và châu Phi. Tuy nhiên, giá gạo trắng có xu hướng giảm khi nguồn cung tăng và gặp sự cạnh tranh gia tăng từ Ấn Độ, Thái Lan.
Các nhà phân tích dự báo nhập khẩu gạo của Indonesia và Philippines (hai khách hàng lớn nhập khẩu gạo Việt Nam) sẽ giảm khi họ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để tăng cường sản xuất nội địa.
Mới đây, Tổng thống Indonesia Prabovo Subianto có tuyên bố đáng chú ý về khả năng nước này sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2025: “Đã có thông tin đáng khích lệ, sản xuất lương thực của chúng ta đã tăng. Gạo dự trữ có trong kho đang lớn nhất từ trước tới nay, đạt xấp xỉ 2 triệu tấn. Rất có thể trong năm 2025, chúng ta không phải nhập khẩu”.
Đến cuối tháng 12 năm nay, gạo dự trữ tại Bulog vào khoảng 2 triệu tấn, lượng gạo tồn trong cộng đồng là hơn 6 triệu tấn. Như vậy, Indonesia có tổng lượng hơn 8 triệu tấn gạo tồn kho.
Các thông tin trên kéo giá gạo Việt Nam giảm mạnh trong những ngày vừa qua, bất chấp nguồn cung cho xuất khẩu dự kiến khan hiếm cho đến trước tháng 3/2025.
Tâm An
VietNamNet
|