TP.HCM và những “đòn bẩy” cho năm 2025!
Ngày 01/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trao quyết định cán bộ đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, theo đó thay 2 vị trí giám đốc “siêu ban” này là ông Lương Minh Phúc (Giám đốc Ban) và ông Bùi Thanh Tân (Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM). 10 ngày sau, ông Tân bị khởi tố vì hành vi nhận hối lộ.
Cùng ngày, sau 2 năm vị trí trưởng ban bị trống (do Trưởng ban khi đó là ông Bùi Xuân Cường đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), chức vụ Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) đã được tiếp nhận bởi ông Phan Công Bằng.
Kết quả: Ngày 22/12 vừa qua, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã chính thức vận hành thương mại, sớm trước dự kiến hơn 1 tuần. Tiến độ Vành đai 3, 2 và 4 đều gia tăng đáng kể. Những ngày cuối năm 2024 này, ở nhiều khu vực “vành đai” thành phố, không khác gì một đại công trường. Đó là chưa nói đến tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng đã được khởi động công tác thi công di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đồng loạt tại 12 vị trí nhà ga và đoạn đào hở trên toàn tuyến metro số 2 dọc theo trục đường Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng 8 và Trường Chinh từ tháng 3-2024. Hiện đã hoàn thành di dời, đấu nối đóng điện tuyến cáp ngầm cao thế 110kV phục vụ xây dựng nhà ga S2 - Tao Đàn…
Một “phác thảo” về sự thay đổi nhân sự cấp cao, chủ chốt ở một “siêu ban” và ban trọng điểm của TP.HCM nhưng không làm chậm lại hay gây khó khăn trong công tác điều hành; ngược lại đã đẩy nhanh tiến độ công việc. Trong đó, phần giải ngân thông qua giải phóng mặt bằng của dự án Vành đai 2 (cùng với dự án rạch Xuyên Tâm, Kênh Đôi) đã góp công lớn gia tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố đến hết ngày 24/12 đạt hơn 63% (tương ứng số tiền của 3 dự án lớn nói trên là 23,000 tỷ đồng).
Theo đó, tính toán của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại kỳ họp HĐND TP vừa qua là hoàn toàn có cơ sở. Từ ngày 7 đến ngày 24/12, đã giải ngân thêm hơn 30%, tức khoảng 4 ngày tăng gần 10% thì 20 ngày còn lại của năm sẽ đạt gấp 5 lần, dẫn tới có thể đạt chỉ tiêu 50% còn lại. “Chỉ tiêu 80% ló dạng rất rõ” - ông Nên dự báo.
Như vậy là sau 3 quý liên tiếp tỷ lệ giải ngân đầu tư công bị đặt trong tình trạng báo động đỏ - tức là 1 trong 3 trụ cột của động lực tăng trưởng không đạt ở mức khá sâu - thì đến cuối quý 4, những con số tăng mạnh đến từ các dự án lớn đang trên đường về đích. Điều này lại xác lập chất lượng tăng trưởng của kinh tế thành phố năm 2024 là khá cân bằng, ít nhất là với 2 trụ cột còn lại - tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2024 ước đạt 567,982 tỷ đồng, tăng 11.2% so với năm 2023 (cùng kỳ tăng 9.6%). Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế. Thực hiện chi tiêu công hiệu quả, tiếp tục kích cầu tiêu dùng và Chương trình bình ổn thị trường. Thành phố cũng tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời hoàn thiện chuỗi sự kiện, lễ hội, triển khai các chương trình kích cầu du lịch đã gia tăng lượng khách quốc tế lẫn nội địa, tổng thu du lịch năm 2024 ước đạt 190,000 tỷ đồng, tăng 18.8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài việc đẩy mạnh truyền thông về các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thông tin thị trường quốc tế và mặt hàng xuất nhập khẩu, thành phố ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố cửa khẩu cả nước năm 2024 ước đạt 46.9 tỷ đô-la Mỹ, tăng 10.4% so năm 2023 (cùng kỳ giảm 8.64%). Năm 2024, xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng hồi phục, nhiều doanh nghiệp ngành nhận đủ đơn hàng đến quý 1 năm 2025. Kết quả mang lại khả quan: GRDP Thành phố tăng trưởng vượt dự ước lần 2, đạt 7.17 % (tăng 0.21%) tiệm cận với mục tiêu đề ra.
Những dự án thúc đẩy liên kết vùng; metro số 1 vừa vận hành thì Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương đầu tư đường sắt đô thị cho 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM trong 15 năm tới. Đặc biệt là định chế tài chính đầu tiên của quốc gia là Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM (cùng với Đà Nẵng) đã được Bộ Chính trị đồng ý thành lập cùng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được Chính phủ phê duyệt chủ trương trong tuần tới (ngày cận cuối năm 2024)… tất cả là những “đòn bẩy” khổng lồ để năm 2025, TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung sẽ thật sự bước vào một cuộc chạy đua cho một “Kỷ nguyên vươn mình” đúng nghĩa, thực chất, hiệu quả.
Quốc Học
FILI
|