TPHCM còn tồn kho 86 dự án nhà ở thương mại từ giai đoạn 2015-2023
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) có báo cáo sơ nét về thị trường bất động sản thành phố trong 11 tháng đầu năm 2024, cho thấy kết quả quá trình triển khai các dự án nhà ở nói chung còn khiêm tốn.
HoREA ước thị trường bất động sản thành phố 11 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng dương trên dưới 9% do kết quả doanh thu kinh doanh bất động sản trong 11 tháng có thể đạt 250 ngàn tỷ đồng.
Diễn biến thị trường bất động sản thành phố giai đoạn 2020 -2024 theo số liệu Cục Thống kê cho thấy 2023 là năm khó khăn nhất và quý 1/2023 là vùng đáy của thị trường bất động sản do bị sụt giảm sâu nhất đến 16.2%.
Hiệp hội nhận thấy, kể từ quý 2/2023 đến nay thị trường bất động sản đã bắt đầu phục hồi trở lại, liên tục nhưng với tốc độ chậm theo xu thế khó khăn giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, đồng thời các doanh nghiệp bất động sản cũng dần vượt qua khó khăn nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp có thẩm quyền, điển hình là chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau đại dịch COVID-19.
Ban Chỉ đạo và các Tổ Công tác của Chính phủ đã phối hợp với Tổ công tác của UBND TPHCM để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Điển hình 10 tháng đầu năm 2024, Tổ Công tác 1435 của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển đến TPHCM 64 dự án để được xem xét giải quyết và Tổ Công tác chuyên đề của UBND thành phố đã họp 10 cuộc họp xem xét giải quyết cho 34 dự án, trong đó có 8 dự án được giải quyết dứt điểm, còn lại 26 dự án có vướng mắc đang được các Sở, ngành và thành phố Thủ Đức tiếp tục xử lý theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý trên địa bàn thành phố chưa được giải quyết.
Còn tồn kho 86 dự án nhà ở thương mại từ giai đoạn 2015-2023
Theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2024 chỉ có 12 dự án nhà ở (trong đó có 1 dự án nhà ở xã hội) được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, gồm 6 dự án do Sở Kế hoạch Đầu tư giải quyết và 6 dự án do UBND TP Thủ Đức giải quyết nhờ có cơ chế phân cấp, ủy quyền. HoREA đánh giá con số 12 dự án là quá ít và chỉ bằng 1/5 số lượng dự án vào các năm trước COVID-19.
Ở diễn biến khác, không có dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được giao đất, cho thuê đất trong 11 tháng qua và chỉ cấp Giấy phép xây dựng cho 2 dự án nhà ở thương mại nhưng không có dự án nhà ở xã hội được cấp Giấy phép xây dựng.
Theo đó, chỉ có 31 dự án nhà ở thương mại đang triển khai thực hiện với 31,167 căn hộ, chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng dự án triển khai thực hiện hàng năm trước đây. Trong đó, vỏn vẹn 4 dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa sản phẩm ra thị trường với 1,611 căn, đáng chú ý toàn bộ đều là nhà ở cao cấp. Với tổng giá trị vốn cần huy động là 15,142 tỷ đồng, giá bán sơ cấp bình quân mỗi căn rơi vào khoảng 9.39 tỷ đồng/căn, theo đó giá bán thực tế sẽ còn cao hơn.
Nhìn lại giai đoạn 2015-2023, TPHCM có 138 dự án nhà ở thương mại được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng trên thực tế chỉ có 52 dự án đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất 342.58ha, dự kiến cung cấp 41,637 căn nhà gồm 35,556 căn hộ và 6,081 nhà thấp tầng.
Bên cạnh đó, lại có đến 86 dự án nhà ở thương mại đã ngưng thi công hoặc chưa thi công (dự án tồn kho) bao gồm 30 dự án đã ngưng thi công có quy mô sử dụng đất 210.3ha với 21,676 căn nhà; 56 dự án chưa thi công có quy mô 754.1ha với 28,160 căn, trong đó có dự án còn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
HoREA đánh giá lượng dự án tồn kho trên dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai; tăng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, mất cân đối giữa phân khúc nhà ở cao cấp và nhà ở bình dân; làm giá nhà tăng liên tục trong nhiều năm; khiến chủ đầu tư bị mất cơ hội kinh doanh, bị chôn vốn.
Sở Xây dựng cho biết không có dự án nhà ở thương mại được chuyển nhượng trong 11 tháng qua. HoREA nhận định kết quả này cho thấy hoạt động chuyển nhượng dự án (M&A) đang bị ách tắc dù nhu cầu thực tế rất lớn của nhiều chủ đầu tư để tái cơ cấu đầu tư, vượt qua khó khăn, tạo dòng tiền. Do đó, Hiệp hội cho rằng cần tháo gỡ điểm nghẽn về hoạt động M&A để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa khơi thông ách tắc cho hoạt động M&A, vừa hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và vừa tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Chỉ mới hoàn thành 6 dự án nhà ở xã hội từ năm 2021 đến nay
Kết quả phát triển nhà ở xã hội 11 tháng đầu năm, TPHCM chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên, tuy đã động thổ vào cuối tháng 8/2024 nhưng đến nay vẫn chưa có giấp phép xây dựng do UBND huyện Bình Chánh chưa phế duyệt quy hoạch 1/500.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ có 6 dự án nhà ở xã hội với 4,754 căn hộ đang triển khai thi công cầm chừng do vướng mắc pháp lý và 2 dự án nhà ở xã hội với 1,512 căn hộ đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa nghiệm thu.
Nhìn lại từ năm 2021 đến nay, chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6,000 căn, chỉ đạt 8.6% so với kế hoạch phát triển 69,700 căn hộ nhà ở xã hội.
Thượng Ngọc
FILI
|