Chủ Nhật, 01/12/2024 21:02

Tiếp tục làm điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam nên chọn công nghệ nào?

Quốc đã hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Vậy, Việt Nam nên lựa chọn công nghệ nào trong phát triển điện hạt nhân?

Điện hạt nhân là nguồn điện lớn có khả năng chạy nền và cung cấp điện ổn định, là nguồn điện xanh và bền vững. Do đó, phát triển nguồn điện này không chỉ giúp đa dạng nguồn cung, mà còn bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.

Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp 8, trong đó đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ được giao bố trí nguồn lực thực hiện việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo kết luận của cấp có thẩm quyền. 

Như vậy, sau 8 năm tạm dừng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được khởi động lại.

Trước đó, địa điểm quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Một trong 2 địa điểm được quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Ảnh: Xuân Ngọc

Vậy, Việt Nam nên lựa chọn công nghệ nào trong phát triển điên hạt nhân?

Báo cáo tóm tắt kinh nghiệm quốc tế và phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) mới đây nêu rõ, xu thế công nghệ điện hạt nhân phổ biến trên thế giới trong thời gian tới là xây mới lò phản ứng nước nhẹ (LWR) công nghệ tiên tiến thế hệ III+; nghiên cứu, phát triển lò phản ứng thế hệ IV; nghiên cứu và phát triển lò hạt nhân công suất nhỏ SMR.

Các nhà máy điện hạt nhân được xem xét gần đây hầu hết là các lò phản ứng thế hệ II và III+, trong đó các lò phản ứng đang được xây dựng mới hiện nay đều là lò nước nhẹ thế hệ II+. 

Hầu hết các nhà máy điện hạt nhân mới đang được xây dựng hoặc đang vận hành đều có thiết kế lớn, cải tiến với mức công suất lớn từ 1.000-1.700MW, xây dựng trên các hệ thống đã được kiểm chứng đồng thời kết hợp các tiến bộ công nghệ.

“Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011, đã có rất nhiều yêu cầu cải tiến về an toàn nhà máy”, Viện Năng lượng nhấn mạnh. 

Theo đó, cách tiếp cận đến vấn đề an toàn được hình thành từ thống kê, kinh nghiệm kèm theo khả năng phân tích đánh giá diễn biến sự cố sử dụng công cụ máy tính hiện đại mô phỏng và dự báo, cũng như áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các phương pháp phân tích. Các hệ thống an toàn cũng được gia tăng, an toàn chủ động kết hợp với an toàn thụ động, đảm bảo ngay cả khi mất nguồn cung cấp điện, nhiều hệ thống dự phòng được lắp đặt thêm trong những thiết kế mới.

Trong khi các thiết kế lò phản ứng thế hệ IV đang tiếp tục được nghiên cứu, phát triển hướng tới các đặc tính bền vững với việc khai thác nhiên liệu hạt nhân hiệu quả hơn, giảm thiểu phát thải chất thải hạt nhân. Đồng thời nâng cao tính an toàn, không cần thiết ứng phó sự cố và nâng cao hiệu quả kinh tế…

Theo Viện Năng lượng, đối với nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn, công nghệ đã được kiểm chứng. Mặc dù có những sự cố trong quá khứ, điện hạt nhân truyền thống vẫn là một công nghệ tương đối an toàn; mật độ năng lượng cao so với diện tích yêu cầu; lượng khí thải carbon thấp; chi phí vận hành thấp hơn so với nhiều công nghệ khác; tiêu thụ rất ít nhiên liệu, không cần cơ sở chứa nhiên liệu lớn.

Đặc biệt, sản lượng điện sản xuất thường không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, là nguồn điện nền, đáp ứng nhu cầu điện lớn do có hiệu suất và hệ số phụ tải cao (80-90%).

Tuy nhiên, phát triển điện hạt nhân truyền thống cần kiểm soát tiến độ và vốn đầu tư vì đây là 2 yếu tố quan trọng nhưng tương đối bất định.

Ngoài ra, đồng thuận xã hội, an toàn vận hành, lưu giữ và xử lý chất thải hạt nhân, tham gia chuỗi cung ứng, xây dựng nguồn nhân lực, văn hóa hạt nhân... cũng là các vấn đề cần lưu ý trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành điện truyền thống.

Với công nghệ điện hạt nhân công suất nhỏ SMR, ưu điểm là công tác quản lý đầu tư chủ động, linh hoạt hơn cùng chi phí địa điểm thấp hơn, việc lựa chọn địa điểm phong phú hơn do cần diện tích nhỏ. Chưa kể, công nghệ này có thể đạt được sự đồng thuận của xã hội dễ dàng hơn, thời gian xây dựng kỳ vọng ngắn hơn nhờ thiết kế đơn giản hơn.

Hầu hết được thiết kế theo triết lý an toàn thụ động, giảm thiểu tối đa rò rỉ phóng xạ trong hầu hết các tình huống, loại trừ khả năng xảy ra các sự cố nghiêm trọng.

Đáng chú ý, nhờ quy mô phân tán nên giảm được nhu cầu đầu tư tăng cường lưới truyền tải so với điện hạt nhân quy mô lớn; hỗ trợ vận hành linh hoạt hệ thống điện có tỷ trọng thâm nhập năng lượng tái tạo cao; điện hạt nhân SMR dạng nổi có thể bổ sung nhanh công suất thiếu hụt cho các trung tâm phụ tải.

SMR nổi cũng là một hướng phát triển nhờ tính di động của nhà máy cho phép nó có thể được di chuyển từ nơi này tới nơi khác nếu cần thiết. Từ khía cạnh này, các tổ máy điện hạt nhân nổi thích hợp vận hành tại các khu vực ven biển, hoặc những nơi nằm xa hệ thống cấp điện trung tâm.

Viện Năng lượng nhận xét, về công nghệ, lò nước nhẹ (LWR) tiên tiến, thế hệ III+ là công nghệ đã được kiểm chứng và đã được thương mại hóa rộng rãi, kinh nghiệm vận hành tích lũy qua gần 70 năm.

Lò SMR có một số ưu thế về thời gian xây dựng, tổng mức đầu tư không lớn như các lò truyền thống, nhưng còn một số thách thức về công nghệ như chưa thương mại hóa, nên cần đẩy mạnh nghiên cứu để đảm bảo tính kiểm chứng trong vận hành thương mại.

Theo ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, không ít người nghĩ làm ở quy mô nhỏ sẽ dễ thu xếp vốn và dễ thực hiện hơn. Song, khi ông trao đổi với các chuyên gia về năng lượng nguyên tử, và được biết điện hạt nhân quy mô nhỏ hay quy mô lớn về mặt quy trình làm việc với các đối tác quốc tế vẫn giống nhau. 

Có nghĩa, xây dựng 1 nhà máy quy mô nhỏ thì các bước thực hiện, làm việc với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) không khác gì xây nhà máy điện hạt nhân với công suất gấp 10 lần. 

Đó là chưa kể, dự án điện hạt nhân quy mô nhỏ đến nay theo những thông tin chia sẻ vẫn đang thử nghiệm, chưa phải là công nghệ hoàn chỉnh đã được kiểm chứng. Do đó, chúng ta không dại gì đi mua một công nghệ mới thử nghiệm để mang về “đánh bạc” với an ninh quốc gia, đặc biệt là điện hạt nhân.

“Tôi cho rằng nên lựa chọn xây dựng dự án điện hạt nhân quy mô lớn. Có thể đến lúc nào đó trong tương lai, 10 hay 20 năm tới sẽ có những công nghệ điện hạt nhân quy mô nhỏ hoàn chỉnh, phổ biến thì chúng ta xem xét triển khai”, ông nói.

Theo Viện Năng lượng, cần tổ chức lập quy hoạch phát triển điện hạt nhân để làm rõ tiềm năng phát triển các loại hình ở quy mô lớn, quy mô nhỏ và quy mô siêu nhỏ. Cùng với đó, xác định các vị trí tiềm năng, khả thi để phát triển nhà máy điện hạt nhân.

Ngoài 2 địa điểm ở Ninh Thuận, cơ quan này cho rằng cần nghiên cứu phương án thay thế các nhà máy nhiệt điện than cũ, hết tuổi thọ cần tháo dỡ bằng nhà máy điện hạt nhân.

Tâm An

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Một "đại" siêu thị ở Hà Nội đổi tên sau 20 năm (01/12/2024)

>   Chủ tịch Quốc hội: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là minh chứng tư duy đổi mới (01/12/2024)

>   Bất ngờ về con số bán hàng Việt của Quang Linh Vlog (01/12/2024)

>   Thế giới bán 1.000 tỷ con chip/năm, cơ hội nào cho Việt Nam? (01/12/2024)

>   Chuẩn bị đủ quỹ đất để phục vụ dịch vụ logistics và thương mại điện tử (01/12/2024)

>   Quốc hội chấp thuận tăng vốn cho Vietcombank, thông qua các giải pháp gỡ khó cho Vietnam Airlines  (30/11/2024)

>   Thời trang Việt đuối sức (30/11/2024)

>   Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên tới 271% với pin mặt trời Việt Nam (30/11/2024)

>   BWF Ventures tham gia đồng hành chiến lược cùng sự kiện AI Marketing 2024 (30/11/2024)

>   BWF Ventures tham gia đồng hành chiến lược cùng sự kiện AI Marketing 2024 (30/11/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật