TCM lãi vượt kế hoạch 63% sau 11 tháng, đầy đơn hàng đến quý 1/2025
CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) ước lãi sau thuế 11 tháng của công ty mẹ hơn 263 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ 2023 và vượt 63% mục tiêu lợi nhuận năm.
Báo cáo sơ bộ của công ty mẹ TCM cho thấy doanh thu lũy kế 11 tháng khoảng 3,481 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và đạt 94% kế hoạch năm. Lãi sau thuế ước đạt 263.2 tỷ đồng, tăng 49% và vượt 63% mục tiêu lợi nhuận năm.
Riêng tháng 11, doanh thu công ty mẹ đạt 325 tỷ đồng và lãi sau thuế 20.9 tỷ đồng, tăng 18% và 151% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, doanh thu chủ yếu từ sản phẩm may (76%), kế đến là vải (16%) và sợi (7%).
TCM cho biết đến nay đã gần lấp đầy đơn hàng cho quý 1/2025 và chuẩn bị tiếp nhận đơn hàng cho quý 2. Năm qua, TCM đẩy mạnh đơn hàng đến Hàn Quốc, đặc biệt đơn hàng từ Tập đoàn E-Land với 10 triệu sản phẩm may, gấp đôi năm 2023.
Tháng 11, thị trường châu Á đóng góp 68.3% vào tổng doanh thu Công ty, riêng Hàn Quốc chiếm 35.91%, lớn hơn cả thị trường châu Mỹ (27.5%) và châu Âu (4%).
TCM có được đà tăng trưởng tốt trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam ghi nhận những kết quả tích cực. Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) báo tin vui rằng năm 2024, dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và sự chuyển dịch mạnh đơn hàng giúp doanh nghiệp Việt có đơn hàng dồi dào trong quý 3-4/2024, giúp ngành dệt may cán đích với kim ngạch lên tới 44 tỷ USD.
"Với đà phục hồi mạnh mẽ của các đơn hàng, năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD", ông Giang cho hay.
Công nhân một xưởng may trong ca làm việc. Ảnh minh họa
|
Dù có lợi thế và dư địa tốt, song theo nhiều chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt không ít khó khăn. Trong đó, thách thức rõ nhất là việc các nhãn hàng thay đổi phương án mua hàng, đồng thời không còn đặt đơn hàng số lượng lớn mà thường xuyên chia nhỏ đơn hàng, yêu cầu giao nhanh trong thời gian ngắn.
Các hiệp định FTA thế hệ mới giảm hàng rào thuế quan nhưng cũng đưa ra đòi hỏi khắt khe hơn về xuất xứ sợi, vải, trong khi Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn xơ sợi, vải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc...
Thế Mạnh
FILI
|