Nhìn lại thị trường chứng khoán 2024: Nghi hoặc và giằng co
Năm 2024 đi qua với liên tiếp các sự kiện nóng xảy ra ở trên thế giới cũng như trong nước, song hành với đó là nhiều câu chuyện tốt có, xấu có, qua đó vẽ lên bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam đầy màu sắc.
Hàng loạt sự kiện kinh tế nổi bật đã lần lượt tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, Việt Nam và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, đáng chú ý trong đó là Quốc hội thông qua Luật Đất đai và Luật các Tổ chức Tín dụng sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu sau thời gian tạm ngưng và bán vàng cho 4 Ngân hàng thương mại để bán trực tiếp cho người dân, Mỹ hoãn công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68 tháo gỡ nút thắt Pre-funding (ký quỹ trước giao dịch đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài)…
Hay trên thế giới, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất lần thứ hai kéo theo sự kiện "carry trade" đồng Yên, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ, Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ…
Song hành với các sự kiện là nhiều câu chuyện nóng tác động lớn đến TTCK Việt Nam, điển hình như dấu hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết, tuy nhiên cũng phải đối diện với áp lực tỷ giá vô cùng lớn và khối ngoại bán ròng kỷ lục.
Theo dòng chảy đó, TTCK Việt Nam khởi đầu đầy hứng khởi trong nửa đầu năm 2024 nhưng cũng nhanh chóng chững lại và bước vào giai đoạn giằng co tích lũy chính trong vùng 1,200 - 1,300 điểm.
Thanh khoản thị trường cũng tăng tốc trong nửa đầu năm theo đà tăng của chỉ số để rồi ảm đạm trong phần còn lại. Tính chung cả năm, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trên HOSE gần 18.7 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 22% so với năm 2023.
Nhóm ngành tài chính (chủ đạo là ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) tiếp tục thu hút lượng lớn dòng tiền, chiếm khoảng 30 - 40% tổng thanh khoản mỗi tháng, tiếp đến là bất động sản chiếm khoảng 15 - 20%.
Tuy vậy, nếu xét về hiệu suất, ngành sắm vai “sao sáng” lại là dịch vụ viễn thông với mức tăng trưởng mạnh mẽ gần 320% so với đầu năm, đánh bại mức 12% của VN-Index.
VN-Index tăng gần 140 điểm so với đầu năm, đóng góp lớn nhất là FPT gần 27 điểm, theo sau là “bộ tứ” ngân hàng TCB, VCB, CTG và LPB. Ở chiều ngược lại, không ghi nhận riêng trường hợp nào tác động quá mạnh đến chỉ số.
Lũy kế cả năm 2024, quy mô bán ròng đã lên đến 92.4 ngàn tỷ đồng trên HOSE, mức kỷ lục trong 24 năm hoạt động của TTCK Việt Nam. Tương tự tại HNX, khối ngoại cũng có năm bán ròng với quy mô trên 1 ngàn tỷ đồng. Nhìn vào dòng vốn quỹ ETF tại Việt Nam, các quỹ đã rút ròng tổng cộng gần 1 tỷ USD tính đến ngày 13/12.
Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để giải thích cho câu chuyện này mà chủ đạo là xu hướng dòng vốn toàn cầu “chảy” về thị trường Mỹ để hưởng lợi từ làn sóng AI, ngành công nghệ cao, bên cạnh áp lực tỷ giá gia tăng và việc trễ hẹn với câu chuyện nâng hạng thị trường.
Huy Khải
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI
|