Nhìn lại những sự kiện kinh tế tài chính nóng nhất trong năm 2024
Nhìn lại những sự kiện kinh tế tài chính nóng nhất trong năm 2024
Năm 2024 chứng kiến những biến động chưa từng có trên thị trường tài chính toàn cầu: Từ sự trở lại ngoạn mục của Donald Trump, Bitcoin phá vỡ mọi kỷ lục cho đến bước ngoặt lịch sử trong chính sách của Trung Quốc.
Hãy cùng chúng tôi điểm lại 10 sự kiện đáng chú ý nhất đã định hình bức tranh tài chính năm 2024, một năm của những đột phá công nghệ, thay đổi chính sách và những cú sốc chưa từng có trên thị trường toàn cầu.
Chiến thắng lịch sử của Donald Trump
Trong một chiến thắng được ví như màn trở lại ngoạn mục, Donald Trump đã chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Mỹ.
Với 312 phiếu đại cử tri so với 226 phiếu của đối thủ Kamala Harris, ông Trump đã giành chiến thắng áp đảo ở cả 7 bang chiến địa quan trọng. Ở tuổi 78, ông không chỉ là tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ mà còn là người đầu tiên đắc cử với tư cách một người từng bị kết án.
Chiến thắng của Trump được cho là kết quả của nhiều yếu tố: Sự thất vọng của cử tri về tình hình kinh tế dưới thời Biden, lo ngại về vấn đề nhập cư ở biên giới phía Nam, và khả năng vận động tranh cử xuất sắc của ông. Đặc biệt, việc Phó Tổng thống Harris thay thế Biden trong cuộc đua đã không tạo được sự đột phá như kỳ vọng của Đảng Dân chủ.
Thị trường tài chính phản ứng mạnh mẽ trước kết quả bầu cử. Chỉ số S&P 500 tăng vọt 5% trong phiên giao dịch đầu tiên sau thông báo kết quả, trong khi đồng USD mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền chính. Nhà đầu tư kỳ vọng vào các chính sách thân doanh nghiệp của Trump, bao gồm cắt giảm thuế và nới lỏng quy định.
Bitcoin vượt 100,000 USD
Đồng tiền ảo hàng đầu thế giới đã vượt ngưỡng 100,000 USD trong năm 2024, ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn 130% từ đầu năm. Hai động lực chính thúc đẩy đà tăng này là việc các quỹ ETF Bitcoin giao ngay được chấp thuận và chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Thị trường đặc biệt quan tâm đến quyết định của Tổng thống đắc cử Trump khi đề cử Paul Atkins - một thành viên Token Alliance và cựu ủy viên SEC làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Việc này củng cố thêm kỳ vọng về một "kỷ nguyên vàng" cho tiền số, với những chính sách ủng hộ như thiết lập kho dự trữ Bitcoin chiến lược quốc gia và chuyển quyền giám sát từ SEC sang Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) - một cơ quan được đánh giá có cái nhìn cởi mở hơn với tài sản ảo.
Fed khởi động chu kỳ giảm lãi suất
Fed đã bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19, với ba đợt cắt giảm trong năm 2024: Giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 9 và 25 điểm trong tháng 11 và tháng 12, đưa lãi suất mục tiêu xuống 4.25-4.5%.
Tuy nhiên, Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh, không vội vã nới lỏng thêm, viện dẫn nền kinh tế Mỹ đang "vượt xa các nền kinh tế lớn khác" với lạm phát gần mục tiêu 2% và thị trường lao động vững chắc.
Trung Quốc tung gói kích thích kinh tế khổng lồ
Năm 2024 chứng kiến bước ngoặt chưa từng có trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này liên tiếp tung ra những động thái kích thích quy mô chưa từng thấy.
Ngày 24/9/2024, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đồng thời giảm cả lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc - một động thái chưa từng có trong 10 năm.
Sau đó, Bắc Kinh công bố gói giải cứu khổng lồ 1,400 tỷ USD, trong đó 840 tỷ USD dành cho xử lý nợ địa phương trong 5 năm tới và 560 tỷ USD từ phát hành trái phiếu đặc biệt.
Những động thái quyết liệt này được đưa ra trong bối cảnh kép: Vừa phải đối phó với khủng hoảng nợ nội địa, vừa chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh thương mại mới dưới thời Trump.
Giới đầu tư tháo chạy khỏi giao dịch carry trade Yên Nhật
Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo khi đồng Yên Nhật bất ngờ tăng vọt hơn 6.8% trong tuần đầu tháng 8, chạm mức mạnh nhất trong 7 tháng - một động thái đã kích hoạt làn sóng tháo chạy khỏi chiến lược carry trade với quy mô ước tính lên tới 1,100 ngàn tỷ USD.
Nguyên nhân đến từ quyết định bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nâng lãi suất lên 0.25%. Dù vẫn là mức thấp nhất trong thế giới công nghiệp, động thái này đã làm lung lay niềm tin cơ bản rằng lãi suất của Nhật Bản mãi ở mức thấp.
Carry trade - chiến lược vay tiền ở thị trường lãi suất thấp như Nhật Bản để đầu tư vào nơi có lãi suất cao hơn - đã sụp đổ chóng vánh. Tại thời điểm đó, JPMorgan Chase & Co. ước tính 3/4 giao dịch carry trade tiền tệ toàn cầu đã bị đóng lại. Tình hình căng thẳng đến mức Phó Thống đốc BoJ Shinichi Uchida phải lên tiếng trấn an, cam kết không tăng lãi suất thêm nếu thị trường còn bất ổn.
Cơn sốt AI đưa Nvidia lên ngôi vương công nghệ toàn cầu
Cơn sốt AI đã đưa Nvidia vượt qua cả Apple và Microsoft để trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, đạt 3,430 tỷ USD. Nắm giữ hơn 80% thị phần chip AI toàn cầu, gã khổng lồ công nghệ này đã trở thành trung tâm của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo kể từ khi ChatGPT ra mắt cuối năm 2022.
Cổ phiếu công ty đã tăng gần gấp 3 trong năm nay và hơn 2,700% trong 5 năm qua.
Khủng hoảng tại Biển Đỏ
Cuộc tấn công liên tiếp của phiến quân Houthi vào các tàu thương mại qua Biển Đỏ đã gây ra một cuộc khủng hoảng vận tải toàn cầu. Lưu lượng hàng hóa qua Kênh đào Suez - tuyến đường huyết mạch nối châu Á và châu Âu - đã giảm mạnh 35% trong những tháng đầu năm 2024, buộc các công ty vận tải phải điều chỉnh lại toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều hãng vận tải lớn như Maersk và MSC buộc phải chuyển hướng tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, kéo dài thêm 7-10 ngày hành trình và đẩy chi phí vận chuyển tăng tới 40%. Tình trạng gián đoạn này đang gây tổn hại đáng kể cho thương mại toàn cầu, đặc biệt là các tuyến hàng giữa châu Á và châu Âu.
COP29: Bước đột phá cho thị trường carbon toàn cầu
Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP29 đã đạt được thỏa thuận lịch sử về quy tắc cho thị trường tín chỉ carbon toàn cầu sau 1 thập kỷ đàm phán. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ huy động hàng tỷ USD vào các dự án chống biến đổi khí hậu thông qua cơ chế mua bán tín chỉ carbon giữa các quốc gia.
Cơ chế hoạt động của thị trường tín chỉ carbon khá đơn giản: Các nước đang phát triển có thể tạo ra tín chỉ thông qua các dự án như trồng rừng hoặc xây dựng trang trại điện gió, sau đó bán cho các quốc gia và doanh nghiệp cần đạt mục tiêu giảm phát thải. Theo ước tính của Hiệp hội thương mại khí thải quốc tế (IETA), thị trường này có thể đạt quy mô 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, góp phần giảm 5 tỷ tấn khí thải carbon hàng năm.
Năm xuyên phá kỷ lục của vàng
Giá vàng thế giới đã tăng hơn 30% trong năm nay và có lúc vượt mốc 2,800 USD trước khi quay đầu giảm. Nhìn lại, vàng đã lập kỷ lục hơn 40 lần từ đầu năm đến nay. Có nhiều yếu tố kết hợp tạo thành một môi trường hoàn hảo cho sự tăng giá của vàng, gồm triển vọng lãi suất giảm trên toàn cầu, xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị gia tăng, và hàng loạt cuộc bầu cử diễn ra trên thế giới trong đó có bầu cử ở Mỹ.
Vũ Hạo
FILI
|