Chủ Nhật, 15/12/2024 16:31

Nhiều điểm sáng trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2024

Dự kiến, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Ấn Độ trong năm nay sẽ vượt 15 tỷ USD là cột mốc đã được lãnh đạo hai nước đặt ra và dự kiến sẽ đạt 20 tỷ trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thương mại vốn được đánh giá là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong các năm qua, lĩnh vực này liên tục đạt được mức tăng trưởng cao và năm 2024 tiếp tục ghi thêm nhiều dấu ấn đáng khích lệ.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New Delhi, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, cho biết hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm 2024 có nhiều điểm sáng nổi bật.

Lần đầu tiên trong 10 năm qua, Việt Nam có Đoàn cấp cao sang thăm Ấn Độ: đó là chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chuyến thăm đã đạt được rất nhiều kết quả hợp tác về kinh tế và thương mại như tổ chức thành công Diễn đàn doanh nghiệp thu hút hơn 300 doanh nghiệp Ấn Độ tham dự, trong đó có nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn muốn đầu tư vào Việt Nam như Adani, HCL…; hai bên đã ký các văn kiện hợp tác kinh tế, thương mại để triển khai phương châm “5 hơn” do Thủ tướng Chính phủ nêu ra.

Dự kiến, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Ấn Độ trong năm nay sẽ vượt 15 tỷ USD là cột mốc đã được lãnh đạo hai nước đặt ra và dự kiến sẽ đạt 20 tỷ trong thời gian tới.

Để đạt được kết quả trên, trong thời gian qua, Cơ quan Thương vụ tại Ấn Độ cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại.

Ngay từ đầu năm, từ ngày 10-11/1, Đoàn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tham dự chương trình “Vibrant Gujarat”, mở ra cơ hội hợp tác cho cả năm 2024.

Trong khuôn khổ chương trình này, Cơ quan Thương vụ cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động như Triển lãm gian hàng, Diễn đàn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cơ quan Thương vụ đã lần đầu tiên mời đoàn biểu diễn nghệ thuật trong nước tham dự chương trình hội chợ triển lãm kéo dài 5 ngày tại bang Uttar Pradesh, bang có nhiều tiềm năng hợp tác về kinh tế.

Nhiều người dân Ấn Độ đã lần đầu tiên được hiểu sâu hơn về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, cảm nhận được những tương đồng trong nhạc cụ của hai nước.

Cơ quan Thương vụ cũng đã tổ chức Tuần lễ Ẩm thực Việt Nam tại Ấn Độ, thu hút đông đảo người dân địa phương tới thưởng thức và giao lưu, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại du lịch trong năm qua tăng trưởng vượt bậc.

Đoàn đại biểu Ấn Độ dự Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 10 tham quan quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), ngày 13/8/2019. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Về du lịch, thống kê sơ bộ cho thấy lượng khách Ấn Độ sang Việt Nam trong năm 2024 tăng khoảng 3-4 lần và kỳ vọng có thể đạt 500.000-600.000 lượt khách. Ấn Độ hiện đứng Top 6 về lượng khách sang Việt Nam, theo đó thúc đẩy kinh tế trong nước.

Điểm sáng nữa là về đầu tư. Lần đầu tiên một tập đoàn lớn như VinFast đã đầu tư sang Ấn Độ. Đây là dấu ấn mà trong suốt 50 năm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Ấn Độ, lần đầu tiên có một doanh nghiệp 100% vốn trong nước đầu tư sang Ấn Độ với lượng vốn lên tới 2 tỷ USD. Nhiều quan chức và doanh nghiệp Ấn Độ đã ngỡ ngàng trước điều này và đánh giá rằng đó là một kỳ tích của các doanh nghiệp Việt Nam.

Về những khó khăn, thách thức trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2024, khó khăn đầu tiên là việc nhiều nền kinh tế trên toàn cầu, trong đó có Ấn Độ, áp dụng các biện pháp bảo hộ như đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng hàng hóa, thậm chí có những tiêu chuẩn được áp dụng trong thời gian ngắn khiến các doanh nghiệp khó có thể thích ứng ngay. Giờ đây, Ấn Độ không còn là thị trường “dễ tính.”

Điều này buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị kỹ càng hơn trước khi ra thị trường thế giới. Khó khăn thứ hai là việc các doanh nghiệp Việt Nam thiếu sự chủ động tích cực trong việc thăm dò khả năng thâm nhập thị trường Ấn Độ, mặc dù đã được Cơ quan Thương vụ hỗ trợ nhiều về các điều kiện giới thiệu mặt hàng, gặp gỡ đối tác…

Nhận định về xu hướng hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước trong năm 2025 cũng như những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển hoặc mở rộng thị trường trong năm tới, Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng cho rằng hợp tác thương mại Việt Nam-Ấn Độ trong 2025 có nhiều điểm sáng và có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Thứ nhất, sự mạnh dạn đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam và Việt Nam sang Ấn Độ sẽ làm cơ sở tiền đề để thúc đẩy kinh tế thương mại song phương.

Trong năm 2025, công ty VinFast sẽ công bố chiến lược và kế hoạch sản xuất những loạt xe đầu tiên tại nhà máy ở Ấn Độ. Đây sẽ là một dấu ấn rất quan trọng.

Thứ hai, bên cạnh Vinfast, nhiều tập đoàn của Việt Nam cũng đang quan tâm đến thị trường Ấn Độ và Cơ quan Thương vụ đang đẩy mạnh hỗ trợ các tập đoàn thông qua việc kết nối làm việc trực tiếp với các bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ, những nơi có nhiều điều kiện hợp tác phù hợp như gần các nguồn nguyên liệu, các chính quyền địa phương có những ưu đãi đặc biệt hoặc những nơi có tình cảm quan tâm đặc biệt đến Việt Nam ...

Về ngành hàng và các lĩnh vực cụ thể, hiện tại, cả thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, kinh tế xanh và đặc biệt áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong những ngành hàng về công nghệ bán dẫn, công nghiệp bán dẫn, AI.

Ấn Độ là quốc gia có số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp lớn thứ 3 thế giới và rất nhiều sáng tạo của họ đã được đưa vào hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, hoạt động đổi mới sáng tạo và số lượng start-up của Việt Nam đang rất nhiều nên cơ hội hợp tác giữa các start-up có nhiều cơ hội phát triển.

Về dân số, các start-up của Việt Nam đáp ứng quy mô hơn 100 triệu người khác hẳn với quy mô hơn 1,5 tỷ người gộp lại với Ấn Độ. Chính vì vậy, cơ hội triển khai sẽ lớn hơn và đối tượng ứng dụng cũng nhiều hơn nên cơ hội thành công sẽ lớn hơn.

Lĩnh vực thứ 3, cũng là lĩnh vực thế mạnh truyền thống, là nông sản và thực phẩm chế biến. Ấn Độ sẽ trở thành siêu cường kinh tế trong thập kỷ này và vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội "đi trước đón đầu' để hợp tác kinh doanh trước khi Ấn Độ trở thành siêu cường.

Hiện tại, Ấn Độ đã áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe nên trong thời gian tới, quốc gia Nam Á này sẽ áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, hai nước cũng có tiềm năng hợp tác trong một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng xanh. Ấn Độ đã triển khai rất thành công lĩnh vực năng lượng hạt nhân và Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ.

Về xu hướng toàn cầu, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng. Một trong những điểm đó là việc hai nước đều xuất siêu sang Mỹ, trong khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây đã cảnh báo về việc sẽ áp thuế.

Chính vì vậy, hai nước có thể hợp tác học hỏi lẫn nhau trong việc ứng phó và giải quyết những thách thức từ các hành động của Chính phủ Trump 2.0. Một trong những kinh nghiệm mà Việt Nam cần học hỏi từ Ấn Độ trong hoạt động giao thương với Mỹ là việc Ấn Độ có rất nhiều cơ chế hợp tác với Mỹ, bao gồm hợp tác song phương cấp bộ trưởng, hợp tác trong các diễn đàn như Hội đồng kinh doanh Ấn-Mỹ, diễn đàn các nhà lãnh đạo hàng đầu Ấn – Mỹ…

Những cơ chế này giúp tăng cường hợp tác và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong hợp tác kinh doanh song phương.

Để tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, Cơ quan Thương vụ Việt Nam đã kiến nghị thúc đẩy khả năng đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương Việt Nam-Ấn Độ.

Thỏa thuận này rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Ấn Độ đang yêu cầu rà soát Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA). Cơ quan Thương vụ cho rằng để có được chuyển biến đột phá trong quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam-Ấn Độ, hai nước cần có những cơ chế và chính sách hợp tác riêng. Do vậy, FTA là chìa khóa để dẫn đến thành công này.

Ngọc Thuý - Quang Trung

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Ngành dệt may Việt Nam đứng trước khó khăn và cơ hội đan xen (15/12/2024)

>   Thủ tướng: Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ và tới Cà Mau (15/12/2024)

>   Doanh nghiệp ô tô đua nhau "đi buôn" (15/12/2024)

>   Kiên Giang dự kiến vốn đầu tư công hơn 11.000 tỷ đồng trong năm 2025 (15/12/2024)

>   Chuyên gia: Đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam "vẫn được duy trì" (15/12/2024)

>   Chuyên gia: Đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam "vẫn được duy trì" (15/12/2024)

>   GGGI hỗ trợ Việt Nam thu hút đầu tư xanh và mở rộng các dự án trái phiếu xanh (15/12/2024)

>   Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sau sáp nhập giảm 40% số đầu mối (15/12/2024)

>   Hải Phòng công bố kế hoạch hợp nhất 10 sở và nhiều ban, ngành (14/12/2024)

>   NVIDIA chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam với cam kết đầu tư hơn 4 tỷ USD (14/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật