Nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ có thể làm nổi trên mặt nước
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện nay chỉ có 2 quốc gia vận hành lò phản ứng kiểu mô-đun nhỏ (SMR) là Trung Quốc và Nga.
Báo cáo Kinh nghiệm quốc tế và phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) chỉ rõ, phát triển lò phản ứng kiểu mô-đun nhỏ (SMR) với đặc thù quy mô nhỏ hơn các nhà máy điện hạt nhân truyền thống lớn đã được nhiều quốc gia quan tâm.
Bởi, các lò SMR có nhiều ưu điểm như: giảm thời gian lắp đặt và tiết kiệm chi phí; tính năng an toàn và an ninh nâng cao do phần lớn được thiết kế theo triết lý an toàn thụ động, giảm thiểu tối đa rò rỉ phóng xạ trong hầu hết tình huống; tính linh hoạt của việc lắp đặt và địa điểm.
Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới của Liên bang Nga.
|
Đáng chú ý, nhờ quy mô phân tán nên giảm được nhu cầu đầu tư tăng cường lưới truyền tải so với điện hạt nhân quy mô lớn; hỗ trợ vận hành linh hoạt hệ thống điện có tỷ trọng thâm nhập năng lượng tái tạo cao; điện hạt nhân SMR dạng nổi có thể bổ sung nhanh công suất thiếu hụt cho các trung tâm phụ tải.
SMR nổi cũng là một hướng phát triển nhờ tính di động của nhà máy, cho phép nó có thể được di chuyển từ nơi này tới nơi khác nếu cần thiết. Từ khía cạnh này, các tổ máy điện hạt nhân nổi thích hợp vận hành tại các khu vực ven biển, hoặc những nơi nằm xa hệ thống cấp điện trung tâm.
Chưa kể, các lò SMR còn có tiềm năng thay thế các nhà máy điện than đóng cửa, Viện Năng lượng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lò SMR sẽ gặp thách thức trong việc thương mại hóa, mặc dù các dự án ban đầu có kết quả tốt nhưng để thương mại hóa thì chi phí đầu tư có thể tăng đáng kể do chưa có chuỗi cung ứng chế tạo chuyên dụng.
Hiện, có nhiều loại công nghệ với các mục đích sử dụng khác nhau được phát triển và vận hành, từ các lò phản ứng vi mô có công suất dưới 10MW đến các lò phản ứng lớn có công suất lên tới 300MW.
Song, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), chỉ có 2 quốc gia vận hành SMR là Trung Quốc và Nga. Trong khi Nga đang triển khai lắp đặt với công suất 70MW, thì Trung Quốc gần đây đã bắt đầu vận hành thương mại tổ máy đầu tiên tại địa điểm Shidaowan với công suất 200MW.
Viện Năng lượng cũng lưu ý, mặc dù là lò SMR nhưng vẫn cần hài hòa giữa các cơ chế quy định mang tính quốc tế với tiêu chuẩn đánh giá, phê duyệt an toàn bởi các cơ quan pháp quy của từng quốc gia; đồng thời cần phải có sự chấp thuận của công chúng nên SMR cũng được coi như nhà máy điện hạt nhân công suất lớn.
Đến nay, chưa có một thiết kế nào được đầu tư sản xuất hàng loạt, hầu hết là phiên bản thử nghiệm ban đầu, chuỗi cung ứng chưa hình thành. Bên cạnh đó, phát triển nhiều lò SMR phân tán tiềm ẩn vấn đề trong việc chấp nhận của công chúng và gây ra chi phí lớn hơn cho đảm bảo an ninh so với tổ máy lớn.
Không có khoản đầu tư điện hạt nhân nào theo vùng trước năm 2040 trong tất cả các kịch bản.
|
“Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng 0” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch công bố hồi tháng 6/2024 cho rằng: Đầu tư điện hạt nhân tập trung vào công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), lựa chọn công nghệ mới nổi, có ưu điểm là thời gian xây dựng ngắn và lắp đặt phân tán.
Tuy nhiên, vị trí vùng cũng là một yếu tố liên quan khi xem xét vai trò tiềm năng của điện hạt nhân ở Việt Nam.
Báo cáo nhận định, đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân SMR chủ yếu ở Bắc Bộ hoặc Đông Nam Bộ là giải pháp có chi phí tối ưu để cung cấp điện cho các trung tâm phụ tải lớn do không cần phải đầu tư thêm vào lưới truyền tải liên vùng.
Với lựa chọn này, năng lượng hạt nhân có thể trở nên cạnh tranh về mặt chi phí trong một số vùng khi các công nghệ năng lượng tái tạo có chi phí thấp, như điện mặt trời mặt đất, đã được khai thác hết tiềm năng ở những nơi có nhu cầu sử dụng điện cao.
Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng lưu ý, do điện hạt nhân chưa có ở Việt Nam nên việc phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết và kiến thức để áp dụng công nghệ mang tính đặc thù cao này có độ chắc chắn thấp về cả chi phí và thời gian đầu tư.
Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp 8, trong đó đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ được giao bố trí nguồn lực thực hiện việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo kết luận của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, sau 8 năm tạm dừng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được khởi động lại.
Trước đó, địa điểm quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
|
Tâm An
VietNamNet
|